Liên kết để khắc phục tình trạng 'cứu' nông sản ở ĐBSCL

Liên kết phải đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên tham gia, khi đó mới khắc phục được chuyện 'giải cứu' nông sản diễn ra thời gian qua ở ĐBSCL.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới khi được thông qua như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do (AVFTA) sẽ mở ra cơ hội lớn cho ĐBSCL gia tăng giá trị xuất khẩu.

Liên kết để khắc phục tình trạng cứu nông sản ở ĐBSCL.

Liên kết để khắc phục tình trạng cứu nông sản ở ĐBSCL.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, phải tính tới chuyện mở rộng liên doanh, hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Trong đó, cần phải hướng tới Liên kết chuỗi giá trị của đồng bằng, tăng cường hội nhập thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam và thế giới. Trong đó, xuất khẩu gạo chiếm 80%, cá tra 95%, tôm 60% và trái cây khoảng 65%; đóng góp hơn 34% GDP cho nền nông nghiệp của đất nước.

Vùng đất chín rồng này đang có khoảng 1.500 hợp tác xã nông lâm thủy sản, 17.000 tổ hợp tác nông nghiệp. Tuy nhiên, về tổ chức sản xuất vẫn chủ yếu dựa vào nông hộ với quy mô nhỏ lẻ.

Toàn vùng có đến 6.000 trang trại nhưng chỉ khoảng 17% trang trại thực hiện liên kết. Số doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn ít, không tương xứng với tiềm năng và phần nào chưa thỏa mãn được một số tiêu chuẩn quốc tế. Để phát huy thế mạnh của từng ngành hàng, cần mở rộng liên kết vùng, các tỉnh, thành; liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nông hộ và giữa các nông dân với nhau.

Cần liên kết để nâng cao giá trị hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc hợp tác xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ chia sẻ: “Chúng ta phải có trách nhiệm tổ chức, liên kết với các ngành chuyên môn để tập huấn kỹ thuật làm sao giảm giá thành đầu vào cũng như sử dụng phân thuốc giảm giúp tăng lợi nhuận”.

Hiện nay, thị trường sẽ quyết định, điều chỉnh tư duy của người sản xuất và doanh nghiệp. Thị trường sẽ định hình nông sản, sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng. Tuy nhiên, khi hội nhập quốc tế, điều quan trọng nhất là phải đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.

Nếu nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa sẽ mở ra các hoạt động thúc đẩy cải tiến, ứng dụng cho công nghệ mới trong trồng trọt, chế biến, bảo quản, đóng gói. Nhiều điển hình đã chứng minh, nông dân ĐBSCL không ngại đổi mới, không ngại chia sẻ nhưng cũng cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là chuyện tìm đầu ra cho thị trường, ứng dụng công nghệ mới hay làm nông nghiệp hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Điển hình như hợp tác xã của tôi trên 1.800 hộ. Như vậy, khi muốn triển khai vô cùng khó khăn, do đó khi hợp tác xã tiếp nhận các chương trình phải làm từng bước, trình diễn để cho người dân thấy rồi mới nhân rộng ra từng bước được. Thu nhập của người dân, lợi nhuận mới là nhu cầu chính yếu của họ”.

Cá tra là những ngành hàng xuất khẩu tỷ USD cho vùng ĐBSCL.

Liên kết để cùng sản xuất, đưa sản phẩm chất lượng ra thị trường và hơn hết là nâng cao giá trị của sản phẩm làm ra là những gì mà hiện nay nhiều chủ trang trại đang áp dụng trong chiến lược kinh doanh của mình.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh Đồng Tháp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ABCD MeKong cho biết, để liên kết mang lại hiệu quả, rõ ràng doanh nghiệp phải cùng ngồi lại trong từng lĩnh vực, ngành hàng để định hình sự phát triển những ngành hàng có lợi thế của vùng, khi đó mới thực sự là liên kết để nâng cao giá trị của đồng bằng trong xu thế hội nhập.

Bí thư tỉnh Đồng Tháp cho rằng, kinh tế thị trường không bất biến, nên liên kết phải tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng, chứ không chỉ phân công nhiệm vụ cho từng đối tượng, từng ngành, từng địa phương theo kiểu hành chính.

Liên kết phải xác định rõ chủ thể, ngành hàng để tạo ra sự kết nối từ vùng nguyên liệu.

Việt Nam hội nhập quốc tế là “đã ra biển lớn”, nên không thể cứ loay hoay dừng lại liên kết về mặt lý thuyết như hiện nay. Liên kết phải xác định rõ chủ thể, ngành hàng để tạo ra sự kết nối từ vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân giống, thu hoạch, sau thu hoạch, bảo quản chế biến, marketing và cho đến chuyện xây dựng thương hiệu.

“Làm sao chúng ta dẫn dắt được câu chuyện liên kết để làm lớn lên. Cánh đồng lớn hay gọi cánh đồng mẫu lớn mới chỉ giai đoạn tập hợp ban đầu. Chúng ta chưa chứng minh được liên kết tạo ra chuỗi giá trị. Câu chuyện cánh đồng liên kết cần làm cho các doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị. Lúc đó mới gọi là kinh tế nông nghiệp, bây giờ mới dừng lại sản xuất quy mô lớn hơn thôi, nhưng vẫn là tư duy sản xuất”, ông Hoan nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, nhất là những ngành hàng đang là thế mạnh về xuất khẩu thì cần phải có chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp tập trung đầu tư. Và nhà nước cùng chính quyền địa phương cần đứng ra làm trọng tài hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp, người dân để bảo lãnh, thì khi đó mới làm ăn được thuận lợi.

Hiện nay, chúng ta đã có sẵn nền tảng sản xuất thì cần tập trung vào liên kết, công nghệ chế biến để có được những mặt hàng chất lượng đáp ứng nhu cầu của các thị trường chứ không phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường nào đó.

“Nâng cấp các sản phẩm về mặt chất lượng, tiêu chuẩn, để đáp ứng được nhu cầu phổ biến, những chuẩn mực tương đối phổ biến trên thế giới. Đó là điều quan trọng nhất. Vì khi đạt được như vậy, mình có thể bán được sang các thị trường khác nhau, sẽ có nhiều lựa chọn hơn và có sự linh hoạt hơn khi trao đổi với các thị trường, chứ không bị phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường nhất định”, bà Lan cho hay.

Liên kết không chỉ ổn định đầu ra cho sản phẩm mà đây là cơ hội để nâng cao giá trị của ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Liên kết không chỉ ổn định đầu ra cho sản phẩm mà đây là cơ hội để nâng cao giá trị của ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Rõ ràng thời gian qua sự liên kết đã từng bước nâng cao được giá trị một số ngành hàng, nhưng vẫn chỉ ở mức rất thấp và chưa đủ chiếm lĩnh vào các thị trường tiềm năng khi Việt Nam đã và đang tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Những hiệp định này, là cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ với hàng tỷ dân, kỳ vọng mang về nhiều tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm tới, với những kỳ vọng đưa nông nghiệp Việt Nam vươn xa. Và có lẽ điều quan trọng nhất, liên kết phải đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên tham gia, khi đó mới khắc phục được chuyện “giải cứu” nông sản diễn ra thời gian qua ở ĐBSCL./.

Phạm Hải/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lien-ket-de-khac-phuc-tinh-trang-cuu-nong-san-o-dbscl-995251.vov