Liên kết tiêu thụ nông sản ở xã Phú Lộc

Thời gian qua, xã Phú Lộc (Hậu Lộc) luôn coi trọng và đẩy mạnh thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp (DN). Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản hàng hóa và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Diện tích ớt được liên kết, bao tiêu sản phẩm của xã Phú Lộc.

Sản xuất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ đã bộc lộ những hạn chế nhất định, khiến người dân e dè trong việc đầu tư sản xuất nông nghiệp, như: Sản phẩm làm ra chủ yếu được bán cho các thương lái nên xảy ra tình trạng bị ép giá, thu mua không ổn định; chi phí đầu tư cơ giới hóa, thuốc bảo vệ thực vật cao,... khiến người dân không thể chủ động được việc tiêu thụ sản phẩm. Trước những khó khăn đó, để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản ở địa phương, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Phú Lộc được thành lập, trở thành “bà đỡ” trong phát triển sản xuất, thay đổi phương thức từ tự phát, thiếu liên kết,... sang phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người dân. Từ đó, thông qua HTX để kêu gọi, thu hút DN liên kết bao tiêu sản phẩm, tạo ra mối liên kết chặt chẽ, lâu dài, có hiệu quả giữa DN, HTX và người dân. Bên cạnh đó, xã đã chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tăng theo hướng tích cực, các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng được đưa vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương.

Theo ông Trịnh Thanh Tú, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Phú Lộc: Từ những hoạt động thiết thực, thời gian qua, trên địa bàn đã có một số DN liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, như: Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Hoàng Sơn Tùng... Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 70% hộ dân được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Các sản phẩm được đánh giá thu mua ổn định là khoai tây, ớt xuất khẩu, đậu tương rau, ngô ngọt, hành lá... Anh Nguyễn Văn Dũng, ở thôn Phú Đa, cho biết: Trước đây, chung “số phận” với các hộ gia đình khác trong xã, diện tích trồng ớt của gia đình tôi sau khi thu hoạch xong thường bán cho các thương lái với giá bấp bênh, không ổn định, số lượng ớt bị hư hỏng nhiều, phải mang đi tiêu thụ tại các chợ ở địa phương”. Tâm lý lo sợ của gia đình anh đã được giải quyết sau khi được HTX đứng ra bao tiêu, liên kết với DN. Mỗi vụ, không những năng suất ổn định từ 1 đến 1,5 tấn/sào mà chất lượng nông sản cũng được nâng cao do được DN hỗ trợ về giống.

Đánh giá về hiệu quả liên kết trong sản xuất nông nghiệp của xã, đại diện lãnh đạo UBND xã Phú Lộc, cho biết: Từ mối liên kết giữa người dân với DN đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã trong thời gian qua. HTX đang trở thành đại diện bảo vệ quyền lợi các thành viên, phát huy quyền tự chủ của người dân trong sản xuất. Đến nay, giá trị các loại cây trồng theo chuỗi liên kết đạt bình quân 100 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với diện tích chưa được liên kết 30 đến 40 triệu đồng. Mỗi năm trên địa bàn xã, sản lượng nông sản đang được liên kết tiêu thụ đạt trung bình 1.200 tấn/năm và đang có xu hướng tăng dần. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục xây dựng và phát triển các mối liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, chú trọng hoạt động giao thương với các DN, HTX thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi phương thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất tập trung gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/lien-ket-tieu-thu-nong-san-o-xa-phu-loc/101930.htm