Liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững

Xây dựng cánh đồng lớn (CÐL) trong sản xuất lúa gạo là một chủ trương phù hợp xu thế phát triển của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Thời gian qua, tại ÐBSCL, mô hình CÐL đã phát huy hiệu quả, tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng, mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình liên kết sản xuất, thực hiện CÐL vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sự tháo gỡ của ngành chức năng và các địa phương trong vùng…

Mô hình cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch ở TP Cần Thơ.

Liên kết sản xuất

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: hằng năm, trong các vụ sản xuất lúa, việc thực hiện CÐL đã hình thành nên chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua chế biến và xuất khẩu theo hình thức khép kín, tạo ra sản phẩm lúa gạo đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường xuất khẩu, giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật. Nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng tạo điều kiện để đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất tạo đà phát triển theo hướng bền vững. Vụ lúa hè thu năm nay, Cục Trồng trọt tiếp tục khuyến cáo các địa phương vùng ÐBSCL phát huy và thực hiện sản xuất theo mô hình CÐL, nhằm nâng cao hiệu quả, tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa…

TP Cần Thơ, vụ lúa hè thu 2021, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện nền nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị trên cùng một diện tích sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân. Trong đó, ngành Nông nghiệp thành phố đã tập trung nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất để phát triển nông nghiệp chất lượng cao, sản xuất sạch và tăng trưởng xanh, bền vững bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Ðặc biệt, chuyển đổi các mô hình làm ăn cá thể kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế tập thể, có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra, sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ðó là mô hình CÐL trong sản xuất lúa gạo.

Ðiển hình tại huyện Cờ Ðỏ xác định thế mạnh là sản xuất lúa chất lượng cao, huyện đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển cánh CÐL và các mô hình liên kết để sản xuất theo quy mô lớn, chất lượng cao gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ kỹ thuật tiên tiến và có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Mô hình CÐL trong sản xuất lúa được huyện Cờ Ðỏ triển khai thực hiện từ vụ đông xuân 2011-2012 với diện tích ban đầu chỉ 428ha thì đến các vụ lúa đông xuân và hè thu 2021, CÐL được nhân rộng đạt diện tích hơn 11.000 ha/vụ và có 11 đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân.

Ông Lưu Văn Ðình ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Tham gia CÐL nông dân có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, thực hiện gieo cấy tập trung, đồng loạt cùng một giống lúa trên cánh đồng… đã giúp giảm chi phí, tạo ra lượng lúa gạo hàng hóa lớn với chất lượng đồng đều, có giá bán cao. Từ đó có thể giúp tăng cao lợi nhuận so với ngoài mô hình, thu hút nông dân tham gia”.

Gỡ khó

Vụ đông xuân 2020-2021, tại khu vực ÐBSCL diện tích thực hiện CÐL trên 160.000ha, nhưng diện tích bao tiêu sản phẩm đạt 190.000ha (bao gồm cả diện tích sản xuất ngoài CÐL). Ông Lê Thanh Tùng nhận định: “Thực hiện CÐL trong sản xuất lúa gạo ở ÐBSCL vẫn được duy trì và phát triển, diện tích từng vụ ổn định theo sự hợp tác với các doanh nghiệp, nhưng còn chiếm tỉ lệ thấp trong toàn diện tích sản xuất. Mô hình CÐL, những vùng sản xuất lúa có sự liên kết với doanh nghiệp thu mua thì hiệu quả gia tăng so với các vùng không ký kết. Bởi, CÐL có những tiện lợi từ việc liên kết, giảm giá thành sản xuất, ứng dụng đồng bộ kỹ thuật tiến bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm…”.

Theo tính toán, mỗi héc-ta lúa tham gia cánh đồng lớn ở ÐBSCL có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% và giá trị sản lượng có thể tăng từ 20-25%, thu lãi thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, quá trình liên kết sản xuất lúa theo mô hình CÐL vẫn còn một số khó khăn, tồn tại mà các địa phương trong vùng cần tập trung tháo gỡ. Ðó là sản lượng lúa thu hoạch tập trung, nông dân bán lúa tươi nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị phương tiện vận chuyển, không đủ các thiết bị phơi sấy và kho tàng chứa đựng nên lúa thu hoạch thường phải tập kết đầu bờ khoảng 4-5 ngày công ty mới thu gom hết. Mặc dù giữa nông dân và doanh nghiệp có hợp đồng thu mua, nhưng vẫn xảy ra trường hợp công ty thu mua không kịp thì nông dân bán ra thương lái bên ngoài và sự biến động giá cả ảnh hưởng đến việc thu mua. Bên cạnh đó, việc ký kết bao tiêu sản phẩm vẫn còn thiếu một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông. Một bộ phận nông dân còn canh tác theo tập quán cũ, không tuân thủ theo quy trình sản xuất do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chưa tham gia sinh hoạt, hội họp đầy đủ dẫn đến việc khó khăn trong triển khai chính sách…

Theo Cục Trồng trọt, thời gian tới, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL cần vận dung linh hoạt các cơ chế chính sách, đầu tư nguồn lực, tăng cường đẩy mạnh liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua hình thức liên kết như tổ hợp tác, hợp tác xã, CÐL... Ðặc biệt liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng đầu vào cho sản xuất cần được tăng cường; phát huy vai trò quản lý của ban quản lý các mô hình liên kết nêu trên, nhằm đôn đốc, yêu cầu các thành viên của mô hình sản xuất thực hiện nghiêm túc hợp đồng bao tiêu sản phẩm khi đã ký kết...

Vụ hè thu 2021, toàn vùng Nam Bộ có kế hoạch gieo sạ trên 1,606 triệu héc-ta lúa, năng suất ước đạt 56,12 tạ/ha, tổng sản lượng trên 9,106 triệu tấn. Trong đó, ĐBSCL gieo sạ 1,52 triệu héc-ta, năng suất ước đạt 56,28 tạ/ha, tổng sản lượng 8,554 triệu tấn. Đến thời điểm này, tại các khu vực sản xuất thuộc vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu (phía Bắc quốc lộ 1A là: TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang) và vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp, An Giang), một phần Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang và An Giang), TP Cần Thơ, Hậu Giang… có diện tích xuống giống trên 700.000ha, lúa phát triển tốt và đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng... Ở các vùng sản xuất lúa phía Nam quốc lộ 1A, cách biển 70km thuộc các tỉnh Vĩnh Long (Măng Thít, Vũng Liêm, Long Hồ, Trà Ôn), Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh (Cầu Kè, Càng Long), diện tích lúa hè thu vừa được xuống giống (đạt diện tích khoảng 600.000ha trong tháng 5-2021). Khoảng nửa đầu tháng 6-2021, khi có mưa nhiều, tại các vùng chịu ảnh hưởng nước mưa ở khu vực ven biển đến 50km, thuộc các tỉnh Long An (phía Nam), Tiền Giang (phía Đông), Bến Tre (các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú), Trà Vinh (các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú), Sóc Trăng (Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm), Bạc Liêu (Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai), Kiên Giang (Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên và U Minh Thượng) và Cà Mau... bắt đầu xuống giống vụ lúa hè thu với diện tích khoảng 220.000ha. Đây là diện tích xuống giống cuối cùng của vụ mùa hè thu và không chịu tác động xấu nếu lũ thượng nguồn đổ về.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/lien-ket-san-xuat-nong-nghiep-ben-vung-a133601.html