Liên hợp quốc làm việc với Zimbabwe về chống tham nhũng

Một đoàn công tác của Liên hợp quốc gồm 6 thành viên đã có chuyến thăm và làm việc tại Zimbabwe để xem xét các cơ chế và giải pháp đang được Ủy ban Chống tham nhũng Zimbabwe (Zacc) thực hiện để kiềm chế tham nhũng.

Thư ký Thường trực Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, Quản trị doanh nghiệp và Mua sắm tại Văn phòng Tổng thống và Quốc hội, ông Willard Manungo. Ảnh: Herald

Thư ký Thường trực Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, Quản trị doanh nghiệp và Mua sắm tại Văn phòng Tổng thống và Quốc hội, ông Willard Manungo. Ảnh: Herald

Đoàn công tác do ông Messrs Felipe Freitas Falconi và Meder Begaliev dẫn đầu, đến từ Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) ở Áo.

Một cuộc hội thảo kéo dài 3 ngày về Đánh giá việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) của Zimbabwe, diễn ra từ ngày 13-15/5.

UNCAC là một điều ước quốc tế đa phương do các quốc gia và tổ chức quốc tế thỏa thuận xây dựng với mục tiêu là hình thành một khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong phòng, chống tham nhũng.

UNCAC yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện một số biện pháp chống tham nhũng tập trung vào 5 lĩnh vực chính: Phòng ngừa; Thực thi pháp luật; Hợp tác quốc tế; Thu hồi tài sản và Hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi thông tin.

Đoàn công tác của Liên hợp quốc tiến hành xem xét việc Zimbabwe thực hiện các quy định trong Chương 2 và Chương 5 của UNCAC, về các biện pháp phòng ngừa và thu hồi tài sản.

Phát biểu tại hội thảo, Thư ký Thường trực Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, Quản trị doanh nghiệp và Mua sắm tại Văn phòng Tổng thống và Quốc hội, ông Willard Manungo cho biết, nước này đã đưa ra nhiều biện pháp để thể hiện cam kết của mình trong việc xóa bỏ tham nhũng.

“Thành công trong việc bài trừ tham nhũng chỉ có thể thông qua cách tiếp cận đa chiều, trong đó, các bên liên quan khác nhau hợp lực vì một lợi ích chung, đó là một quốc gia sạch bóng tham nhũng", ông Manungo nói.

Theo ông Manungo, một trong những ưu tiên của Zimbabwe là tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước nhằm phục hồi nền kinh tế. Tổng thống Mnangagwa đã tuyên bố chính sách không khoan nhượng với tham nhũng.

“Để nền kinh tế của chúng ta đi lên, người dân Zimbabwe phải loại bỏ tham nhũng và xây dựng một hệ thống công lý mạnh mẽ, nơi mọi người có thể trao niềm tin", ông nói.

Theo ông Manungo, tham nhũng tràn lan ở Zimbabwe làm xói mòn niềm tin của người dân và làm suy yếu sức mạnh của nền dân chủ, làm giảm khả năng đổi mới, sáng tạo.

Chính phủ của Tổng thống Mnangagwa đã ban hành Kế hoạch Chuyển tiếp. Theo đó, các biện pháp cụ thể được đưa ra nhằm chống lại sự vô kỷ luật và tham nhũng cố thủ, nhằm làm trong sạch xã hội và tăng cường, củng cố các tổ chức, dịch vụ công, cho phép phát hiện sớm tham nhũng.

Ngọc Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/lien-hop-quoc-lam-viec-voi-zimbabwe-ve-chong-tham-nhung_t114c52n148651