Liên kết phát triển rừng trồng

Trong mấy năm qua, Cty Scansia Pacific (TP.HCM) đã liên kết với nông dân ở Thừa Thiên – Huế để phát triển rừng trồng hợp pháp.

Đây là một trong những mô hình liên kết trong ngành lâm nghiệp được Bộ NN-PTNT đánh giá cao vì mang lại lợi ích cho cả DN và nông dân.

Tham quan rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Cty Scansia Pacific, Scansia Pacific là một trong các DN cung cấp sản phẩm gỗ cho IKEA (Thụy Điển), là nhà phân phối nội thất hàng đầu thế giới. Từ năm 2016, IKEA yêu cầu toàn bộ các sản phẩm gỗ phải được làm từ nguồn gỗ có chứng chỉ quản trị bền vững và bảo vệ sinh thái FSC. Vào thời điểm đó, Việt Nam có rất ít rừng có chứng chỉ FSC. Do đó, Scansia Pacific đã chọn Thừa Thiên - Huế để xây dựng mô hình liên kết giữa các hộ dân có rừng trồng nhỏ lẻ thành diện tích đủ lớn nhằm lấy chứng nhận FSC.

Đến tháng 6/2016, Scansia Pacific chính thức triển khai xây dựng vùng nguyên liệu tại Thừa Thiên - Huế. Thông qua các cuộc tiếp xúc với các hộ dân có rừng trồng, công ty đã đưa ra được các chính sách như sau: Công ty hỗ trợ chi phí để đánh giá và duy trì chứng chỉ FSC trên diện tích 5.000 ha ở Thừa Thiên - Huế; cam kết thu mua gỗ keo có chứng chỉ FSC (đường kính trên 13cm) cao hơn gỗ không có chứng chỉ tại cùng thời điểm từ 15 - 20% tùy theo chất lượng gỗ, và không ép giá khi có thiên tai, rủi ro ảnh hưởng đến rừng keo FSC.

Đối với các hộ dân có rừng keo FSC khi gặp khó khăn về tài chính ở độ tuổi rừng từ 4 - 5 tuổi, quyết định tỉa thưa kéo dài tuổi thọ thêm 2 - 3 năm để nuôi cây lớn hơn, công ty sẽ hỗ trợ cho vay 4.000.000 đ/ha/năm với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng thương mại tại thời điểm vay là 2%/năm. Vốn vay và lãi suất sẽ được trả lại cho công ty khi hộ dân đến kỳ khai thác bán gỗ. Công ty cũng thành lập ngay nhóm cán bộ hiện trường để trực tiếp hỗ trợ các hộ dân trong quá trình xây dựng và quản lý rừng trồng keo chứng chỉ FSC.

Trên tinh thần đó, nhóm cán bộ kỹ thuật của Scansia Pacific đã chủ động tư vấn, hướng dẫn các hộ dân xây dựng các mô hình tỉa thưa, kéo dài tuổi thọ rừng, tăng tỷ lệ gỗ xẻ, đồng thời gia tăng giá trị kinh tế sau khai thác.

Nhờ đó, thu nhập của các hộ dân cao hơn nhiều so với việc trồng keo ngắn ngày, bán dăm cho thương lái. Chẳng hạn: thu nhập ròng từ rừng keo trồng 5 tuổi bán gỗ dăm giấy (không FSC) là 14 triệu đ/ha/năm. Với rừng keo trồng 8 năm khai thác bán gỗ xẻ FSC và dăm giấy, lợi nhuận lên đến 25 triệu đ/ha/năm.

Hiện tại có trên 150 ha rừng keo FSC đã tỉa thưa để đạt rừng gỗ lớn. Diện tích này sẽ còn tăng thêm nhiều hơn nữa trong thời gian tới sau khi chứng minh cho các hộ dân về hiệu quả kinh tế rừng gỗ lớn, tỉa thưa ở thời điểm từ 4 - 5 năm tuổi và kéo dài thêm 2 - 3 năm.

Liên kết với lâm dân đã tạo vị thế mới cho Scansia Pacific, tạo điều kiện cho DN chủ động hơn trong kinh doanh và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Để thắt chặt mối liên kết với các hộ trồng rừng, Scansia Pacific đã chủ động phối hợp, hỗ trợ với Hội Chủ rừng phát triển bền vững (FOSDA), Dự án Mây - Tre - Keo bền vững (SBARP) thúc đẩy tiến trình xây dựng mô hình HTX bền vững Hòa Lộc. Ngày 27/4/2018 tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã hình thành HTX lâm nghiệp đầu tiên có chứng chỉ FSC. Dự kiến đến năm 2020 địa phương sẽ có trên 30 HTX được thành lập từ nền tảng các chi hội của FOSDA hiện nay.

Nhờ đẩy mạnh liên kết với các hộ trồng rừng, Scansia Pacific đã chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp với vùng nguyên liệu khoảng 3.000 ha rừng keo được cấp chứng chỉ FSC. Đây là lợi thế lớn cho DN, vì khi sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững, đầu ra XK trở nên dễ dàng hơn.

Khi có nguồn nguyên liệu ổn định, DN có thể tính đến chuyện cải tiến sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu. Nhờ đó, dù giá gỗ nguyên liệu mua cao hơn thị trường nhưng hao hụt lại giảm thiểu đáng kể và giảm bớt công đoạn sản xuất.

SƠN TRANG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lien-ket-phat-trien-rung-trong-post228327.html