Liên kết hỗ trợ, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm xuất khẩu

Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm xuất khẩu, liên kết hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu… là những vấn đề được quan tâm nhất tại Hội thảo 'Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm - Giải pháp phát triển bền vững', do Bộ Công Thương và báo Công Thương phối hợp tổ chức sáng 8/8, tại Hà Nội.

Ngoài đại diện các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề liên quan đến xuất khẩu… hội thảo có sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp (DN) trực tiếp xuất khẩu trong nước.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.

Theo một chuyên gia kinh tế, hiện Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), tuy nhiên mới chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất công nghiệp ở công đoạn cuối cùng, giá trị gia tăng (GTGT) thấp và kết nối trong nước yếu.

Cùng với đó, hiện nay xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào FDI. Tuy nhiên lại thiếu vắng các DN có tính hiệu quả theo quy mô để tham gia vào các chuỗi. Hiện mới chỉ có 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng, nhưng là cung ứng thay thế, không phải là sản xuất. Trong đó, chỉ có 2% là DN lớn, 2 - 5% là DN vừa, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính của DN là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính. Bên cạnh đó, cũng thiếu tính lan tỏa từ đối tác nước ngoài đến các DN trong nước, rất ít DN kết nối được vào GVC.

Vai trò của các khu/cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh hiện cũng rất hạn chế. Quá trình sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam ít gắn kết vào chuỗi giá trị. Hợp tác kinh doanh chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng chiếm 29,5% và sản xuất hàng hóa và dịch vụ chiếm 24,8%. Khâu phát triển sản phẩm mới ít có sự hợp tác. Mối liên kết ngược và liên kết xuôi còn hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan tỏa của các DN FDI với DN Việt Nam.

“Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ, hoặc tiếp tục xuất khẩu tập trung và gia công, lắp ráp GTGT thấp; hoặc đa dạng hóa và vươn lên trong GVC để tham gia vào công đoạn đem lại GTGT cao hơn”, chuyên gia này chia sẻ.

Với mục tiêu tìm giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển thị trường xuất khẩu, nhằm củng cố và mở rộng thị phần hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tại các thị trường truyền thống, đồng thời tạo bước đột phá ở các thị trường mới có tiềm năng và tận dụng các cơ hội xuất khẩu thông qua các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới; từng bước giúp doanh nghiệp phát huy năng lực sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm xuất khẩu, liên kết hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu… các tham luận tại Hội thảo đã tập trung bàn về việc “Truy xuất nguồn gốc như một công cụ nâng cao giá trị xuất khẩu hàng nông sản”, “Nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị ngành dệt may”, “Xây dựng thương hiệu như một công cụ gia tăng bền vững giá trị xuất khẩu”, “Liên kết hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu”…

Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu đã tăng mạnh về quy mô. Năng lực sản xuất hàng xuất khẩu cũng không ngừng được mở rộng, tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu. Năm 2017 cũng được đánh giá là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu, khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Việt Nam cũng đã thực hiện đúng lộ trình của chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2020, định hướng 2030.

Năm 2018, tình hình xuất khẩu được nhận định là sẽ tiếp tục có những cơ hội nhờ thuế nhập khẩu tiếp tục giảm sâu khi các cam kết hội nhập được triển khai sâu rộng. Những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch; đã góp phần khơi thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh trong nước, nhờ đó tạo động lực cho xuất khẩu.

Tính đến hết tháng 7/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã tăng 12,7% so với cùng kỳ, ước đạt 264,32 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 133,69 tỷ USD. Xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 15,3% so với cùng kỳ, cao hơn cả mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cả năm 2018, bằng 56,5% kế hoạch năm.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để hướng tới xuất khẩu bền vững, trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp trọng tâm như: Thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng; Xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm xuất khẩu; Đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, tăng các biện pháp duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; Tăng cường đổi mới thông tin thị trường; Cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu.

PV/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/lien-ket-ho-tro-xay-dung-chuoi-gia-tri-san-pham-xuat-khau-20180808171627851.htm