Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V - 2018: Điểm hẹn điện ảnh của Hà Nội

Khai mạc vào tối 27-10, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V - 2018 đánh dấu sự hiện diện tròn tám năm ở Hà Nội với rất nhiều điểm nổi bật. Các nhà làm phim, đạo diễn nổi tiếng của các nền điện ảnh Nhật Bản, Iran, Ba Lan, Hàn Quốc, Mông Cổ…, thành viên của các ban giám khảo phim truyện, phim ngắn và NETPAC cũng đã có mặt tại Hà Nội và bắt đầu công việc của mình.

Thành viên các BGK của LHP Quốc tế Hà Nội 2018.

Nhiều điểm mới

Một trong những điểm nhấn của LHP năm nay là số lượng và chất lượng phim tham gia. Không chỉ tăng cao về số lượng, mà các phim tranh giải còn phải đáp ứng tiêu chí khắt khe hơn, là phải chưa tham gia một LHP quốc tế nào trong khu vực châu Á.

Cục trưởng Điện ảnh Ngô Phương Lan cho biết, một trong những điểm mới của LHP năm nay là ngoài phim chiếu đêm khai mạc, còn có phim bế mạc, và cả hai bộ phim này đều là những tác phẩm đỉnh cao của thế giới. Đó là “Shoplifter” của điện ảnh Nhật Bản và “A fantastic woman” của điện ảnh Chile, hai bộ phim từng giành giải Cành cọ vàng 2018 và Oscar phim nước ngoài 2018.

Bà Ngô Phương Lan chia sẻ: “Chúng tôi đã có lời hẹn là sẽ mang đến LHP những bộ phim đỉnh cao của thế giới và chúng tôi đã làm được. Hai chương trình tiêu điểm phim đã tập trung được những bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh Iran và Ba Lan, trong đó có nhiều tác phẩm giành giải Cành cọ vàng, Gấu vàng, Oscar phim nói tiếng nước ngoài…”

Năm nay, LHP cũng thu hút được nhiều nhà làm phim, nhà sản xuất nổi tiếng của điện ảnh thế giới tham gia, như đạo diễn Oguri Kohei (Nhật Bản), nhà thiết kế mỹ thuật Ba Lan Allan Starski, đạo diễn Iran Shahram Morki, nhà sản xuất Hàn Quốc Lee Dong Ha, Giám đốc phim ngắn Jukka Pekka Laakso (Phần Lan)…

Năm nay, số lượng các suất chiếu phim ở các rạp cũng nhiều hơn so với các kỳ liên hoan trước. Khán giả có thể đến lấy vé và thưởng thức phim dự thi, phim Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan và Iran, phim của chương trình Toàn cảnh Điện ảnh thế giới, chương trình phim Việt Nam đương đại. Chỉ riêng phim Việt Nam hiện diện trong tất cả các chương trình của LHP là gần 50 phim. Ngoài xem phim ở các cụm rạp tại Hà Nội gồm BHD Phạm Ngọc Thạch, Tháng Tám, Kim Đồng, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, khán giả còn được thưởng thức ba đêm chiếu phim ngoài trời tại Vườn hoa Lý Thái Tổ.

Ngoài ra, các chương trình song hành cùng LHP như Trại sáng tác và Chợ dự án vẫn được tổ chức tiếp nối thành công từ các kỳ trước, như một sự liên thông để các tài năng trẻ có thể có cơ hội tìm được kết nối và hợp tác với các đối tác.

Đưa LHP thành điểm hẹn điện ảnh của Hà Nội

Đã qua tám năm tròn song hành cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh tổ chức Liên hoan phim, đến nay LHP Quốc tế Hà Nội đang được các nhà tổ chức đưa thành một thương hiệu văn hóa của Thủ đô, nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Hà Nội và tô đậm Hà Nội như một điểm hẹn điện ảnh mới ở Đông Nam Á và xa hơn là châu Á.

Phó Cục trưởng Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa cho biết, LHP Quốc tế Hà Nội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao va Du lịch xây dựng như một thương hiệu của ngành điện ảnh cũng như ngành công nghiệp văn hóa và coi đây như một trọng điểm trong phát triển văn hóa chung của Việt Nam. Đây cũng là một sản phẩm hết sức cụ thể và đặc sắc trong phát triển văn hóa và xây dựng Hà Nội như một điểm đến hấp dẫn, sáng tạo trong du lịch. “Tôi tin rằng trong những ngày tới đây một bữa tiệc tinh thần sẽ được lan tỏa không chỉ trong các cụm rạp mà còn cả ở bên ngoài” - Bà Nguyễn Phương Hòa nói.

Phó Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa nêu lên bốn điểm chính làm nên thương hiệu LHP quốc tế Hà Nội. Đó là số lượng phim và số quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Đây đã là Liên hoan phim lần thứ năm, và con số đến nay đã khác hẳn: Lần đầu tiên có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, đến nay là hơn 40, số lượng phim tăng gần gấp ba lần, phạm vi tuyển chọn phim cũng mở rộng ra toàn thế giới chứ không chỉ trong khu vực như các lần trước.

Thứ 2, LHP còn cho thấy sự đa dạng về văn hóa, thể hiện ở những bộ phim tham gia LHP. Mỗi phim thể hiện một phong cách, một bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi nền điện ảnh.

Thứ 3, LHP đã thể hiện được uy tín và chất lượng, thông qua những thành viên Ban Giám khảo (BGK) đều là những người có tên tuổi của điện ảnh thế giới, cùng với rất nhiều phim có mặt trong LHP từng giành giải cao, mà BTC gọi đó là “những bộ phim vàng”.

Thứ 4, thông qua kỳ LHP này, chúng ta đã phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng trẻ qua dự án Trại sáng tác. Điển hình nhất là thành công của đạo diễn Nguyễn Hoàng ĐIệp, một người tham gia trại sáng tác lần thứ 2, đã giành giải thưởng từ phim của chính trại sáng tác đó. Đó là “Đập cánh giữa không trung”, sau này cũng được Pháp tặng Huân chương. Và sau này, Nguyễn Hoàng Điệp đã trở thành một giảng viên của Trại sáng tác.

Các đạo diễn, nhà làm phim nước ngoài có mặt trong buổi họp báo cũng đã chia sẻ suy nghĩ của mình về điện ảnh Việt Nam trong quá trình hội nhập với điện ảnh khu vực và thế giới. Điều bất ngờ là không ít các đạo diễn đã có quá trình xem, thậm chí theo dõi điện ảnh trong một thời gian không ngắn. Đạo diễn Nhật Bản Oguri Kohei (Trưởng Ban giám khảo phim truyện) cho biết, vào năm 1981, ông đã xem bộ phim Việt Nam đầu tiên trong đời, và từ đó ông rất ấn tượng với điện ảnh Việt Nam. Sau này, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã hợp tác với Nhật Bản làm bộ phim “Thương nhớ đồng quê”. “Và kể từ đó tôi đã rất quan tâm đến điện ảnh Việt Nam” - ông cho biết.

Đạo diễn Ba Lan Jukka - Pekka Laakso (Giám đốc LHP ngắn Taperre, Trưởng Ban giám khảo phim ngắn) cho biết, ông đã xem hàng trăm phim ngắn của Việt Nam và ông rất có ấn tượng với một số phim. Các đạo diễn đều bày tỏ mối quan tâm đến những bộ phim “có thể chạm tới cảm xúc của người xem”, những bộ phim hay làm nên sức hấp dẫn, thậm chí làm nên thương hiệu của một LHP.

“Hà Nội đã lần thứ 5 tổ chức LHP, chúng ta cùng cố gắng để có một LHP tốt đẹp” - đạo diễn Nhật Bản Oguri Kohei nói.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/38057102-lien-hoan-phim-quoc-te-ha-noi-lan-thu-v-2018-diem-hen-dien-anh-cua-ha-noi.html