Liên hợp quốc trừng phạt Triều Tiên, phản ứng các nước ra sao?

LHQ đã nhất trí thông qua Nghị quyết do Mỹ đưa ra, cấm Triều Tiên xuất khẩu khoáng sản và hải sản trị giá hơn 1 tỷ USD.

Động thái này là phản ứng của LHQ sau khi Triều Tiên thử nghiệm hai vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào tháng trước.

Sau khi lệnh trừng phạt được chính thức thông qua, các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga đều lên tiếng trước hành động này và cho rằng, Triều Tiên cần quay lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân sau khi rút khỏi vào năm 2009.

Đại sứ Mỹ nói chuyện với đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc trước khi Hội đồng Bảo an bỏ phiếu về lệnh trừng phạt Triều Tiên hôm 5/8. Ảnh: AP.

Bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại LHQ, ca ngợi các biện pháp trừng phạt mới và gọi đó là "trừng phạt kinh tế lớn nhất đối với chế độ Bình Nhưỡng".

Tuy nhiên, ông Lưu Kết Nhất, đại sứ Trung Quốc tại LHQ, nói rằng nghị quyết "không có ý gây ảnh hưởng tiêu cực" đối với người dân Triều Tiên và nhấn mạnh rằng nó như lời nhắc nhở kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Đại sứ Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. "Việc triển khai hệ thống THAAD sẽ không mang lại giải pháp cho vấn đề thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên" - đại sứ Trung Quốc nói với Hội đồng Bảo an.

Đại sứ Nga Vasily Nebenzia nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt "không thể kết thúc bằng chính nó" (ý nói cuối cùng thì cần phải dỡ bỏ trừng phạt), mà chỉ là một "công cụ để thúc đẩy Triều Tiên trong việc xây dựng các cuộc đàm phán''.

Các thành viên của Hội đồng bảo an cũng nhắc lại những điều ghi trong các nghị quyết trừng phạt trước đó là kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại các cuộc đàm phán sáu bên với mục tiêu phi hạt nhân hoá.

Nghị quyết vừa qua là lần trừng phạt thứ 7 LHQ áp dụng cho Triều Tiên kể từ lần đầu tiên vào năm 2006 khi nước này tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân.

Các cuộc thử nghiệm đã làm tăng thêm lo ngại của Mỹ về việc Bình Nhưỡng đang phát triển một loại tên lửa có khả năng tấn công vào đất liền của Mỹ. Nghị quyết này cấm các quốc gia khác tăng nhập khẩu lao động của Triều Tiên, cấm các hoạt động liên doanh mới với Triều Tiên và bất kỳ khoản đầu tư mới nào trong liên doanh hiện tại.

Nói tóm lại, là bít mọi con đường để Triều Tiên kiếm thêm ngoại tệ sau khi bị cắt đi 1/3 nguồn thu từ việc xuất khẩu tài nguyên. Đồng thời, bổ sung thêm 9 cá nhân và 4 tổ chức vào danh sách đen của LHQ, bao gồm ngân hàng ngoại hối chính của Triều Tiên, buộc họ phải đóng băng tài sản toàn cầu. Việc này cũng ghi nhận những kết quả mà LHQ cho rằng hơn một nửa số dân Triều Tiên thiếu lương thực và chăm sóc y tế.

Theo Cẩm Anh/DĐDN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/lien-hop-quoc-trung-phat-trieu-tien-phan-ung-cac-nuoc-ra-sao-210471/