Liên hợp quốc kết thúc giai đoạn tham vấn chính trị đầu tiên ở Sudan

Người đứng đầu UNITAMS, ông Volker Perthes, mô tả quá trình tham vấn 'là hữu ích' vì thông qua quá trình này, phái bộ có thể nắm được các quan điểm và đề xuất từ người dân Sudan.

Người dân tham gia biểu tình yêu cầu chuyển tiếp sang chính quyền dân sự tại Sahafa, ngoại ô Khartoum (Sudan), ngày 25/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân tham gia biểu tình yêu cầu chuyển tiếp sang chính quyền dân sự tại Sahafa, ngoại ô Khartoum (Sudan), ngày 25/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/2, Phái bộ Liên hợp quốc tại Sudan đã kết thúc giai đoạn đầu tiên của quá trình tham vấn với các bên nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này.

Trong một tuyên bố, Phái bộ Hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của Liên hợp quốc ở Sudan (UNITAMS) thông báo sẽ sớm công bố một tài liệu tóm tắt nêu bật các đồng thuận chính giữa các lực lượng chính trị Sudan đối với các vấn đề gây tranh cãi trong quá trình chuyển đổi sang chế độ dân sự.

Người đứng đầu UNITAMS, ông Volker Perthes, mô tả quá trình tham vấn "là hữu ích" vì thông qua quá trình này, phái bộ có thể nắm được các quan điểm và đề xuất từ người dân Sudan.

Sudan đã trải qua cuộc khủng hoảng chính trị kể từ khi Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp, Tướng Abdel Fattah Al-Burhan, tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 25/10/2021.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 13/2, Tướng Al-Burhan đã kêu gọi các nỗ lực đoàn kết quốc tế và khu vực để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này.

Phát biểu của người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp Sudan được đưa ra trong cuộc gặp phái đoàn Liên minh châu Phi (AU), do Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki dẫn đầu.

Ông khẳng định chính phủ Sudan muốn giải quyết khủng hoảng thông qua một cuộc đối thoại toàn diện với tất cả các lực lượng chính trị xã hội trong nước, ngoại trừ đảng Đại hội Dân tộc (NCP) của cựu Tổng thống Omar al-Bashir, và thành lập một chính phủ gồm các nhân vật độc lập có khả năng lãnh đạo đất nước trong thời gian còn lại của tiến trình chuyển tiếp.

Ngoài ra, Tướng Al-Burhan cũng kêu gọi sửa đổi hiến pháp phù hợp với giai đoạn chuyển tiếp và tổ chức các cuộc bầu cử tự do, công bằng sau đó.

Về phần mình, phái đoàn AU cho biết mục đích chuyến đi tới Sudan vào thời điểm này là nhằm tiếp xúc với tất cả các bên để đưa ra một góc nhìn toàn diện, giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này./.

Ngọc Tú (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lien-hop-quoc-ket-thuc-giai-doan-tham-van-chinh-tri-dau-tien-o-sudan/772847.vnp