Liên kết sản xuất hàng hóa nông sản

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, quy mô, nâng cao chuỗi giá trị và bền vững đang là mục tiêu hướng đến của nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại tỉnh Trà Vinh, trong những năm gần đây, tỉnh đã thực thi nhiều chính sách để phát triển kinh tế tập thể, chủ yếu là hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, liên hiệp HTX. Điều này nhằm tạo nguồn lực, kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân liên kết sản xuất tạo ra hàng hóa tập trung, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, quy mô, nâng cao chuỗi giá trị và bền vững đang là mục tiêu hướng đến của nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại tỉnh Trà Vinh, trong những năm gần đây, tỉnh đã thực thi nhiều chính sách để phát triển kinh tế tập thể, chủ yếu là hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, liên hiệp HTX. Điều này nhằm tạo nguồn lực, kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân liên kết sản xuất tạo ra hàng hóa tập trung, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Điển hình như HTX Nông nghiệp Rạch Lọp, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, kinh doanh các ngành nghề: liên kết cung cấp vật tư nông nghiệp, bao tiêu đầu ra, dịch vụ thủy lợi nội đồng, khai thác quản lý chợ… Thời gian qua, Hội đồng quản trị HTX luôn tích cực tìm kiếm doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Nhờ vậy, bình quân hằng năm, lợi nhuận tăng thêm cho thành viên HTX đạt hơn 750 triệu đồng. Có được hiệu quả đó là do nông dân được mua giống, vật tư đầu vào chất lượng với giá ưu đãi và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường, giảm hẳn tình trạng trúng mùa mất giá hoặc bị thương lái ép giá vào những đợt thu hoạch rộ các mặt hàng nông sản. Cụ thể như giá lúa, nhờ bán trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nên giá luôn cao hơn thị trường từ 50 đến 250 đồng/kg lúa thương phẩm.

Từ những kết quả như vậy, nông dân Trà Vinh rất hào hứng tham gia HTX, thực hiện liên kết sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Đây là một hướng phát triển nông nghiệp nên được nhân rộng ở các địa phương khác, nhất là trong điều kiện thị trường nông sản ngày càng có nhiều biến động khó lường về nhu cầu cũng như giá cả. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, Nhà nước cần có những chính sách giúp HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, hệ thống thủy lợi nội đồng ở những vùng sản xuất tập trung để hạ thấp chi phí sản xuất từ khâu vận chuyển, bơm tát.., góp phần quan trọng trong việc tăng thêm lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, hỗ trợ HTX cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, chứng nhận an toàn, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu…, giúp hàng hóa nông sản của người dân có giá trị ngày càng cao.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/lien-ket-san-xuat-hang-hoa-nong-san-631217/