Liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ gia cầm giúp tăng hiệu quả chăn nuôi

Liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm từ gia cầm tại Hải Phòng góp phần phát triển nền nông nghiệp hiện đại, làm tăng hiệu quả trong chăn nuôi.

Đảm bảo chất lượng, ổn định đầu ra

Nhiều năm về trước, khi việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, về cơ bản người nông dân không dám đầu tư lớn vào lĩnh vực chăn nuôi gà, trừ một số cơ sở chăn nuôi gia công.

Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu đầu từ lớn, đến nay nhiều người hoặc bị dịch bệnh càn quét điêu đứng, hoặc bị ép giá rồi phá sản. Khi việc liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp phát triển thì bài toán về dịch bệnh hoặc 'nuôi nhiều rớt giá' của người nuôi gia cầm phần nào được giải quyết.

 Người nông dân có nhiều lợi thế khi liên kết chăn nuôi với Công ty Lượng Huệ, trong đó cái được nhất là giá cả ổn định và chăn nuôi an toàn. Ảnh: CTLH.

Người nông dân có nhiều lợi thế khi liên kết chăn nuôi với Công ty Lượng Huệ, trong đó cái được nhất là giá cả ổn định và chăn nuôi an toàn. Ảnh: CTLH.

Tìm hiểu từ một số hộ chăn nuôi gà có liên kết chăn nuôi gà sạch với Công ty CP giống gia cầm Lượng Huệ (Công ty Lượng Huệ) tại Hải Phòng cho thấy người nông dân có nhiều lợi thế, trong đó cái được nhất là giá cả ổn định và việc chăn nuôi an toàn hơn. Người chăn nuôi chỉ cần thực hiện đúng kỹ thuật từ phía doanh nghiệp yêu cầu, còn doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp giống gà chuẩn, cám, kỹ thuật và thu mua.

Ông Nguyễn Văn Hoa, xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo – một hộ liên kết chăn nuôi gà với Công ty Lượng Huệ cho hay: “Mô hình liên kết này khác với mô hình chăn nuôi gà thông thường ở quy trình chăn nuôi kỹ thuật và thời gian chăn nuôi, con giống, tiêm vắc xin được thực hiện chặt chẽ, môi trường chăn nuôi được đảm bảo… đặc biệt giá bán được phía doanh nghiệp ký giá ‘chết’ nên không lo giá cả thị trường lên xuống. Chỉ cần chăn nuôi theo đúng hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ là chắc chắc có lợi nhuận”.

Cũng theo ông Hòa, trước kia chăn nuôi nhỏ lẻ thường bỏ ngỏ việc tiêm vắc xin nên việc chăn nuôi hay trục trặc, giờ làm ăn với doanh nghiệp mới biết Vacin có tác dụng như thế nào. Ví dụ như trước đây, tỷ lệ gà bị thiệt hạ từ lúc nuôi cho đến lúc bán khoảng 7-7.5% thì nay khi chăn nuôi bài bản theo quy trình hướng dẫn của của doanh nghiệp thì tỷ lệ rủi ro giảm hẳn.

Theo Công ty Lượng Huệ, ngoài việc đã xây dựng 1 chuỗi liên kết từ chăn nuôi gà ông bà, chăn nuôi gà bố mẹ, nuôi gà thịt cho đến dây chuyển giết mổ, nhà máy chế biến hiện đại... Công ty còn có nhà máy sản xuất thức ăn, có quy trình chăn nuôi kỹ thuật cao. Người chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn mà công ty và đối tác thu mua sản phẩm gà sạch đề ra sẽ được thu mua theo giá cố định, không phụ thuộc vào giá cả thị trường.

“Người dân nuôi gà theo đúng cam kết và quy trình chăn nuôi đã đề ra, Công ty sẽ chịu trách nhiệm thu mua về theo giá cố định, không phụ thuộc vào thị trường, người dân sẽ có công, ổn định và giá lúc nào cũng sẽ cao hơn thị trường. Ví dụ hiện tại giá gà ta ngoài thị trường khoảng 52.000đ/1kg nhưng công ty vẫn đang thu mua cho các trang trại liên kết chăn nuôi theo giá đã ký là 58.000đ/kg”, ông Nguyễn Văn Quý – Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Lượng Huệ cho biết.

Dây chuyền giết mổ hiện đại của Công ty Lượng Huệ. Ảnh: CTLH.

Các bên đều có lợi

Theo ông Quý, trong chuỗi liên kết từ sản xuất đến bao tiêu đầu ra sản phẩm của Công ty Lượng Huệ, ngoài việc chăn nuôi theo quy trình chuẩn, chất lượng gà đảm bảo thì nhà máy giết mổ và chế biến Ogari là mắt xích rất quan trọng. Sau khi thương hiệu gà Ogari ra đời thì mắt xích cuối cùng trong chuỗi giá trị chăn nuôi khép kín của công ty hoàn thành.

Về giá cả, ngoài việc ký với người dân giá 'chết', đảm bảo ổn định đầu ra cho người chăn nuôi, Công ty cũng đã có các hợp đồng với mức giá cố định với các đối tác tiêu thụ sản phẩm. Theo cơ chế thị trường, quá trình thu mua có thể điều chỉnh nhưng không đáng kể, luôn đảm bảo các bên đều có lợi.

“Công ty sẽ ký với người dân giá ‘chết’ theo phân khúc 95, 120 hoặc 150 ngày, thời gian nuôi lâu thì sẽ được trả giá cao hơn. Mỗi sản phẩm thì mình phải tính thời gian để ổn định lãi suất cho người chăn nuôi và lợi ích của doanh nghiệp... Về đầu ra, chúng tôi đang có hơn 300 đối tác liên kết tiêu thụ, đó là các siêu thị, nhà bếp, khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có các siêu thị lớn như: Vinmart, Metro, Big C, Aeon… Chúng tôi ký với các đối tác giá cố định, tất nhiên là có điều chỉnh lên, xuống theo giá thị trường nhưng mức điều chỉnh không đáng kể”, ông Quý nói.

Sản phẩm gia cầm sạch, an toàn được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: Đinh Mười.

Công ty Lượng Huệ hiện tại liên kết với từ 40-50 trang trại, trong đó trang trại quy mô thấp nhất khoảng 6.000 con, còn lớn nhất khoảng 30.000 con và chủ yếu ở Hải Phòng. Đối với gà công nghiệp, doanh nghiệp này có liên kết với 1 số công ty nuôi liên doanh tại một số tỉnh, thành khác như: Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái…

Gà sau khi được thu mua được chế biến thành các sản phẩm đã được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và chứng nhận HACCP ISO như: gà ri mái rớt trứng truyền thống Ogari, gà trống nhú cựa Ogari, gà trống cúng phục vụ riêng cho lễ tết Ogari, gà ri 3 sạch Ogari và gà ác đặc sản… Sau đó được cung cấp cho các đối tác, là các bếp ăn, các khu công nghiệp, các siêu thị như Metro, Vinmart, Big C, Aeon, các khu chế xuất… theo các hợp đồng đã được ký kết.

Theo Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Hải Phòng, các sản phẩm Ogari của Công ty Lượng Huệ đã được đơn vị kiểm tra và chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà máy chế biến giết mổ thịt gia cầm của công ty này đạt chuẩn quốc tế.

Việc liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm từ gia cầm đảm bảo an toàn, giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia, góp phần đảm bảo các bên cùng có lợi, làm tăng hiệu quả trong sản xuất nông sản và góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

ĐINH MƯỜI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lien-ket-tu-san-xuat-den-tieu-thu-gia-cam-giup-tang-hieu-qua-chan-nuoi-d280756.html