Liêm chính và quốc nạn tham nhũng

Giải pháp bền vững nhất, hiệu quả nhất để phòng chống tham nhũng, hạn chế tham nhũng là mỗi chúng ta hãy sống liêm chính hơn.

Cứ ba thanh niên Việt Nam thì có một người không ngần ngại thực hiện hành vi tham nhũng vì lợi ích của bản thân hoặc gia đình, mặc dù họ vẫn mong muốn được sống trong một xã hội liêm chính và hiểu rằng tham nhũng có hại cho thế hệ mình, cho nền kinh tế cũng như sự phát triển của Việt Nam.

Đó là những nhận định, đánh giá từ cuộc Khảo sát về Liêm chính trong Thanh niên Việt Nam 2019 (YIS 2019) được thực hiện bởi Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT). Cuộc khảo sát được thực hiện với 1.175 thanh niên (độ tuổi 15-30) và một nhóm kiểm chứng gồm 465 người lớn tuổi (độ tuổi 31-55) thuộc 12 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cũng theo khảo sát, mức độ tham nhũng vặt mà thanh niên trải nghiệm khi tiếp cận các dịch vụ công cơ bản lại tăng lên đáng kể trong năm 2018. Cụ thể, 57% thanh niên tiếp xúc với cảnh sát năm 2018 có trải nghiệm với tham nhũng so với 34% năm 2014; 40% thanh niên khi đi xin giấy tờ hay giấy phép có trải nghiệm với tham nhũng so với 19% của năm 2014, nghĩa là cứ năm người thì có hai người phải hối lộ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Liên quan đến dịch vụ y tế công, cứ hai thanh niên tiếp cận dịch vụ thì có một người phải hối lộ để được cấp phát thuốc tốt hơn hoặc chăm sóc y tế tốt hơn cho bản thân hoặc gia đình. Đặc biệt, thanh niên có mức sống thấp hơn lại thường phải đối mặt với tham nhũng nhiều hơn. Hoặc cứ hai thanh niên thì có một người sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng để được nhận vào học ở trường tốt hoặc nơi làm việc tốt.

Trong nhóm đối tương khảo sát, nhiều thanh niên Việt Nam tham gia vào hành vi tham nhũng và cố tìm cách biện minh cho hành động đó. Ví dụ, hơn một nửa số thanh niên được khảo sát (khoảng 52%) có suy nghĩ rằng người liêm chính vẫn có thể nói dối hoặc gian lận, nếu điều đó giúp họ giải quyết được khó khăn cho bản thân và gia đình. Hoặc là, việc nói dối, gian lận, vi phạm pháp luật và tham nhũng mang lại nhiều cơ hội thành công hơn trong cuộc sống.

Đáng chú ý hơn, có sự sụt giảm đáng kể số lượng thanh niên coi các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nhân, giới truyền thông và người nổi tiếng là những tấm gương liêm chính trong năm 2019. Ví dụ, năm 2011 các "lãnh đạo chính trị" từng được 74% thanh niên coi là tấm gương về liêm chính, nhưng con số đó đã giảm xuống 61% năm 2018.

Những con số trên cho thấy mức độ sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng của nhóm thanh niên được khảo sát tăng lên và những cam kết chống tham nhũng của thanh niên đang bị suy giảm hiện nay.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên của Quốc hội cho rằng: "Gần hai thập kỷ phát triển nhanh về kinh tế đã đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, sự tích lũy của cải dường như không đi cùng tích lũy những giá trị cốt lõi là minh bạch và liêm chính. Giá trị liêm chính dường như bị thiếu hụt và mong manh, không theo kịp với thành tựu phát triển kinh tế của đất nước".

Ông Nguyễn Quốc Văn - Viện trưởng, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ bày tỏ sự trăn trở với những giải pháp làm thế nào để hạn chế được tham nhũng. Tham nhũng chính là sự suy giảm về liêm chính. Nạn tham nhũng vặt hiện nay đang tràn lan. Cả người đưa hối lộ lẫn người nhận hối lộ đều là tham nhũng.

Theo ông Văn, người Việt Nam hiện nay không ai dám tuyên bố mình không phải là chủ thể hoặc nạn nhân của tham nhũng vặt cả. Từ tham nhũng vặt cho đến việc xâm hại đánh cắp hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước đều xâm phạm giá trị liêm chính.

Trong bôi cảnh đó, tổ chức Hướng tới Minh bạch đã nêu ra một số khuyến nghị cho nỗ lực phòng chống tham nhũng. Đầu tiên là cần xây dựng hệ thống tố cáo an toàn và hiệu quả để thanh niên có thể tố cáo tham nhũng và các hành vi phi đạo đức mà không lo sợ bị trả thù. Đồng thời, ưu tiên những nỗ lực cải thiện các dịch vụ công cơ bản mà thanh niên có khả năng thường xuyên gặp tham nhũng như cảnh sát giao thông, y tế, giáo dục...

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan cần đổi mới phương pháp giảng dạy về liêm chính với mục tiêu truyền cảm hứng cho thanh niên học về liêm chính và thay đổi thái độ, tư duy về tham nhũng. Đặc biệt, cần có các hoạt động để giảm tình trạng gian lận trong nhà trường, chẳng hạn như tạo các diễn đàn để khuyến khích thanh niên đưa ra cam kết cá nhân không gian lận.

Tuy nhiên, giải pháp chống tham nhũng bền vữnng nhất, hiệu quả nhất chính được ông Nguyễn Quốc Văn nêu lên từ câu chuyện động đất sóng thần năm 2011 của người Nhật Bản. Khi đó, trên vùng đất xơ xác sau trận động đất chỉ còn lại những con người sống bơ vơ đói khát nhưng họ vẫn kiên nhẫn đứng xếp hàng lấy bánh mỳ từ tổ chức cứu trợ. Ông nói: “Ở nơi đó, không có pháp luật, không có sự giám sát quyền lực, không có báo chí nhưng sao họ có nhân cách vĩ đại thế”. Và ông tự trả lời: “Đó chính là sự liêm chính”.

Vì vậy, giải pháp bền vững nhất, hiệu quả nhất để phòng chống tham nhũng, hạn chế tham nhũng là mỗi chúng ta hãy sống liêm chính hơn.

Lan Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/liem-chinh-va-quoc-nan-tham-nhung-566956.html