Liên hợp quốc khủng hoảng tài chính vì bê bối của Giám đốc Chương trình Môi trường

Giám đốc Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (LHQ), Erik Solheim, đã đệ đơn xin từ chức hôm 20-11 sau khi bị chỉ trích gay gắt về việc chi tiêu hoang phí tiền công quỹ cho các chuyến công du nước ngoài và làm nhiều quốc gia từ chối tài trợ cho chương trình chống biến đổi khí hậu.

Đơn xin từ chức của ông Erik Solheim đã được gửi tới Tổng thư ký LHQ, António Guterres. Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ cho biết, ông António Guterres đã chấp nhận sự từ chức của Erik Solheim. "Tổng thư ký rất biết ơn sự phục vụ của ông Erik và khẳng định ông ấy là tiếng nói hàng đầu trong việc thu hút sự chú ý của thế giới đến những thách thức môi trường quan trọng”, người phát ngôn Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh.

“Những mọi nguyên tắc cần phải được thực thi và ai trong LHQ chưa làm tròn trách nhiệm của mình thì cần phải được thay thế”. Các nguồn tin tại Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho hay, các quốc gia thành viên của chương trình này đã tỏ thái độ không hài lòng với hành vi của Erik Solheim và tuyên bố giữ lại hàng chục triệu USD tài trợ cho chương trình. Trong số các quốc gia công khai chuyện dừng tài trợ có Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển.

Erik Solheim đã buộc phải từ chức vì bê bối tài chính.

Theo đó, khoản tài chính cung cấp cho Unep (trị giá khoảng 50 triệu USD) chỉ được tiến hành cho đến khi nào các vấn đề xung quanh Erik Solheim được giải quyết. Điều này đang đe dọa tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới trong Chương trình Môi trường LHQ. Trước đó, một bản kiểm toán nội bộ của LHQ được gửi tới tờ The Guardian vào tháng 9 cho thấy, ông Erik Solheim đã chi gần 500.000 USD cho các chuyến du lịch hàng không và khách sạn chỉ trong 22 tháng và đã tiêu tốn mất 80% quỹ thời gian làm việc của mình cho các hoạt động này.

Cuộc kiểm toán được thực hiện sau khi có những tin đồn không hay về việc lạm dụng chức quyền, chi tiêu công bừa bãi tại tổ chức chuyên về chống biến đổi khí hậu. Thậm chí, sau khi bản kiểm toán được công bố, một số nhà lãnh đạo LHQ đã cáo buộc ông Erik Solheim là đạo đức giả và lừa đảo.

Báo The Independent cho hay, báo cáo kiểm toán của LHQ khẳng định Erik Solheim đã "không quan tâm đến việc tuân thủ các quy định và quy tắc được thiết lập trong tổ chức” và không thể đưa ra những giải thích đúng, phù hợp cho một số chuyến đi của mình. Ông cũng không cho phép nhân viên được lựa chọn làm việc từ châu Âu hơn là tại trụ sở Unep ở Nairobi, Kenya.

Khi trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, Erik Solheim cũng thừa nhận đã trả lại tiền cho các trường hợp là nhân viên giám sát biến đổi khí hậu và thực hiện các thay đổi mà các quy tắc khác đã bị phá vỡ. Phiên bản cuối cùng của báo cáo kiểm toán nội bộ vẫn chưa được công khai, nhưng phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ cho biết: “Tổng thư ký LHQ vui mừng thấy Unep cam kết thực hiện các khuyến nghị được tìm thấy trong báo cáo. Báo cáo về chi tiêu của ông Erik Solheim cho thấy, ông ấy đã đòi hỏi những chi phí không hợp lý vào thời điểm LHQ đang trải qua tình trạng khó khăn về tài chính.

Những chuyến đi khắp thế giới của Erik Solheim đã làm dấy lên những cáo buộc rằng, ông thể hiện là người ít quan tâm đến môi trường và những nỗ lực để giảm lượng khí thải carbon được tạo ra do đi lại bằng hàng không”. Hiện tại, Phó Giám đốc điều hành của Unep, Joyce Msuya đã được bổ nhiệm thay thế vào vị trí của ông Erik Solheim.

Nhưng những cáo buộc nhằm vào ông Erik Solheim chưa dừng lại. Tờ The Guardian còn tiết lộ rằng, ông đã có những giao dịch tiền nong mờ ám với vợ của mình và một công ty Na Uy. Công ty này đã thuê vợ của Erik Solheim vào làm việc ngay sau khi được ký hợp đồng với Unep vào tháng 4 để thực hiện một dự án về môi trường. Bên cạnh đó, một số nhân viên của Unep cũng tố cáo rằng họ cảm thấy bất hạnh khi làm việc dưới sự điều hành của Erik Solheim trong một thời gian dài.

Trong đoạn băng ghi âm một cuộc gặp giữa Erik Solheim và nhân viên ở Nairobi hồi tháng 9, Tim Christophersen, người phụ trách lĩnh vực nước ngọt, đất đai và khí hậu tại Unep đã nói: “Một số công việc trong ngành của tôi về cơ bản đã bị ngăn chặn bởi một bức tường đóng băng tài trợ mà các nhà tài trợ đang thực hiện. Không ai trong chúng ta có thể lấy tính chất cá nhân quan trọng hơn LHQ. Điều này không nên xảy ra trong tổ chức.

Chúng ta cần phải xem xét lại mọi dự án có vấn đề”. Trong khi đó, một số nhân viên của Unep còn gửi kiến nghị lên LHQ đề nghị xem xét lại mối quan hệ thân mật giữa Erik Solheim và giới chức Trung Quốc, cũng như dự án mà ông khởi xướng liên quan đến sự bền vững về môi trường của cơ sở hạ tầng vành đai và đường bộ lớn của Trung Quốc.

Một mối quan tâm khác đối với nhân viên Unep là khoản tài trợ 500.000 USD mà Erik Solheim đã đồng ý cho cuộc đua Volvo Ocean, mặc dù nó không được đề cập trên trang web của nhà tài trợ VOR hoặc được Unep công bố…

Linh Oanh (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/lien-hop-quoc-khung-hoang-tai-chinh-vi-be-boi-cua-giam-doc-chuong-trinh-moi-truong-521371/