Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt đại dịch AIDS trong bối cảnh COVID-19

Tuyên bố kêu gọi hành động khẩn cấp để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua mới đây, đã chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đã làm chậm tiến trình chống lại AIDS.

Theo tuyên bố, 193 quốc gia thành viên của hội đồng đã cam kết nỗ lực như giảm các ca nhiễm HIV mới hàng năm xuống dưới 370.000 người và tử vong hàng năm liên quan đến AIDS xuống dưới 250.000 người vào năm 2025; xóa bỏ mọi hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, và đẩy mạnh việc nghiên cứu vắc-xin HIV và phương pháp chữa khỏi bệnh AIDS.

Nếu không có sự thúc đẩy mạnh mẽ về nguồn lực và sự bảo trợ đối với các đối tượng nguy cơ cao và người đã nhiễm bệnh, sẽ không thể kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Theo đó, dịch COVID-19 đã làm tụt lùi quá trình chống lại HIV/AIDS, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, và giảm thiểu sự đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, y tế cộng đồng, các dịch vụ công thiết yếu khác, cũng như sự thiếu chuẩn bị trong việc đối phó với đại dịch.

Phản ứng của nhiều quốc gia với COVID-19 đã cho thấy, tiềm năng và tính cấp bách của việc đẩy mạnh đầu tư để ngăn chặn các đại dịch và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia tăng đầu tư vào hệ thống sức khỏe cộng đồng, bao gồm các dịch vụ đối phó với HIV và các bệnh khác.

Giám đốc điều hành UNAIDS, bà Winnie Byanyima cho biết, các cam kết này sẽ là cơ sở cho các nỗ lực của chúng ta trong việc chấm dứt một đại dịch đã tàn phá thế giới suốt 40 năm qua. Hiện 77,5 triệu người đã nhiễm HIV kể từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện năm 1981 và gần 35 triệu người đã tử vong do AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV đang không đi theo lộ trình mà chúng ta đã cùng nhau hứa hẹn. Giữa đại dịch COVID-19, chúng ta thậm chí còn thấy đại dịch này trở nên trầm trọng hơn.

Byanyima cho biết, COVID-19 cho thấy khoa học phát triển “bằng với tốc độ mà các nhà chính trị muốn thúc đẩy nó” và kêu gọi gia tăng ngân sách cho các đổi mới trong điều trị, phòng ngừa, chăm sóc, và phát triển vắc xin AIDS trên toàn cầu.

Từ năm 2001, số ca tử vong liên quan đến AIDS trên toàn cầu đã giảm 54% và số ca nhiễm HIV đã giảm 37%, nhưng cảnh báo rằng những thành tựu này đã bị làm chậm lại đáng kể từ năm 2016. Điều quan ngại là đã có 1,7 triệu ca nhiễm mới năm 2019, trong khi mục tiêu toàn cầu năm 2020 là ít hơn 500.000 ca. Ngoài ra, số ca nhiễm HIV mới đã tăng lên ở ít nhất 33 quốc gia kể từ năm 2016.

Châu Phi, đặc biệt là khu vực cận Sahara đã đạt được nhiều thành tựu nhất trong cuộc chiến chống AIDS, nhưng vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch này. Đại hội đồng kêu gọi “nhiều nỗ lực hơn nữa, khẩn trương hơn nữa” trong việc ngăn ngừa các tác động tiêu cực của dịch bệnh, đặc biệt là trên phụ nữ, trẻ vị thành niên nữ, và trẻ em.

Các thành viên đại hội đồng hoan nghênh tiến độ giảm thiểu các ca nhiễm HIV và ca tử vong liên quan đến AIDS ở châu Á Thái Bình Dương, vùng Ca-ri-bê, Tây và Trung Âu, và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, dù có nhiều kết quả khả quan, vùng Ca-ri-bê vẫn có tỷ lệ nhiễm cao nhất bên ngoài khu vực châu Phi cận Sahara, trong khi số ca nhiễm HIV mới đang gia tăng ở Đông Âu, Trung Á, châu Mỹ La-tinh, Trung Đông, và Bắc Phi.

Bà Byanyima nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt các bất bình đẳng trong việc cung cấp thuốc, và đảm bảo rằng các loại thuốc có thể ngăn ngừa tử vong ở bệnh nhân HIV được sản xuất bởi nhiều công ty khác nhau ở mức giá vừa phải, đặc biệt là ở vùng nam bán cầu, nơi phần lớn tập trung các ca bệnh. Đây cũng là thời điểm để chúng ta hợp tác đa quốc gia, đa lĩnh vực. COVID -19 đã nhắc nhở rằng: Chúng ta không chỉ liên quan mật thiết đến nhau mà số phận của chúng ta còn gắn liền với nhau. Không thể chỉ chấm dứt AIDS ở một quốc gia hay một châu lục mà chỉ có thể chấm dứt AIDS ở mọi nơi trên thế giới.

Dương Sơn

(Theo AP 6/2021))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lien-hop-quoc-keu-goi-cham-dut-dai-dich-aids-trong-boi-canh-covid-19-n194813.html