Liên kết tiêu thụ nông sản, đặc sản: Còn khiêm tốn, thiếu bền vững

Thời gian qua, nhiều nông sản, đặc sản an toàn của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ qua các kênh phân phối chính thống như chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị… được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, tỷ lệ còn khiêm tốn, chưa phát huy được thế mạnh nông sản vùng miền. Mặt khác, quy mô sản xuất của các địa phương vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, mẫu mã kém…

Người dân mua nông sản an toàn tại phiên chợ nông sản Ciputra Thăng Long. Ảnh: Anh Tuấn

Bấp bênh vì quy mô nhỏ

Tỉnh Sơn La có gần 6.000ha rau, sản lượng đạt hơn 77.000 tấn/năm, hơn 130ha hoa chất lượng cao, gần 19.600ha cây ăn quả như mận, hồng giòn, na, cam, quýt, 4.000ha chè, gần 12.000ha cà phê, đàn bò sữa 17.500 con… Các nông sản đặc sản của tỉnh Sơn La đã xuất hiện trên thị trường Hà Nội và được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Tuy nhiên, hạn chế lớn của nông sản Sơn La là việc chứng nhận hợp quy chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn mác còn thô sơ.

Quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được các hợp đồng đặt hàng số lượng lớn. Giám đốc HTX Rau an toàn Tự Nhiên, huyện Mộc Châu (Sơn La) Nguyễn Thị Luyến cho biết: Người dân Mộc Châu chủ yếu canh tác tự phát theo mùa vụ, trình độ thâm canh hạn chế, việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, cần sự hỗ trợ tập huấn của cơ quan chuyên môn. Sau 5 năm nỗ lực mở rộng diện tích trồng rau an toàn, đến nay, HTX mới mở rộng được 25ha, trong trường hợp ký kết đặt hàng số lượng lớn sẽ gặp khó khăn do thiếu vốn, nhà sơ chế, bảo quản, đóng gói sản phẩm...

Tương tự, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nam Định vẫn nặng tính thời vụ, nhiều loại nông sản được thu hoạch trong thời gian ngắn. Do vậy, việc đáp ứng các điều khoản hợp đồng tiêu thụ ổn định với các đơn vị chế biến và siêu thị lớn sẽ gặp trở ngại. Tỉnh Nam Định chưa có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, việc liên kết sản xuất theo ngành hàng và liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) sản xuất chế biến, kinh doanh nông sản ít được thực hiện. Nông dân trên địa bàn tỉnh có tập quán bán sản phẩm thông qua tư thương, nội dung hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa DN và nông dân thiếu chặt chẽ, thiếu các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hợp đồng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Cạn Nguyễn Đình Điệp cho biết: Tỉnh Bắc Cạn cũng có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chất lượng cao, nhưng nhiều năm nay đầu ra cho các sản phẩm gặp khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, giá cả không ổn định. Nguyên nhân chính, dù diện tích đất sản xuất nhiều nhưng sản xuất không tập trung nên thường bị các thương lái ép giá. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn đối với nông sản hạn chế, nên khi có các đơn hàng ký kết tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn, ổn định về chất lượng, giá cả hợp lý lại không đáp ứng được nhu cầu.

Cần tăng cường kết nối

Trong các chương trình giới thiệu nông sản đặc sản của các tỉnh tại Hà Nội, các gian hàng của các tỉnh, thành phố luôn thu hút người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan: Người tiêu dùng Hà Nội rất quan tâm chất lượng sản phẩm, xuất xứ rõ ràng, mẫu mã, chủng loại phong phú. Do vậy, việc cần thiết phải kết nối tiêu thụ đưa sản phẩm của các tỉnh về Hà Nội, trong đó DN đóng vai trò quan trọng. Đồng quan điểm này, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết thêm, Hà Nội luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN các tỉnh, thành phố đưa nông sản an toàn về Thủ đô tiêu thụ thông qua các kỳ hội chợ do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức bằng cách hỗ trợ tiền thuê gian hàng, đăng thông tin quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các tỉnh, thành phố cần hỗ trợ cho các vùng sản xuất về tem nhãn, nhận diện sản phẩm, cung cấp đầy đủ thông tin cho các DN Hà Nội để kết nối với các cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí đầu vào tăng giá bán, hai bên cùng có lợi.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết: Hà Nội có nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn lớn, đặc biệt là các loại đặc sản đặc trưng vùng miền giá trị cao như lợn rừng, dê núi, cá tầm, cá hồi, rau, củ, quả... Khi có nông sản đưa về Hà Nội tiêu thụ, các địa phương cần tập trung hướng dẫn nông hộ, HTX, DN tổ chức sản xuất tốt, bảo đảm nông sản an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGap, Golbal Gap. Phía TP Hà Nội sẽ hỗ trợ các địa phương quy trình sản xuất tốt gắn với công nghiệp chế biến nông sản, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm... Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi giữa Hà Nội và các địa phương khác vừa là nhu cầu dân sinh vừa là hướng phát triển bền vững.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/851695/lien-ket-tieu-thu-nong-san-dac-san-con-khiem-ton-thieu-ben-vung