Liên hợp quốc bất đồng về vụ tấn công nhằm vào người di cư ở Libya

Rạng sáng 4-7 (theo giờ Hà Nội), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã kết thúc phiên thảo luận kín kéo dài hai giờ mà không đạt được đồng thuận trong việc lên án vụ tấn công nhằm vào một trại tạm giữ người di cư ở Libya, do Mỹ không nhất trí đối với tuyên bố dự thảo.

Trong phiên thảo luận, Anh đã chuyển một dự thảo tuyên bố tới các nước thành viên HĐBA LHQ, trong đó lên án vụ không kích nhằm vào trại tạm giữ người di cư ở Libya đêm 2-7 vừa qua, làm hơn 170 người thương vong. Anh cho rằng, vụ không kích trên là do lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) tự xưng trung thành với tướng Khalifa Haftar thực hiện, đồng thời London kêu gọi các bên xung đột ở Libya ngừng bắn và nối lại các cuộc thảo luận chính trị.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận kín ở HĐBA LHQ, đại diện Mỹ cho biết, họ cần có được sự đồng ý, bật đèn xanh của Nhà Trắng trong việc thông qua văn bản do Anh đề xuất. Do vậy, cuộc họp kết thúc mà không ra được tuyên bố.

 Trại tạm giữ người di cư ở Tajoura sau khi bị không kích đêm 2-7. Ảnh: AP

Trại tạm giữ người di cư ở Tajoura sau khi bị không kích đêm 2-7. Ảnh: AP

Trước đó, đêm 2-7 (giờ địa phương), một vụ không kích nhằm vào trại tạm giữ người di cư ở ngoại ô Tajoura, thủ đô Tripoli của Libya làm ít nhất 44 người thiệt mạng và 130 người bị thương. Theo người phát ngôn Dịch vụ khẩn cấp Libya, ông Osama Ali, đây mới chỉ là báo cáo sơ bộ và số người thương vong có thể sẽ tiếp tục tăng.

Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được LHQ ủng hộ đã đổ lỗi cho lực lượng LNA tiến hành vụ không kích đẫm máu trên. Cáo buộc này được đưa ra trong thời điểm lực lượng LNA của tướng Khalifa Haftar trước đó tuyên bố sẽ không kích các mục tiêu ở Tripoli do những “cách tấn công truyền thống” không còn hiệu quả. Ngay sau đó, LNA đã phủ nhận cáo buộc trên.

Theo Reuters, từ tháng 4 năm nay, lực lượng LNA đã mở cuộc tấn công nhằm kiểm soát thủ đô Tripoli, khu vực do quân đội chính phủ được LHQ công nhận kiểm soát. Đến nay, các cường quốc tại HĐBA vẫn chưa đạt được đồng thuận về cách thức phản ứng đối với chiến dịch quân sự do tướng Haftar phát động. Mỹ và Nga từ chối ủng hộ lời kêu gọi của LHQ về thiết lập ngừng bắn tại đây. Trong khi đó, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, giao tranh giữa các bên ở Libya đến nay khiến gần 740 người thiệt mạng và hơn 4.400 người bị thương. Điều này khiến dư luận lo ngại về nguy cơ một cuộc nội chiến mới cũng như một thảm họa nhân đạo sẽ xảy ra ở Libya trong thời gian tới.

Để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay ở Libya, giữa tháng 6 vừa qua, Thủ tướng nước này Fayez al-Serraj đã đề nghị tổ chức tổng tuyển cử và bầu cử tổng thống trước cuối năm nay. Sáng kiến này dựa trên việc phối hợp với Phái bộ LHQ tại Libya để tổ chức một hội nghị quốc gia nhằm tập hợp mọi lực lượng chính trị và đại diện nhân dân ở mọi khu vực đất nước. Hội nghị sẽ đề ra lộ trình cho giai đoạn sắp tới và thống nhất việc thiết lập cơ sở hiến pháp để tổ chức bầu cử, kêu gọi HĐBA LHQ và cộng đồng quốc tế ủng hộ, công nhận các kết quả đạt được. Ngoài ra, Thủ tướng Fayez al-Serraj cũng đề cập đến việc thành lập một “cơ quan hòa giải dân tộc cấp cao”. Tuy nhiên, Thủ tướng Fayez al-Serraj cũng cho biết, ông không sẵn sàng đàm phán với tướng Khalifa Haftar nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli suốt hai tháng qua.

Các nhà phân tích nhận định, cuộc chiến giữa hai phe phái tại Libya hiện nay có thể phá hủy kế hoạch giải quyết vấn đề người di cư của Liên minh châu Âu (EU). Libya là điểm trung chuyển chính của dòng người di cư từ châu Phi và các quốc gia Arab tìm đường tới Italy. Tuy nhiên, nhiều người di cư khi thực hiện hành trình vượt biển tới Italy đã bị Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya ngăn chặn và đưa về các trại tạm giữ. Hiện có hàng nghìn người bị tạm giữ trong các trại này.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/lien-hop-quoc-bat-dong-ve-vu-tan-cong-nham-vao-nguoi-di-cu-o-libya-581645