Liên Hiệp Quốc buộc Anh giao trả quần đảo Chagos

Với đa số áp đảo trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 22-5, các nước thành viên đã buộc nước Anh phải giao trả quần đảo Chagos cho đảo quốc Mauritius. Liệu nước Anh sẽ tuân thủ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hay sẽ lại tìm cách né tránh thực thi?

Lại thêm một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa được thông qua với 116 phiếu thuận, 6 phiếu chống, đặt nước Anh vào thế bị cô lập về mặt ngoại giao quốc tế trong vấn đề chủ quyền của quần đảo Chagos, một chuỗi đảo trên Ấn Độ Dương, trong đó đảo lớn nhất Diego Garcia có diện tích 30 kilômét vuông là nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ trong Ấn Độ Dương. Đây là lần thứ hai Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết bất lợi cho nước Anh về vấn đề quần đảo Chagos.

Tháng 6-2017, Đại hội đồng LHQ cũng từng thông qua nghị quyết với 94 phiếu thuận và 15 phiếu chống, 65 nước bỏ phiếu trắng. Nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng là động thái làm cơ sở yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế ra một phán quyết về chủ quyền quần đảo Chagos.

Các quốc gia bỏ phiếu ủng hộ Anh bao gồm Mỹ, Israel, Hungary, Australia và Maldives. Trong số 56 nước bỏ phiếu trắng lần này có Pháp, Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Romania. So với lần bỏ phiếu năm 2017, số nước bỏ phiếu trắng ít hơn, đồng thời một số quốc gia từng bỏ phiếu trắng đã chuyển sang bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, đặc biệt là một số quốc gia trong EU như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Áo, Ireland.

Đại diện ngoại giao của các nước này cho rằng việc họ chuyển sang ủng hộ Mauritius không phải vì thay đổi lập trường chính trị chống lại Anh mà vì vấn đề quan trọng hơn hiện nay, đó là phi thực dân hóa các vùng lãnh thổ trên thế giới, giao trả chúng lại cho các quốc gia có chủ quyền quản lý.

Quần đảo Chagos vốn thuộc chủ quyền của quốc đảo Mauritius, trước đây là thuộc địa của Hà Lan, đến đầu thế kỷ 19 bị đế quốc Anh dùng vũ lực chiếm đóng và gọi đây là lãnh thổ Anh trong Ấn Độ Dương (BIOT). Năm 1965, tức 3 năm trước khi buộc phải công nhận nền độc lập cho Mauritius, nước Anh đã lợi dụng quyền bảo hộ để chia tách quần đảo Chagos ra khỏi Mauritius, cho nên sau khi Mauritius giành độc lập, Chagos vẫn nằm dưới quyền cai quản của nước Anh.

Các bồn nhiên liệu tại căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Diego Garcia.

Các bồn nhiên liệu tại căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Diego Garcia.

Từ đó, tranh cãi giữa Anh và Mauritius xoay quanh vấn đề quẩn đảo Chagos ngày càng trở nên gay gắt do người Anh luôn viện mọi lý do, lý lẽ theo phía mình để trì hoãn giao trả quần đảo Chagos. Mặc dù Chính phủ Anh thời điểm đó đã trả cho Chính phủ Mauritius khoản tiền trị giá 4 triệu bảng nhưng Port Louis khẳng định hành động của nước Anh tách Chagos ra khỏi Mauritius để tiếp tục chiếm đóng đã vi phạm Nghị quyết 1514 của LHQ thông qua vào năm 1960, trong đó nghiêm cấm chia tách các thuộc địa trước khi trao trả độc lập cho họ.

Chưa hết, sau khi Mauritius giành độc lập, phần lớn người dân sống trên quần đảo Chagos, chủ yếu là người ở đảo Diego Garcia, bị di dời khỏi quê hương mình để lấy hòn đảo cho nước Mỹ thuê lập căn cứ quân sự vào năm 1971.

Nước Anh từng hứa sẽ trao trả quần đảo Chagos cho Mauritius nhưng không đưa ra ngày tháng cụ thể nào. Năm 2015, Mauritius đã kiện Anh ra Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye và Tòa ra phán quyết nước Anh đã sử dụng những thủ đoạn phi pháp để chiếm đóng và sau đó là duy trì sự kiểm soát quần đảo Chagos.

Sau nghị quyết của Đại hội đồng LHQ tháng 6-2017, vụ việc tiếp tục được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) để thực hiện bước tham vấn trước khi có những động thái tiếp theo.

Đến tháng 2-2019, ICJ đã ban hành ý kiến tư vấn, trong đó kêu gọi nước Anh từ bỏ việc kiểm soát quần đảo Chagos. Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 22-5 vừa qua là bước tiếp theo trong lộ trình nhằm buộc nước Anh trao trả quần đảo Chagos cho Mauritius, với thời hạn đặt ra là 6 tháng để Anh rút khỏi quần đảo Chagos.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao tại LHQ cho rằng do nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không có tính ràng buộc pháp lý, cũng không có tác động mang tính cưỡng chế thực hiện, cho nên họ không chắc Chính phủ Anh sẽ nghiêm túc thực hiện.

Mặc dù vậy, Nghị quyết với tỉ lệ phiếu áp đảo tại Đại hội đồng LHQ cũng đã và sẽ tạo ra những tổn thất về mặt chính trị, ngoại giao cho nước Anh trên trường quốc tế. Trước hết, sự ủng hộ dành cho nước Anh đã giảm mạnh kể từ lần bỏ phiếu năm 2017, đồng thời nó cũng khiến nhiều nước đặt lại vấn đề về tư cách ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an của nước Anh.

Cách đây 2 năm, vụ việc quần đảo Chagos đã khiến nước Anh bị mất ghế thành viên ICJ. Giờ đây, Mauritius tiếp tục chuẩn bị đề nghị xem xét tư cách ủy viên Ủy ban Cá hồi đại dương Ấn Độ Dương.

Do vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của đảo Diego Garcia, Mỹ đã hết lòng ủng hộ và hậu thuẫn nước Anh trong cuộc đấu chủ quyền với Mauritius. Washington đã vận động quyết liệt tại diễn đàn LHQ cũng như trong các cuộc hội đàm, thương thảo song phương với nhiều quốc gia thành viên LHQ để giúp Anh biện hộ cho việc chiếm đóng quần đảo Chagos.

Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ đã cho thấy chiến dịch vận động của cả Mỹ và Anh đều thất bại. Các lý lẽ được đưa ra trong thảo luận, như việc Anh duy trì kiểm soát quần đảo Chagos và cho Mỹ thuê căn cứ Diego Garcia vì lợi ích an ninh chung của khu vực đã không thể đứng vững trước các chứng lý từ phía ngược lại, trong đó quan trọng nhất là việc Mỹ từng 2 lần sử dụng căn cứ Diego Garcia làm điểm luân chuyển tù nhân đầy tai tiếng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu hậu 11-9.

Trương Hùng (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/lien-hiep-quoc-buoc-anh-giao-tra-quan-dao-chagos-547069/