Liên kết để cùng phát triển

Báo cáo thường niên về kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, muốn bứt phá, muốn hội nhập ĐBSCL cần nhiều sự liên kết từ khắp các tỉnh trong khu vực vì đây không phải là chuyện của riêng địa phương nào, nó quyết định tương lai của hơn 17 triệu dân vùng ĐBSCL.

Các sản phẩm kết nối ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Các sản phẩm kết nối ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo VCCI, mô hình mới cho ĐBSCL phải phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội – văn hóa – giáo dục – môi trường cho vùng đồng thời mô hình này phải bền vững. Định hướng phát triển mô hình này phù hợp với tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Tuy nhiên, để triển khai mô hình này trên thực tế các tỉnh ĐBSCL phải cùng nhau đưa ra chiến lược, chính sách và quy hoạch tổng thể vùng nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi về môi trường, kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, điều phối vùng,… để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam cho biết: Để ĐBSCL phát triển theo hướng mới và bền vững, có 3 nút thắt cần phải tháo gỡ.

Nút thắt đang cản trở sự phát triển kinh tế của ĐBSCL nằm ở kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thay vì mỗi tỉnh đơn phương vận động để xin trung ương xây sân bay hay cảng nước sâu cho riêng mình thì cả 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đồng lòng, hợp tác kiến nghị trung ương xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thông suốt, đồng bộ, chất lượng để kết nối với nhau và với vùng Đông Nam bộ. Phát triển trục đường cao tốc nối liền TP HCM đến tận Cà Mau phải là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược của toàn Vùng trong thời gian tới.

Đặc biệt phải tìm cách tháo gỡ nút thắt nguồn nhân lực bằng các chính sách tạo động lực đi học, khắc phục tư duy ngắn hạn. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách tạo ra thị trường đất linh hoạt hơn, xem nước là tài nguyên quý báu để có chính sách quản lý sử dụng, bảo vệ một cách phù hợp.

Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, trong bối cảnh hiện nay, “liên kết hay kết nối” là một trong những trụ cột được xác định đối với bất kỳ địa phương nào trong xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với Bến Tre, luôn xem việc đầu tư - liên kết nguồn lực để tạo động lực phát triển là ưu tiên chính trong phát triển của địa phương, không chỉ từ nỗ lực của chính mình mà còn phụ thuộc nhiều vào các địa phương và vùng khác, họ là “thị trường”, cũng như “đầu vào” của tỉnh. Bến Tre đặt mục tiêu liên kết, kết nối vùng nhằm huy động tốt nhất các nguồn lực để đầu tư và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội phục vụ nhu cầu phát triển.

Chia sẻ về vai trò trung tâm kết nối trong vùng ĐBSCL, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ đang cố gắng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực nội tại để phát triển những ngành, lĩnh vực tạo sức lan tỏa, dẫn dắt cả vùng, thúc đẩy sự liên kết trong vùng, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân, là thành phố xanh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam Bộ, là trung tâm của vùng trên một số lĩnh vực quan trọng.

Một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo thực hiện mục tiêu liên kết vùng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, cụ thể hóa quy hoạch vùng trong quá trình quy hoạch cũng như việc phân bổ nguồn lực đầu tư và xúc tiến đầu tư ở từng địa phương...

Hồng Diễm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lien-ket-de-cung-phat-trien-547669.html