Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam: ''Hút'' khán giả nhờ chất lượng

Có lẽ là bất ngờ với những người ít để ý tới phim tài liệu nhưng lại là chuyện quen thuộc ở Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam, khi đêm khai mạc (1-10), khán giả đến chật kín khán phòng. Ở mùa phim thứ XI, liên hoan đã định hình trong lòng công chúng và có được một lượng lớn khán giả trung thành.

Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ XI diễn ra từ ngày 1 đến 10-10 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Những khán giả trung thành

Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam do Hiệp hội Các viện văn hóa và các đại sứ quán châu Âu (EUNIC) và Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương tổ chức thường niên, thường diễn ra vào đầu tháng 6 hằng năm, tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên được tổ chức muộn hơn (từ ngày 1 đến 10-10). Mặc dù ban tổ chức có đôi chút lo ngại khán giả sẽ đến ít hơn các năm trước nhưng thực tế, ngay trong tối khai mạc vừa qua, khán giả vẫn đến chật cứng khán phòng Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương.

Có mặt từ rất sớm, bà Đỗ Thị Thọ, một khán giả trung thành của Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam mang theo một bó hoa để tặng ban tổ chức. Người phụ nữ 77 tuổi này cho biết: "Tôi thích liên hoan này từ những năm đầu tiên. Năm nào tôi cũng đi xem vì có nhiều phim hay".

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng là khán giả trung thành của Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam. Ông chia sẻ, những bộ phim tài liệu nước ngoài chiếu tại liên hoan phim đều là những bộ phim chất lượng, thể hiện tay nghề cao của các đạo diễn nước ngoài. Với ông, xem phim tài liệu không chỉ vì sở thích mà còn là cách để nâng cao nhận thức, hiểu biết về thế giới.

Đạo diễn Trịnh Quang Tùng cho biết: “Tất cả các buổi chiếu, ban tổ chức đều phải kê thêm ghế nhựa ở hai bên lối đi để phục vụ khán giả. Qua 10 lần tổ chức, chúng tôi có thể khẳng định đã có một lượng khán giả rất trung thành của phim tài liệu. Họ chính là động lực để chúng tôi tiếp tục sáng tạo và tin tưởng vào việc có thể tạo ra những sân chơi để đưa phim tài liệu đến với khán giả Hà Nội thường xuyên hơn nữa”.

Khán phòng Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương kín người xem trong tối khai mạc, 1-10.

Sự chân thực làm lay động khán giả

Năm nay, liên hoan mang đến những bộ phim xuất sắc nhất đến từ 10 quốc gia: Áo, Bỉ (Wallonia - Brussels), Pháp, Italia, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc, Vương quốc Anh cùng 12 bộ phim của nước chủ nhà Việt Nam.

Đó là những bộ phim đa dạng về đề tài, đã gặt hái được nhiều giải thưởng lớn trên thế giới. Có thể kể tới bộ phim “Nhà tắm công cộng” của Wallonia - Brussels (Bỉ) nói về công trình nhà tắm công cộng có tuổi đời 65 năm ở thủ đô Brussels, từng giành giải Đặc biệt Liên hoan phim Traces de Vies - Clermont Frerrand (Pháp); phim “Once upon a boy” của Israel về một cậu bé bị bệnh bại não, giành được giải của giám khảo và khán giả tại DOC AVIV 2019; hay phim “The Litte one” (Cô bé Malá) kể về cô bé người Việt tên Rồng lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở châu Âu đã giành giải Phim hoạt hình hay nhất, giải thưởng do khán giả bình chọn tại Liên hoan phim nghệ thuật nữ quyền biên giới 2018...

Ngoài ra, khán giả còn có cơ hội “thám hiểm” dãy núi Alps (Thụy Sĩ) qua bộ phim “Đường lên dốc núi cheo leo”; khám phá công nghệ làm đồ chơi Lego qua phim “Thế giới bí mật của Lego”; hay tìm hiểu “Hậu trường nhà hát Opera Vienna”...

“Đối thoại” với những bộ phim tài liệu nước ngoài là 12 phim tài liệu của Việt Nam, trong đó có 10 bộ phim đến từ Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương: “Hành trình về phía bình minh”, “Những ngả đường sáng tối”, “Con đường không phẳng”, “Cô đỡ Thôn Bản”, “Hội An - Trầm mặc phố”, “Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Hoàng Thủy Nguyên, nhà vi rút học và chế tạo vắc xin hàng đầu Việt Nam”, “Kho báu dưới đại dương”, “Ánh sáng của con”, “Hành trình thư pháp Việt”, “Âm vang mái nhịp hò khoan” cùng hai phim tài liệu độc lập “Người mẹ”, “Cống ngầm”. Trong đó, có nhiều phim có bối cảnh Hà Nội, phản ánh những vấn đề, con người ở Hà Nội hôm nay.

Ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, Chủ tịch EUNIC Việt Nam cho rằng, sự hấp dẫn của phim tài liệu chính là ở tính xác thực: “Kỳ vọng của người xem với các bộ phim tài liệu vốn khác với các bộ phim truyện. Trong các bộ phim hư cấu, người xem mong đợi một câu chuyện được tạo ra, còn đối với một bộ phim tài liệu, người xem lại chờ đón một câu chuyện dựa trên thực tế. Một bộ phim tài liệu luôn cố gắng nắm bắt thực tế, nó phản ánh những tình huống, con người và những điều thực sự tồn tại trên thế giới... Phim tài liệu mang lại những kết nối đáng suy ngẫm và giúp chúng ta hiểu hơn về thế giới mình đang sống".

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Công ty Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương cũng khẳng định, chính những bộ phim tái hiện lại cuộc sống một cách chân thực, sinh động đã hấp dẫn khán giả và tạo nên thương hiệu cho liên hoan cũng như kết nối khán giả đến với phim tài liệu Việt Nam ngày một nhiều hơn.

Trà Giang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giai-tri/979807/lien-hoan-phim-tai-lieu-chau-au---viet-nam-hut-khan-gia-nho-chat-luong