Liên kết đầu vào tốt, giải quyết đầu ra thuận lợi

Các HTX tham gia dự án VnSAT đang liên kết, cung cấp dịch vụ đầu vào rất tốt, đồng thời bao tiêu lúa hàng hóa, giúp nông dân yên tâm sản xuất lúa bền vững.

 Nông dân Hậu Giang trong vùng dự án VnSAT sử dụng cơ giới hóa khâu làm đất để chuẩn bị xuống giống lúa vụ hè thu 2020. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân Hậu Giang trong vùng dự án VnSAT sử dụng cơ giới hóa khâu làm đất để chuẩn bị xuống giống lúa vụ hè thu 2020. Ảnh: Trung Chánh.

Hết thời dùng lúa thịt làm lúa giống

Nghề trồng lúa nước của nông dân ĐBSCL phần lớn là cha truyền con nối, kinh nghiệm của thế hệ truyền cho thế hệ sau.

Kỹ thuật sạ lan với mật độ rất dày (hơn 200 kg lúa giống/ha) đã trở thành tập quán, được nhiều người truyền nhau áp dụng. Ruộng lúa gieo sạ sau vài ngày là phải xanh đất, nhìn mới đã con mắt.

Vì gieo sạ mật độ rất dày, lượng giống cần nhiều nên nông dân thường ngại bỏ tiền ra mua lúa giống có phẩm cấp cao, đạt chất lượng. Họ thường tự để giống bằng cách lấy lúa từ vụ trước để dành gieo sạ cho vụ sau. Tức là dùng lúa thịt để làm giống. Vì vậy, lúa phát triển kém, sâu bệnh nhiều, chất lượng gạo ngày càng giảm.

Những năm gần đây, thông qua các lớp tập huấn của ngành nông nghiệp, nhất là từ khi dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) được triển khai tại một số tỉnh, thành ĐBSCL, nông dân đã dần thay đổi được tập quán này.

Chúng tôi tới ruộng lúa vụ hè thu 2020 của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vị Thủy 1, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang để thấy rõ sự thay đổi trong tập quán canh tác của bà con nông dân.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Giám đốc HTX cho biết, trước đây, nông dân thường gieo sạ rất dày, với lượng giống hơn 200 kg/ha, nhưng từ khi áp dụng mô hình canh tác mới của dự án VnSAT, lượng giống đã giảm đi rất nhiều.

Cụ thể là hiện nay nếu sạ tay hay dùng máy phun hạt, nông dân chỉ sử dựng khoảng 100-120 kg lúa giống cho 1 ha. Còn nếu cấy máy thì chỉ sử dụng chưa tới 60 kg giống để làm mạ cho 1 ha đất canh tác.

Đây là kết quả của các lớp tập huấn mà các xã viên ở đây đã được học. Các lớp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” do cán bộ kỹ thuật VnSAT tập huấn năm 2017-2018, lớp về kỹ thuật sản xuất lúa giống cấp xác nhận năm 2019-2020.

HTX Nông nghiệp Vị Thủy 1 sử dụng dịch vụ máy cấy lúa để sản xuất lúa giống, cung cấp cho bà con xã viên canh tác, không còn tình trạng sử dụng lúa thịt để làm lúa giống. Ảnh: Trung Chánh.

“Hiện HTX Nông nghiệp Vị Thủy 1 đang có 40 ha đất chuyên sản xuất lúa giống, cung cấp cho bà con xã viên canh tác, không còn hộ nào dùng lúa thịt để làm lúa giống gieo sạ như trước đây nữa.

Không chỉ vậy, HTX còn làm dịch vụ cung ứng lúa giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV cho các hộ nông dân chung quanh với diện tích lên đến khoảng 3.000 ha/vụ. Sau đó thu mua lại toàn bộ lúa hàng hóa cho bà con”, ông Lâm tự hào cho biết.

Theo chân lão nông Hai Điều (Nguyễn Thanh Điều) thành viên HTX Nông nghiệp Vị Thủy 1 ra chăm sóc ruộng lúa đang mơn mởn thì con gái, vừa rải phân, ông vừa cho biết: “Khu ruộng này có 35 ha, trong đó có 10 ha được cấy bằng máy để làm lúa giống, với các giống đang rất được ưa chuộng hiện nay là OM 18, Đài Thơm 8 và RVT. Diện tích còn lại sạ thưa, làm theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ để cung cấp cho thị trường gạo chất lượng cao”.

Ông Hai Điều, thành viên HTX Nông nghiệp Vị Thủy 1 ra chăm sóc ruộng lúa cấy máy để làm lúa giống. Ảnh: Trung Chánh.

HTX Nông nghiệp Vị Thủy 1 đang được dự án VnSAT tỉnh Hậu Giang lựa chọn đầu tư hạ tầng phục vụ canh tác lúa bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể là đầu tư lò sấy lúa, kho chứa… với tổng vốn khoảng 10 tỷ đồng. Hiện HTX còn có nhu cầu làm thêm đường nội đồng, nạo vét kênh để việc vận chuyển hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất của bà con được thuận lợi hơn.

Theo ông Lâm, khi đã có lò sấy, kho chứa thì việc thu mua lúa cho bà con xã viên sẽ được chủ động hơn.

Trước đây, HTX khi mua số lượng lớn phải gửi chỗ này, chỗ kia, thậm chí là gửi lại nhà dân, rất vất vả. Với nhà kho sức chứa lớn, diện tích mà HTX liên kết với nông dân không chỉ dừng lại ở 3.000 ha như hiện nay, mà sẽ được mở rộng hơn nữa. HTX cũng đang làm 80 ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, chế biến gạo đóng túi, làm thương hiệu để tiêu thụ nội địa.

Cấy thưa thừa thóc, trúng năng suất cao, chất lượng tốt, giá trị cao

Ông Cũng Quang Tiến (53 tuổi), có 3 ha đất ruộng chuyên canh lúa là thành viên của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đại Lợi, thuộc xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đã từng theo học nhiều lớp tập huấn kỹ thuật mới trong canh tác lúa, khi áp dụng vào thực tiễn sản xuất, lúa trúng năng suất cao, chất lượng tốt, đạt lợi nhuận cao hơn canh tác lúa theo tập quán cũ.

Tuy nhiên, nhờ có chương trình VnSAT TP Cần Thơ hỗ trợ mở lớp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, qua áp dụng thực tế 2 vụ lúa, ông Tiến đã áp dụng thuần thục.

“Gieo sạ thưa cho thấy lúa ít sâu bệnh, nhẹ phân bón (giảm lượng phân). Nhưng năng suất lại trúng từ 1-1,3 tấn/công tầm lớn (1.300 m2/công). Chi phí riêng hai khoản thuốc BVTV và phân bón giảm hơn 200.000 đồng/công. Trong khi về lượng giống gieo sạ trước đây 250 kg/ha, hiện nay giảm còn 110 kg/ha lúa vẫn trúng.

Phạm Thị Minh Hiếu, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT TP Cần Thơ:

Mục tiêu của dự án VnSAT nhằm gia tăng 30% lợi nhuận cho nông dân sản xuất lúa gạo thông qua áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc BVTV trong quá trình canh tác lúa gạo và tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Hiệu quả chứng minh với ruộng lúa đối chứng của một số bà con lân cận. Có khoảng 60% hộ nông dân thành viên trong HTX mạnh dạn áp dụng gieo sạ thưa Tuy nhiên, vẫn còn một số ít nông dân lo rằng sợ gieo sạ mạ lưa thưa, thiếu bông, lúa sẽ thất. Họ chờ các thành tiên phong làm trước, khi có hiệu quả mới dám làm theo.

Giám đốc HTX Đại Lợi, Đào Minh Tuấn (47 tuổi) xuất thân là ông chủ trẻ một cơ sở cơ khí về máy nông nghiệp.

Ông Tuấn thừa nhận: Trong chương trình VnSAT mang lại hiệu quả nhất là biện pháp kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm”.

Điểm mấu chốt chỉ cần giảm lượng giống gieo sạ sẽ kéo theo tất cả chi phí sản xuất giảm xuống, lợi nhuận càng tăng lên. Lúa gieo cấy thưa nhưng mặt được là lúa không bệnh, lúa vẫn đơm bông dày, no hạt.

Trở ngại nhất hiện nay là chưa có máy phục vụ cơ giới khâu gieo cấy. Nếu có máy gieo cấy chứng minh hiệu quả nông dân sẽ làm theo.

Ông Đào Minh Tuấn và Cũng Quang Tiến bên ruộng lúa áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác lúa sau khi đã được cán bộ VnSAT tập huấn. Ảnh: Hữu Đức.

Theo ông Tuấn, nếu áp dụng máy cấy đòi hỏi nhiều công đoạn như bã dừa, khay gieo… Vì vậy, hiện tại cơ sở cơ khí Đại Lợi đã sáng chế máy gieo hạt "4 trong 1", gồm: Máy đánh bằng (san phẳng) mặt ruộng, đánh rãnh nước, gieo bụi lúa, xịt thuốc diệt mầm cỏ dại. Riêng khâu gieo hạt, máy có thể giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 60 kg/ha vẫn đảm bảo tốt mật độ cây lúa trên đồng ruộng.

HTX Đại Lợi hiện có 22 ha với 22 hộ xã viên, nhưng dịch vụ nông nghiệp đang phục vụ mở rộng trên 1.000 ha trong xã Trường Xuân, hiệu quả VnSAT mang lại sẽ rất có ý nghĩa.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT TP Cần Thơ, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật giảm mật độ sạ, hướng đến mục tiêu giảm lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha. Tuy nhiên, hiện thời lượng giống phổ biến trong vùng dự án từ 120-150 kg/ha.

Theo số liệu đánh giá vụ Thu Đông 2019 cho thấy lượng giống thấp nhất 92 kg/ha và cao nhất 200kg/ha, đối với ruộng cấy 60kg/ha.

Bà Hiếu cho biết, Dự án VnSAT triển khai trên địa bàn TP Cần Thơ tại 3 huyện trọng điểm trồng lúa gồm: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai và quận Thốt Nốt, với tổng diện tích thực hiện trên 38.800 ha, có trên 32.231 hộ nông dân tham gia. Hiệu quả của dự án đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sản xuất lúa bền vững.

Đến nay, VnSAT Cần Thơ có diện tích lúa áp dụng sản xuất theo quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” là 16.577 ha, đạt 55,4% diện tích. Diện tích áp dụng sản xuất theo quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” đến nay có trên 9.300 ha, đạt 52% diện tích đã được đào tạo (17.845 ha) và 78% kế hoạch (12.000 ha). Tỷ suất tăng lợi nhuận nông dân thu được trên ha 11% so với nông dân ngoài dự án, tăng hơn trước dự án 3%.

Đ.T.CHÁNH - HỮU ĐỨC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lien-ket-dau-vao-tot-giai-quyet-dau-ra-thuan-loi-d265871.html