Liên kết để sản xuất hiệu quả

Trong 2.800ha trồng xoài ở các huyện ngoại thành của TP Cần Thơ, có 1.800ha chuyên canh xoài Hòa Lộc tập trung ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ. Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lộc Hưng, ở xã Thới Hưng, đi đầu trong áp dụng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP... Ông Phan Văn Tây (tự Mười Tây) là Giám đốc của HTX này.

Ông Mười Tây, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lộc Hưng.

Ông Mười Tây, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lộc Hưng.

Ghé thăm ông Mười Tây, chúng tôi có dịp được ông kể cho nghe về những khó khăn, vất vả khi ông quyết định chọn cây xoài để khởi nghiệp. “Hồi đó, tôi cũng như những nhà nông khác, chưa biết nhiều đến khoa học kỹ thuật, nên trồng xoài đạt năng suất không cao. Mười mấy năm trước, nhiều nhà vườn đâu có nghĩ đến chuyện sản xuất sạch, trái xoài chỉ bán trong nước, giá cả cũng bấp bênh, thu nhập không ổn định” - ông Mười Tây nhớ lại.

Nói xong, ông Mười Tây hướng dẫn chúng tôi ra sau vườn như để minh chứng về sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân, trong đó, có gia đình ông. Trước mắt chúng tôi là những cây xoài cát Hòa Lộc trồng trên nền đất phù sa, được ứng dụng kỹ thuật mới trong tỉa cành, tạo tán để rải vụ, cho trái quanh năm. Vì vậy mà vườn xoài nhà ông Mười Tây có cây đang ra hoa, có cây đang đậu trái non bằng đầu ngón tay cái nhưng cũng có cây trái đã căng mịn. Không một vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật bị vứt trong vườn, nhật ký lịch thời vụ được ghi chép tỉ mỉ... Ðiều đó cho thấy ông Mười Tây cũng như nhiều nông dân khác, đã đặc biệt chú trọng sản xuất sạch để trái xoài tiếp cận được với những thị trường khó tính.

Một bước tiến nữa là sự ra đời của HTX Nông nghiệp Lộc Hưng - tiền đề để nông dân xã Thới Hưng liên kết trồng xoài theo quy mô lớn, sản phẩm đồng đều về chất lượng và đảm bảo an toàn. Ông Mười Tây nói: “Bây giờ, trái cây nói riêng và nông sản nói chung cần được sản xuất theo quy mô tập trung, đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn mới bán được vào các kênh bán hàng hiện đại và đưa đi xuất khẩu, mang lại giá trị cao”. HTX Nông nghiệp Lộc Hưng có 19 thành viên, đi vào hoạt động từ năm 2018, với tổng diện tích 30ha. HTX xác định phát triển nông nghiệp sạch, đồng thời tạo ra những sản phẩm chất lượng cao nhằm nâng cao giá thành sản phẩm. Ông Mười Tây bộc bạch: “Chúng tôi đã triển khai thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, phát huy tối đa những thuận lợi sẵn có, thực hiện liên kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Theo đó, 30ha xoài của các hộ thành viên đã được chứng nhận VietGAP. Ðây chính là chìa khóa vàng để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường rộng hơn. Với sản lượng 2,6 tấn/ha, thu nhập bình quân trên 117 triệu đồng/ha. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn tất các thủ tục đăng ký chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, giúp nông dân an tâm phát triển sản xuất”.

Theo ông Mười Tây, khâu tiêu thụ hàng hóa nông sản vẫn còn nhiều khó khăn, chưa ổn định, sản phẩm làm ra có thời điểm không bán được. Hoạt động của HTX còn hạn chế, quy mô còn nhỏ lẻ do thiếu vốn, thiết bị khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, trụ sở hoạt động và cơ sở vật chất chưa đảm bảo, năng lực quản trị còn yếu, chưa liên kết được với các doanh nghiệp uy tín để tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm… Ðể khắc phục những hạn chế này, ông Mười Tây cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng tổ chức bộ máy HTX hoạt động phù hợp, hiệu quả, vận động nông dân tham gia để tăng quy mô và vốn góp, hỗ trợ phát triển chuỗi sản xuất từ khâu đầu vào đến bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Ðồng thời, tham gia các lớp tập huấn, nhằm nâng cao kiến thức quản lý HTX cũng như sản xuất cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao”…

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/lien-ket-de-san-xuat-hieu-qua-a125371.html