Liên kết sản xuất giúp doanh nghiệp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm

Để giải được bài toán được mùa mất giá hoặc điều tiết giá trên thị trường, bản thân doanh nghiệp cũng phải đầu tư rất sâu cho công nghệ, qua đó mới có thể cạnh tranh được.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như tăng cạnh tranh trên thị trường là lợi thế của các chuỗi sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, để làm được như vậy, bản thân doanh nghiệp phải đầu tư nhiều công sức nhất là trình độ quản trị mới có thể đạt được điều này.

Đây cũng là nội dung chính của chức Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm - Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu bền vững,” do Báo Công Thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 8/8, tại Hà Nội.

Xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khối FDI

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc, chạm ngưỡng 215 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Trong 7 tháng đầu năm 2018, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm ở mức trên 10%.

Tuy nhiên, phân tích rõ hơn, dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng cao nhưng đóng góp chủ yếu vẫn từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong khi sự tham gia của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước còn mờ nhạt và hạn chế.

Nguyên nhân ở đây theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, hầu hết công đoạn giá trị gia tăng cao như đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi… đều nằm ngoài Việt Nam và những dịch vụ quan trọng thường do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp.

Bên cạnh đó, sản phẩm nông sản chủ yếu xuất khẩu thô, chưa có thương hiệu nên dễ rơi vào tình trạng được mùa, rớt giá.

"Vấn đề chính của doanh nghiệp là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công
nghệ, khó tiếp cận tài chính. Thiếu tính lan tỏa từ đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước," bà Phạm Chi Lan nói.

Đơn cử, đối với ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 15,8 tỷ USD năm 2011 lên 31 tỷ USD năm 2017, song nhiều khâu và công đoạn vẫn theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói nên giá trị gia tăng còn thấp. Đặc biệt, ngành dệt may đang phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Dẫn số liệu từ thực tế, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty Sợi Thế Kỷ cho biết, giá trị nhập khẩu khẩu vải năm 2017 là 11,4 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2016.

Trong khi đó, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với gần như hầu hết các đối tác thương mại lớn. Trong các hiệp định thương mại này, thuế suất nhập khẩu sợi, vải và hàng may mặc đều rất ưu đãi so với đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc.

Hầu hết các hiệp định đều có qui tắc xuất xứ hàng hóa là để hưởng ưu đãi thuế suất thì hàng may mặc phải làm từ vải hoặc từ sợi trở đi. Do vậy, khi Việt Nam có một chuỗi cung ứng hoàn thiện hơn thì cơ hội bùng nổ về kim ngạch xuất khẩu dệt may rất lớn

"Nếu Việt Nam cứ tiếp tục lệ thuộc vào nguồn cung sợi và vải của nước ngoài thì Việt Nam sẽ rất khó hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan của Nhật Bản, EU, Canada...," đại diện Công ty Sợi Thế Kỷ bày tỏ.

Ông Nguyễn Hữu Quý, Tổng Biên tập Báo Công Thương đang phát biểu ý kiến tại Hội thảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cần xây dựng các chuỗi sản phẩm

Nhìn vào bức tranh chung, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang có nhiều cơ hội để tăng trưởng và khẳng định vị thế cao hơn trên thị trường, nhất là những mặt hàng nông, lâm sản.

Nói rõ hơn, theo ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Công ty Chè Thế Hệ Mới, từ trước đến nay chúng ta rất kém trong khâu chế biến sau thu hoạch, nên xuất khẩu nông sản chủ yếu dưới dạng thô.

Do vậy, để giải được bài toán được mùa mất giá hoặc điều tiết giá trên thị trường, bản thân doanh nghiệp cũng phải đầu tư rất sâu cho công nghệ, liên kết sản xuất, qua đó mới có thể nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu của sản phẩm

"Điều này nói thì dễ nhưng làm không đơn giản vì thực ra để chế biến sâu, phải có công nghệ rất tốt để chế biến các sản phẩm vẫn giữ được sự tươi mới, cũng như đóng gói để tỷ lệ thất thoát nhỏ nhất...," ông Tuân khuyến nghị.

Cũng nhấn mạnh đến công nghệ nhưng ông Đỗ Văn Long, Giám đốc Chiến lược Công ty Infiniti Blockchain Labs cho rằng, việc xây dựng thương hiệu gắn liền với niềm tin người tiêu dùng là điều cần chú trọng.

Đặc biệt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yếu tố cần thiết, giúp người tiêu dùng kiểm chứng được đâu là sản phẩm tốt, sản xuất theo đúng quy trình, từ đó giúp bảo đảm nguồn cung minh bạch, là bước tiến quan trọng để nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để hướng tới xuất khẩu bền vững, trong thời gian tới cần xây dựng các chuỗi sản phẩm nhằm góp phần gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu. Để làm được điều này, mấu chốt quan trọng là phải nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu.

Cụ thể, với nhóm công nghiệp chế biến, không thể xuất khẩu bền vững nếu công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Vì vậy, cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, dệt may, da giày… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. Bên cạnh khung khổ pháp lý do nhà nước ban hành, các giải pháp này chỉ có hiệu quả nếu doanh nghiệp vào cuộc.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu; giá trị gia tăng của các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay.

Giải pháp chủ yếu, xuyên suốt đề án là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu. Đơn cử, đối với nông sản, chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; đối với sản phẩm công nghiệp, chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa./.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lien-ket-san-xuat-giup-doanh-nghiep-nang-cao-chuoi-gia-tri-san-pham/517703.vnp