Liên hợp quốc cảnh báo về thảm họa tràn dầu trên Biển Đỏ

Liên hợp quốc (LHQ) đang nỗ lực kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ đóng góp thêm tiền của nhằm xử lý 1,14 triệu thùng dầu thô trên một con tàu cổ bị mắc kẹt ở Biển Đỏ, từ đó giúp Yemen cũng như toàn khu vực tránh khỏi một thảm họa tồi tệ về nhân đạo, kinh tế và môi trường.

Theo CNN, tàu FSO Safer, được sản xuất năm 1976, bị mắc kẹt ngoài khơi bờ biển Yemen từ năm 2015 sau khi lực lượng Houthi kiểm soát khu vực này. Đến nay, con tàu đã xuống cấp nghiêm trọng sau một thời gian dài không được bảo dưỡng và đứng trước nguy cơ bị chìm hoặc phát nổ bất cứ lúc nào. Do tàu FSO Safer chứa 1,14 triệu thùng dầu thô nên các quan chức LHQ và giới chuyên gia ước tính nếu con tàu này bị chìm thì lượng dầu bị tràn ra mặt biển sẽ lớn gấp 4 lần thảm họa tràn dầu Exxon Valdez ở ngoài khơi bang Alaska (Mỹ) hồi năm 1989. Cũng có nhiều người cảnh báo rằng việc tràn dầu từ tàu FSO Safer có thể khiến các cảng tiếp tế thực phẩm buộc phải đóng cửa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng triệu người Yemen, đồng thời gây ra sự gián đoạn lớn đối với hoạt động thương mại hàng hải trên Biển Đỏ.

Tàu chở dầu FSO Safer hiện vẫn đang nằm trên Biển Đỏ. Ảnh: Arab News

Tàu chở dầu FSO Safer hiện vẫn đang nằm trên Biển Đỏ. Ảnh: Arab News

Nhằm giải cứu tàu FSO Safer, năm ngoái, LHQ đã phát động chiến dịch huy động các nguồn tài trợ và đến nay cũng đã mua “siêu tàu chở dầu Nautica” để chuyển hơn 1 triệu thùng dầu khỏi tàu FSO Safer. Theo Reuters, LHQ cần 129 triệu USD để xử lý lượng dầu trên tàu FSO Safer, song đến nay mới huy động được khoảng 99 triệu USD từ chính phủ các nước và các nhà tài trợ quốc tế. Ông Farhan Haq, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ, cho biết thông qua Hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ do Anh và Hà Lan tổ chức ngày 4-5 vừa qua, LHQ hy vọng sẽ có được khoản tiền còn thiếu, nhưng cuối cùng chỉ huy động được thêm 5,6 triệu USD.

Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh rằng nhiệm vụ cấp bách đặt ra hiện nay là phải bảo đảm tài chính nhằm thực hiện thành công chiến dịch giải cứu tàu FSO Safer. Tuy nhiên, ông Haq khẳng định dù thiếu kinh phí nhưng LHQ tin rằng các hoạt động xử lý trên mặt nước sẽ được bắt đầu từ cuối tháng 5 này trong khi chờ thêm các nguồn tài trợ.

Gần đây, Công ty dầu mỏ tư nhân Hayel Saeed Anam Group (HSA) cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ, cần thể hiện trách nhiệm bằng cách đóng góp nốt khoản tiền 29 triệu USD còn thiếu nhằm ngăn chặn thảm họa tràn dầu từ tàu FSO Safer. Lãnh đạo công ty này cảnh báo sự cố tràn dầu sẽ ảnh hưởng đến các cộng đồng trên toàn bộ khu vực Biển Đỏ, vốn lâu nay phụ thuộc nhiều vào các hoạt động kinh tế và thương mại.

Tương tự, một quan chức LHQ cũng từng bày tỏ lo ngại rằng tàu FSO Safer sẽ chìm hoặc phát nổ bất cứ lúc nào, gây ra sự tàn phá nghiêm trọng với môi trường. “Chúng tôi không muốn Biển Đỏ trở thành Biển Đen. Đó là những gì sẽ xảy ra”-Điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Yemen, ông David Gressly nói với hãng tin Sky News.

Ông Gressly cảnh báo nếu để xảy ra một vụ tràn dầu từ tàu FSO Safer sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động viện trợ lương thực cho 6 triệu người ở Yemen và làm ngưng trệ việc nhập khẩu các nhiên liệu cần thiết phục vụ hoạt động cung cấp nước ngọt cho khoảng 8 triệu người. Ông nhấn mạnh rằng 129 triệu USD cần có để giải cứu tàu FSO Safer là con số quá nhỏ so với khoản chi phí lên tới 20 tỷ USD để dọn sạch dầu loang trên biển nếu xảy ra thảm họa tràn dầu.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/lien-hop-quoc-canh-bao-ve-tham-hoa-tran-dau-tren-bien-do-727177

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/580085-lien-hop-quoc-canh-bao-ve-tham-hoa-tran-dau-tren-bien-do.html