Liêm chính trong khoa học

Tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ vào đầu tháng 3-2018, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết:

“Vừa qua, khi có danh sách 1.226 người được công nhận Phó Giáo sư và Giáo sư, Thủ tướng đã chỉ đạo Hội đồng chức danh rà soát lại danh sách này. Hôm nay Bộ GD-ĐT đã có báo cáo bước đầu, trong đó có 94 ứng viên bị phản ánh chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn như thiếu giờ giảng, thiếu bài báo nghiên cứu khoa học. Hội đồng phải tiếp tục rà soát nghiêm túc. Ngay cả giáo sư có báo cáo giảng dạy thì giảng ở đâu, lúc nào, có hợp đồng giảng dạy không? Ngoại ngữ đạt trình độ nào, có giao tiếp được không? Thủ tướng biết hết. Thủ tướng yêu cầu tới đây tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Bộ GD-ĐT phải báo cáo cụ thể vấn đề này".

Người đứng đầu Chính phủ đã tỏ tường mọi chuyện, nghĩa là chất lượng Phó Giáo sư và Giáo sư ở nước ta đã đến mức báo động. Không ai dám bảo đảm không có khuất tất hoặc không có thương lượng gì xung quanh những hồ sơ xin xét tặng học hàm Phó Giáo sư hoặc Giáo sư, từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương. Một trong những nguyên nhân để uy tín học thuật từ những danh hiệu Phó Giáo sư hoặc Giáo sư bị xuống thấp, chính là sự liêm chính trong nghiên cứu khoa học. Tình trạng sao chép đề tài và sao chép công trình lẫn nhau cứ diễn ra nhan nhản, người ta mặc định như một khuyết tật cố hữu của nền học thuật nước nhà.

Một trong những trường hợp vừa được công nhận Phó Giáo sư là TS. Đặng Công Tráng, Trưởng khoa luật Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, ngay lập tức bị phát hiện có hành vi gian dối trong công trình nghiên cứu khoa học mang tên "Hoàn thiện quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp ở Việt Nam". Đề tài này do TS. Đặng Công Tráng thực hiện cùng TS. Vũ Thế Hoài và Th.S Nguyễn Thị Hải Vân không chỉ vi phạm về sở hữu trí tuệ mà còn vi phạm về đạo đức nhà giáo.

Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước trong một kỳ họp - Ảnh: HĐCDGSNN

Cụ thể, công trình "Hoàn thiện quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp ở Việt Nam" của nhóm TS. Đặng Công Tráng sao chép gần như hoàn toàn luận văn thạc sĩ luật học "Hoàn thiện pháp luật về bán hàng đa cấp tại Việt Nam theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới", chuyên ngành Luật kinh tế, khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2014, của tác giả Vũ Văn Tú, do TS. Vũ Quang hướng dẫn. Ngoài ra, công trình của nhóm TS. Đặng Công Tráng còn sao chép nguyên văn 2 bài viết khác của Th.S Lê Văn Sua và Th.S Lê Bí Bo.

Cái gọi là “trích dẫn” trong nghiên cứu khoa học đã và đang trở thành “lá chắn” cho hành vi đạo văn. Đã là Tiến sĩ hoặc Giáo sư, viết một câu giống người khác cũng phải cảm thấy xấu hổ, chứ đừng nói đến thao tác “cắt” và “dán” một cách láu cá và ngây ngô.

TÂM HUYỀN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/liem-chinh-trong-khoa-hoc-54884.html