Liên kết phát triển du lịch bền vững vùng Nam Trung Bộ

Với những lợi thế đặc trưng của từng địa phương, Khánh Hòa được coi là 'thiên đường của du lịch biển, đảo'; Ninh Thuận là xứ sở của nắng gió, văn hóa Chăm huyền bí; Phú Yên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví 'như một nàng công chúa đang ngủ say, chờ hoàng tử đến đánh thức'.

 Khu du lịch Vinpearl thu hút du khách trong nước và quốc tế cho Nha Trang, Khánh Hòa.

Khu du lịch Vinpearl thu hút du khách trong nước và quốc tế cho Nha Trang, Khánh Hòa.

Được xác định là một trong những vùng trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước, những năm qua, các tỉnh này đã liên kết với nhau nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách...

Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa), từ đầu năm đến nay, khách quốc tế đến Nha Trang tiếp tục tăng mạnh. Đặc biệt, ngày khách quốc tế lưu trú trung bình đạt 4 ngày/khách, tăng 22% so với cùng kỳ. Hiện nay có tới 6 hãng hàng không khai thác đường bay Incheon (Hàn Quốc)-Cam Ranh với tần suất 42 chuyến/tuần, trong đó có 4 hãng hàng không đến từ Hàn Quốc và hai hãng của Việt Nam. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, khách Hàn Quốc đến Khánh Hòa gần 75.000 lượt, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Với chiều dài 105km bờ biển, tỉnh Ninh Thuận có nhiều vịnh biển và bãi tắm đẹp thu hút khách du lịch, như: Bãi biển Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy và Bình Tiên. Có 5 khu du lịch biển là Bình Sơn-Ninh Chữ, Vĩnh Hy-Thái An, Bình Tiên, Cà Ná và Mũi Dinh. Mỗi khu du lịch có hàng trăm héc-ta đất với bờ biển dài hàng chục ki-lô-mét mở ra tiềm năng phát triển du lịch lớn ở khu vực này. Một trong những ''mỏ vàng'' của du lịch Ninh Thuận là bãi biển Ninh Chữ (nằm trong 9 bãi biển đẹp nhất Việt Nam) với bờ biển cát trắng, mịn, hình vòng cung dài 10km, rất thuận lợi cho việc xây dựng các khu resort nghỉ dưỡng riêng biệt, có thể khai thác các hoạt động thể thao dưới nước: Lướt ván, du thuyền, mô tô nước... Ngoài ra, Ninh Thuận còn có thế mạnh với sản phẩm du lịch nông nghiệp, như: Nho, táo, măng tây. Đặc biệt, tỉnh này có sản phẩm văn hóa Chăm độc đáo, như: Gốm Bầu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp và một số sản phẩm ẩm thực tiêu biểu...

Tỉnh Phú Yên cũng được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Giao thông thuận lợi: Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc-Nam đi qua, Quốc lộ 25 nối với Tây Nguyên, Quốc lộ 29 nối cảng biển Vũng Rô với Cửa khẩu Đăk Ruê (Đắc Lắc), sân bay Tuy Hòa; cảng biển Vũng Rô có thể tiếp nhận tàu có trọng tải hơn 5.000 tấn... Phú Yên còn có bờ biển dài 189km, nhiều nơi quanh co, núi biển liền kề tạo nên không ít đầm, vịnh, gành mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ rất kỳ thú; có các nguồn nước khoáng nóng. Tỉnh hiện có 22 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, danh thắng cấp quốc gia và 52 di tích được xếp hạng cấp tỉnh...

Thấy rõ được tiềm năng, lợi thể về du lịch, nên nhưng năm gần đây các tỉnh trong vùng Nam Trung Bộ đã chủ động trao đổi, thống nhất nhiều giải pháp tạo ra sự liên kết trong phát triển du lịch. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa: Liên kết không những phát huy hết tiềm năng của từng địa phương, mà còn tránh được sự chồng chéo trong đầu tư phát triển du lịch. Theo tinh thần ấy, những năm gần đây, Ninh Thuận từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn, được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao. Lượng khách du lịch đến Ninh Thuận tăng bình quân hằng năm hơn 15% năm. Số lượt khách du lịch đến Phú Yên từ năm 2016-2018 tăng trưởng đều từ 15% đến 30%/năm.

Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, nhưng các chuyên gia về kinh tế, du lịch cho rằng: Khánh Hòa cần làm tốt vai trò đầu tàu trong phát triển du lịch các tỉnh Nam Trung Bộ. Cần phải gắn kết các sản phẩm du lịch của 3 địa phương, bởi sự khác biệt của mỗi sản phẩm sẽ bổ trợ cho nhau. Đồng thời cần đổi mới chiến lược quảng bá du lịch, xây dựng tour tuyến du lịch đặc trưng nhất để giới thiệu với du khách, nhất là khách quốc tế...

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang: Muốn du lịch Nam Trung Bộ phát triển cần mở rộng không gian phát triển du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Không chỉ “an phận” với thị trường truyền thống mà phải luôn tìm tòi, có chiến lược mở rộng thị trường trên toàn thế giới. Du lịch là không ranh giới địa lý hành chính, mà theo tour, tìm cái độc đáo trong tài nguyên của thiên nhiên, trong văn hóa, lịch sử của mỗi địa phương, để kết nối xúc tiến, quảng bá cùng làm du lịch. Có như vậy du lịch Nam Trung Bộ mới phát triển xứng tầm với tiềm năng...

Các chuyên gia du lịch đều cho rằng, ngành du lịch các tỉnh Nam Trung Bộ cần phải có giải pháp căn cơ, cách làm chuyên nghiệp để phát triển bền vững; chung tay liên kết, hợp tác, tránh kiểu "mạnh ai nấy làm", bởi du khách ngày càng khó tính, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, dịch vụ...

NGUYỄN VĂN HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/lien-ket-phat-trien-du-lich-ben-vung-vung-nam-trung-bo-576106