Liên kết vùng đất 'Chín Rồng'

Sau hơn nửa giai đoạn triển khai Quyết định số 593/QĐ-TTg, ngày 6-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Để hoạt động liên kết xứng đáng với kỳ vọng, cần có những cơ chế, chính sách và quyết tâm hành động thiết thực, cụ thể hơn, trong đó phải có vai trò 'nhạc trưởng' của cơ quan Trung ương.

Gặp gỡ nhiều nhưng hiệu quả chưa cao

Với Quyết định số 593/QĐ-TTg, ngày 6-4-2016 (QĐ593) ĐBSCL trở thành vùng đầu tiên và duy nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước được Thủ tướng Chính phủ áp dụng quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng. QĐ593 quy định về nội dung thí điểm liên kết vùng ĐBSCL với 3 lĩnh vực liên kết chính và 4 hoạt động liên kết cụ thể, đồng thời giao trách nhiệm cho các bộ, ngành liên quan cũng như chính quyền địa phương trong tổ chức liên kết. Một điểm đặc biệt của quy chế thí điểm là quy định mức vốn hỗ trợ tối thiểu 10% từ ngân sách Trung ương so tổng vốn đầu tư phát triển cho các chương trình, dự án liên kết trong vùng. Đây là bước đột phát về cơ chế tài chính, tạo động lực khuyến khích liên kết giữa các tỉnh và liên kết vùng.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng, Trưởng nhóm nghiên cứu quốc gia cho rằng, nhu cầu liên kết vùng ĐBSCL là rất rõ khi mà trước khi có QĐ593, đã có cơ chế liên kết theo vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (TP. Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau). Thực hiện QĐ593, có 4 tiểu vùng liên kết được hình thành gồm: Đồng Tháp Mười, Duyên hải phía Đông, Bán đảo Cà Mau và Tứ giác Long Xuyên. Ngoài ra, còn có các cơ chế phi chính thức ra đời, điển hình là sáng kiến ABCD Mekong - mạng lưới liên kết gồm 4 tỉnh: An Giang, Bến Tre, TP. Cần Thơ, Đồng Tháp.

Mặc dù được kỳ vọng nhiều và đã đạt được một số kết quả ban đầu nhưng liên kết vùng ĐBSCL theo QĐ593 vẫn còn nhiều hạn chế. PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhận xét: “Hoạt động liên kết chủ yếu vẫn ở mức gặp gỡ, trao đổi và lập kế hoạch liên kết, trong khi việc triển khai các kế hoạch cụ thể trên thực tế còn ít và chưa đáp ứng được yêu cầu”. Một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau đánh giá thẳng thắn: “Khi cơ chế liên kết chưa rõ ràng, bộ máy điều phối liên kết vùng kém hiệu quả thì việc một số tỉnh họp lại cũng chỉ “gặp nhau cho vui” chứ chưa bàn gì cụ thể. Gặp gỡ xong, mỗi tỉnh vẫn theo lợi ích cục bộ địa phương mà làm”.

Cần có “nhạc trưởng” của vùng

Nguyên nhân khiến việc triển khai QĐ593 chậm và chưa đạt yêu cầu, ngoài những yếu tố như: chưa có ưu tiên về mục tiêu liên kết, cơ chế liên kết chưa rõ ràng, bộ máy điều phối liên kết vùng thiếu hiệu quả thì nguồn lực tài chính cho liên kết là vấn đề cần quan tâm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, sở dĩ việc triển khai quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL bị vướng về tài chính là do QĐ593 ban hành vào tháng 4-2016, thời điểm mà kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2016-2020) đã kết xong, rất khó bổ sung vốn cho các dự án mới, trong đó có các dự án liên kết vùng.

“Để không bị “lỡ nhịp” như QĐ593, các cơ quan chuyên môn, địa phương trong vùng cần đánh giá chính xác về thuận lợi, khó khăn, đề xuất giải pháp phù hợp, qua đó tham mưu Chính phủ ban hành quyết định bổ sung về liên kết ĐBSCL chậm nhất trong năm 2019 để kịp với kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2020-2025)”.

Trên thực tế, dù còn nhiều hạn chế nhưng tại ĐBSCL đã nhen nhóm những mô hình liên kết khá hiệu quả. Điển hình như việc triển khai liên kết ở Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang) và Tứ giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, TP. Cần Thơ) được các tỉnh trong vùng tham gia tích cực.

Đối với 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang, thường xuyên có sự trao đổi, thống nhất trong kế hoạch xả lũ, ngăn mặn, góp phần điều tiết nước phù hợp cho vùng ĐBSCL. Đối với vùng Đồng Tháp Mười, việc trao đổi thường xuyên giữa các tỉnh giúp nâng cao hiệu quả hoạt động trữ lũ, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần chống biến đổi khí hậu cho vùng.

Đó là những điểm sáng có thể đưa vào nghiên cứu, đề xuất giải pháp để việc triển khai QĐ593 đạt hiệu quả hơn. Trong số những giải pháp được các tỉnh ĐBSCL đề xuất, cùng với yêu cầu xác định rõ mục tiêu và ưu tiên liên kết, đảm bảo nguồn lực tài chính, tăng cường cơ sở thông tin, nâng cao vai trò của doanh nghiệp và người dân… thì yếu tố quan trọng nhất để liên kết hiệu quả là phải có “nhạc trưởng” điều phối liên kết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị: “Có thể thành lập Hội đồng vùng ĐBSCL gồm Ban Chỉ đạo do một Phó Thủ tướng Chính phủ (phụ trách Tây Nam Bộ) làm Trưởng ban, còn Phó trưởng ban Chỉ đạo trực kiêm Chủ tịch Hội đồng vùng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thành viên ban chỉ đạo gồm một số bộ, ngành liên quan, còn thành viên hội đồng vùng là đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố ĐBSCL. Bên dưới hội đồng vùng là các tiểu ban với từng nhiệm vụ được phân công cụ thể. Với vai trò “nhạc trưởng” của ban chỉ đạo và hội đồng vùng, việc liên kết ĐBSCL sẽ thống nhất, hiệu quả hơn”.

“Thông qua việc hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới (WB) với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với sự hỗ trợ của quốc tế (Hà Lan, Úc), nếu có những đề xuất, giải pháp cụ thể về cơ chế, tài chính nhằm nâng cao hiệu quả liên kết, tôi tin việc liên kết vùng ĐBSCL sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong điều kiện biến đổi khí hậu” - bà Diji Chandrasekharan Behr, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/lien-ket-vung-dat-chin-rong--a234802.html