Liên kết tiểu vùng Bắc Trung bộ: Chưa thực chất và kém hiệu quả

Tiểu vùng Bắc Trung bộ có nhiều tiềm năng to lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế biển và đất liền ven biển. Tuy nhiên vai trò liên kết còn kém hiệu quả.

Vị trí quan trọng gắn liền phát triển kinh tế biển

Tiểu vùng Bắc Trung bộ gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, là địa bàn đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh, nằm trọn vẹn trong phạm vi quản lý của Quân khu 4 (diện tích 5,2 triệu ha, chiếm 10% diện tích cả nước; dân số gần 10 triệu người). Các tỉnh trong vùng đều có đặc điểm chung là phía Tây giáp dãy Trường Sơn và nước bạn Lào, phía Đông giáp Biển Đông; địa hình kéo dài, phân định phức tạp, đa dạng (vùng núi, trung du, đồng bằng, vùng cát ven biển); thời tiết khắc nghiệt, nhiều biến động. Từ thực tiễn cấu trúc địa hình, phân bổ dân cư các tỉnh, Nghị quyết số 39-NQ/TW đã định hướng hình thành một số khu vực kinh tế quan trọng trong tiểu vùng.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cụ thể là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã định hướng đối với vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là: Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ; cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao; phát triển nhanh, đồng bộ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tăng cường liên kết vùng, tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá; nâng cao năng lực phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, bão lũ, hạn hán; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, sạt lở bờ sông, bờ biển.

20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW và vai trò quan trọng của tiểu vùng

"Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong bối cảnh mới” là tọa đàm thứ 3 được tổ chức trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Mục tiêu của tọa đàm là tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành, các chuyên gia và nhà khoa học về liên kết phát triển trong tiểu vùng, trên cơ sở đó cung cấp thêm ý tưởng và luận cứ cho việc đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết tiểu vùng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng nói riêng và cả vùng nói chung trong bối cảnh mới. Những đề xuất này sẽ được đưa vào Báo cáo Tổng kết của Đề án và dự thảo Nghị quyết mới về vùng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tháng 9/2022.

Kinh tế ven biển và kinh tế biển là thế mạnh của các tỉnh tiểu vùng Bắc Trung bộ

Kinh tế ven biển và kinh tế biển là thế mạnh của các tỉnh tiểu vùng Bắc Trung bộ

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết các Nghị quyết 6 vùng kinh tế đã được ban hành cách đây gần 20 năm và chủ trương sẽ ban hành các nghị quyết mới nhằm định hướng cho phát triển các vùng để phát huy được được các tiềm năng, lợi thế, tối ưu hóa nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước.

Nghị quyết mới về các vùng cũng là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng để các bộ, ngành ban hành các cơ chế, chính sách mới và bổ sung nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng và các địa phương trong vùng thời gian tới. Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đặt ra nhiều câu hỏi cho việc phát triển kinh tế và tính liên kết tại tiểu vùng Bắc Trung bộ

Ông Vũ Đại Thắng - Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng, tiểu vùng Bắc Trung bộ có nhiều tiềm năng to lớn, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển như: Kinh tế hàng hải; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản; du lịch biển; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp gắn với các khu đô thị ven biển; tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo...; cùng với địa danh cách mạng, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu sẽ là tiền đề quan trọng để các tỉnh trong vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự bứt phá trong giai đoạn tới.

Ông Vũ Đại Thắng - Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng, tiểu vùng Bắc Trung bộ có nhiều tiềm năng to lớn, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển

Vì sao tiểu vùng Bắc Trung bộ vẫn là tiểu vùng kém phát triển?

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tiểu vùng Bắc Trung bộ vẫn là tiểu vùng kém phát triển trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Đặc biệt, các hoạt động liên kết vùng vẫn chưa hiệu quả và chưa được như mong muốn. Cụ thể, tiểu vùng Bắc Trung bộ vẫn là tiểu vùng kém phát triển trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Năm 2020, GRDP/người (49 triệu đồng/người), năng suất lao động (87 triệu đồng/lao động); năm 2021 thu nhập bình quân đầu người đều thấp nhất vùng (3.218 triệu đồng/tháng/người so với 3.493 triệu đồng/người/tháng).

Mặc dù khoảng cách về thu nhập so với trung bình vùng và trung bình cả nước đang được thu hẹp lại nhanh hơn các tiểu vùng khác. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia 2016-2020 cũng cao hơn trung bình vùng. Tỷ lệ đô thị hóa của tiểu vùng năm 2020 cũng thấp hơn trung bình vùng và thấp hơn trung bình cả nước (hơn 20% thấp hơn mức 31,47% của cả vùng Duyên hải miền Trung, thấp hơn mức trung bình của cả nước 36,82%). Các hoạt động liên kết vùng vẫn chưa hiệu quả và chưa được như mong muốn.

Các đại biểu tham luận tại buổi tọa đàm

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đã đặt ra nhiều câu hỏi cho các đại biểu tham dự Tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong bối cảnh mới”. Cụ thể, tại sao liên kết phát triển tiểu vùng và vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung lại khó khăn như vậy? đâu là nguyên nhân và rào cản (nhận thức, cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện hay nguồn lực)?...

Tọa đàm đã thu hút 4 tham luận trực tiếp và nhiều ý kiến trao đổi, phát biểu của các bộ, ngành, địa phương, các viện, đại học.

Trong tham luận Các nguồn lực tăng trưởng kinh tế vùng Bắc Trung bộ và vai trò của vốn con người: Một tiếp nhận thực nghiệm của TS Hoàng Hồng Hiệp - Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ cho rằng, quy mô nền kinh tế vùng Bắc Trung bộ vẫn còn tương đối nhỏ, chỉ chiếm khoảng 6% GDP của cả nước vào năm 2018, trong khi vùng lại chiếm đến 11,4% tổng dân số Việt Nam. Ngoại trừ Hà Tĩnh, các địa phương nội vùng còn lại có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân còn thấp, thấp hơn nhiều địa phương vùng duyên hải Nam Trung bộ. Do vậy, cần thiết thực hiện nghiên cứu định lượng nhằm lượng hóa đóng góp của các nguồn lực trong tăng trưởng kinh tế vùng, nhất là cần nhận diện được mô hình tăng trưởng của vùng và đánh giá vai trò của nguồn vốn con người trong tăng trưởng kinh tế vùng.

Tham luận với chủ đề "Phát triển hệ thống đô thị ven biển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong quy hoạch phát triển hệ thống đô thị Việt Nam” - đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, sự phát triển của hệ thống đô thị ven biển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong thời gian qua cũng cho thấy một số hạn chế, bất cập. Do đó cần, Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Các tỉnh cần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật diện rộng theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các dự án trọng, điểm nhất là giao thông tạo động lực phát triển các cực tăng trưởng, vùng đô thị, đô thị lớn, kết nối nông thôn – đô thị.

Đặc biệt, phiên trao đổi, đối thoại chính sách với sự tham gia của các đồng chí Thường trực tỉnh ủy các tỉnh thành làm rõ vấn đề vì sao cho đến nay liên kết tiểu vùng Bắc Trung bộ nhìn chung được đánh giá là còn chưa thực chất, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả? nguyên nhân chủ yếu; tổ chức quản lý vùng kinh tế - xã hội, tiểu vùng Bắc Trung bộ chưa phải là một cấp hành chính nhưng vẫn có đầy đủ quyền điều phối liên kết vùng.

Cũng tại phiên trao đổi, đối thoại chính sách, hầu hết đại diện lãnh đạo 5 tỉnh đều thừa nhận: Các hoạt động liên kết vùng vẫn chưa hiệu quả và chưa được như mong muốn. Thậm chí có những vấn đề được xem như “lực cản” và khó chạm đến đó là tư tưởng cục bộ địa phương, mạnh ai người nấy làm, không ai chịu liên kết với ai cũng đã được đại diện các địa phương thẳng thắn đưa ra, phân tích, mong muốn tìm ra hướng liên kết mới.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, thời gian tới, tiểu vùng Bắc Trung bộ cần tạo thống nhất cao hơn nữa trong nhận thức về sự cần thiết và tầm quan trọng của liên kết vùng, tiểu vùng. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng liên kết vùng, tiểu vùng như kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển chuỗi đô thị ven biển. Xây dựng thể chế điều phối liên kết phát triển vùng, tiểu vùng đủ mạnh, có đủ thẩm quyền và nguồn lực. Đồng thời, các lĩnh vực liên kết bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; du lịch; đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin trong tiểu vùng và vùng…

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lien-ket-tieu-vung-bac-trung-bo-chua-thuc-chat-va-kem-hieu-qua-217001.html