Liên kết trong nuôi trồng thủy sản

Trong thời gian qua, các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh đã từng bước tổ chức liên kết sản xuất, giúp người sản xuất giảm thiểu chi phí và ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Người dân xã Đa Lộc (Hậu Lộc) chế biến ngao sau thu hoạch.

Một trong những mô hình sản xuất thủy sản hiệu quả là sự liên kết giữa Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa liên kết với nông dân các huyện Nông Cống, Nga Sơn, Triệu Sơn... nuôi 15 ha cá rô phi đơn tính làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, công ty còn liên kết với nông dân nuôi ngao và thuê 200 ha diện tích nuôi ngao tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc để trực tiếp sản xuất. Theo đó, chuỗi liên kết nuôi cá rô phi đơn tính và ngao được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất, cung ứng giống, nuôi thương phẩm đến thu mua, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, công ty đã chinh phục một số thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu. Trong quá trình sản xuất, công ty và người nuôi thủy sản thực hiện mô hình quản lý đồng bộ, nghiêm ngặt theo chuỗi từ khu vực nuôi, người nuôi đến quy trình thu hoạch, vận chuyển và xử lý nguyên liệu chế biến. Công ty ký hợp đồng với người nuôi, cam kết bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, các hộ nuôi trong chuỗi liên kết phải tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết trong quá trình nuôi, thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật.

Ông Phạm Đức Nhuận, Phó Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh ngao Hậu Lộc, cho biết: Thông qua hoạt động của hội nhằm giúp đỡ các hộ trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngao. Đại diện bảo vệ lợi ích hợp pháp cho hội viên, liên kết các hội viên. Tổ chức hướng dẫn các thành viên thực hiện đúng quy trình nuôi và thu hoạch ngao để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổ chức kiểm tra, giám sát, quản lý nội bộ, tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ thuật và kỹ năng quản lý. Nghiên cứu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nuôi ngao và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để liên kết sản xuất... Qua liên kết, các hộ NTTS trao đổi kinh nghiệm, thống nhất kế hoạch sản xuất, phương án, biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả...

Ngoài ra, một số HTX như: HTX Dịch vụ NTTS Hoằng Phụ, HTX Dịch vụ NTTS Hoằng Phong (Hoằng Hóa), HTX Dịch vụ NTTS Quảng Chính (Quảng Xương)..., đảm nhận cung cấp vật tư, nguyên liệu thức ăn thủy sản và bảo đảm đầu ra của sản phẩm cho các xã viên... Bên cạnh đó, các xã viên trong HTX còn được chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức sản xuất thủy sản theo hướng an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu của thị trường. HTX cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với các hộ NTTS, đại diện cho các hộ ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản. Nhờ đó, các hộ NTTS có đầu ra ổn định, yên tâm phát triển sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 600 hộ tham gia chuỗi liên kết trong NTTS, áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các hộ nuôi còn được hỗ trợ về con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và liên kết với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Sản lượng tiêu thụ thông qua các chuỗi liên kết hàng năm đạt hơn 1.000 tấn thủy sản. Tuy nhiên, qua thực tế việc liên kết trong NTTS hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, người nuôi thủy sản vẫn còn tiêu thụ sản phẩm qua nhiều cấp trung gian. Người sản xuất và doanh nghiệp chế biến vẫn còn phụ thuộc vào đại lý trung gian thu mua nguyên liệu. Vì vậy, việc mở rộng các chuỗi liên kết trong NTTS rất cần thiết, nhằm giúp cân đối nguồn nguyên liệu giữa người nuôi và nhà máy chế biến; đồng thời, hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao uy tín thương hiệu của sản phẩm.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/lien-ket-trong-nuoi-trong-thuy-san/107463.htm