Liên kết đưa trái cây vào thị trường khó tính

Trước cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây, một cuộc họp giữa UBND thành phố Cần Thơ, Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các doanh nghiệp trong ngành đã diễn ra nhằm tìm cách đưa trái cây vào những thị trường “khó tính”.

Tìm tiếng nói chung

Mở đầu cuộc họp diễn ra tại thành phố Cần Thơ mới đây, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND địa phương này nói rằng, mong muốn của Cần Thơ là tổ chức lại sản xuất, hướng dẫn cho nông dân quy trình sản xuất mới để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là bán vào những thị trường khó tính như Mỹ. “Trong năm 2018, thành phố Cần Thơ xác định ba sản phẩm chủ lực cần tập trung đó là vú sữa, xoài và nhãn”, ông Dũng phát biểu.

Ông Dũng cho biết, địa phương sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp và hợp tác xã gắn kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. “Sau khi xác định vùng trồng trọng điểm, chúng tôi sẽ thành lập hợp tác xã đủ năng lực. Đối với những nơi đã có hợp tác xã rồi, chúng tôi sẽ tập trung nâng chất để đủ sức ký kết hợp đồng với doanh nghiệp nhằm hiện thực hóa mục tiêu”, ông Dũng cho biết.

Trao đổi tại cuộc họp này, phía doanh nghiệp cũng nêu ra những khó khăn cần phải khắc phục, nếu muốn chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây đạt hiểu quả.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho rằng muốn liên kết thành công, vấn đề cơ bản nhất là vùng sản xuất tập trung phải có hợp tác xã đủ năng lực đứng ra làm đại diện ký kết, chứ doanh nghiệp không thể ký kết với từng hộ nông dân riêng lẻ.

Theo ông Tùng, vùng sản xuất phải đầu tư nhà xưởng để thực hiện công tác phân loại, sơ chế khi sản phẩm được thu hoạch, “tức trái cây thu hoạch phải được sơ chế ngay tại chỗ và giao lên nhà máy của doanh nghiệp xử lý công đoạn tiếp theo nhằm hạn chế hư hỏng, đảm bảo chất lượng sản phẩm”, ông giải thích.

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu, cho biết đơn vị này đã từng thực hiện liên kết với nhiều hợp tác xã và gặp khó khăn lớn nhất trong vấn đề chia sẻ quyền lợi giữa doanh nghiệp với nông dân. “Không hiểu lẫn nhau và ai cũng vì quyền lợi riêng của mình thì liên kết sẽ gãy ngay”, bà Vy phát biểu. Theo bà, chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân phải cùng ngồi lại để tìm tiếng nói chung.

Vú sữa là một trong những loại trái cây đã được cấp phép xuất khẩu vào Mỹ. Ảnh: Trung Chánh

Gõ cửa thị trường

Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, cho biết sau nhiều năm đàm phán, trái cây Việt Nam đã mở cửa được nhiều thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn sản phẩm như Mỹ, Chi Lê, Nhật Bản, New Zealand… cho năm loại trái cây chính, gồm thanh long, nhãn, xoài, vải và vú sữa.

Riêng đối với thị trường Mỹ, sau 10 năm đàm phán, quốc gia này cũng đã chấp nhận mở cửa cho Việt Nam xuất khẩu trái vú sữa. Ngày 26-12-2017, Việt Nam đã làm lễ xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên vào Mỹ, và đến nay đã có tổng cộng 134 lô vú sữa được xuất khẩu vào thị trường này với tổng khối lượng khoảng 230 tấn. “Đây là điều vượt ra ngoài sự kỳ vọng của chúng tôi”, ông Thiệt phát biểu.

Bà Vy của Chánh Thu cho biết, trong tháng 4-2018, công ty của bà sẽ làm lễ xuất khẩu lô xoài đầu tiền vào Mỹ. Ông Tùng của Vina T&T Group cho biết, tại thị trường Mỹ, người tiêu dùng sẵn sàng trả 100 đô la Mỹ cho nửa ký vú sữa, thậm chí các siêu thị phải treo bảng bán theo giờ, 9 giờ mở bán và đến 10 giờ ngưng bán.

Ông Thiệt của Cục bảo vệ thực vật cho biết, muốn xuất khẩu trái cây sang những thị trường khó tính như Mỹ, doanh nghiệp phải đáp ứng được ba tiêu chuẩn chính. Thứ nhất là vùng trồng đạt tiêu chuẩn, được cấp mã số vùng trồng. Điều này phía Mỹ đã ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Việt Nam thực hiện. Thứ hai là nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số, và thức ba là sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy chiếu xạ được cấp mã số đạt chuẩn.

Để được cấp mã số, vùng trồng phải có diện tích tối thiểu 10 ha, phải định vị vùng trồng trên Google Maps, phải có danh sách hộ nông dân tham gia, diện tích, giống và phải có xác nhận chính quyền địa phương.

Các hộ dân phải ghi chép nhật ký để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhưng không bắt buộc sản phẩm phải sản xuất theo tiêu chuẩn như VietGap, GlobalGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc toàn cầu).

Đối với trái nhãn, phải bao trái trước thu hoạch ba tuần và vú sữa phải bao trái sớm hơn để tránh sản phẩm gặp sự cố, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, doanh nghiệp. Cuối cùng, không được sử dụng một số hoạt chất hóa chất phía Mỹ cấm trong quá trình sản xuất.

“Đó là những tiêu chuẩn cần có để Cục bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ”, ông Thiệt cho biết. Đối với trái vú sữa, hiện nay Cục bảo vệ thực vật đã cấp 18 mã số chứng nhận vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ. Trong đó, tỉnh Tiền Giang được cấp 16 mã số vùng trồng và thành phố Cần Thơ là 2.

Trung Chánh

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: http://www.sgtiepthi.vn/lien-ket-dua-trai-cay-vao-thi-truong-kho-tinh/