Liêm chính bắt đầu từ doanh nghiệp

'Tôi đề nghị với các doanh nghiệp tư nhân nước ta nói không với việc đưa hối lộ cho các cấp, các ngành mà người ta gọi là một phần kinh phí, chi phí không chính thức'. Lời kêu gọi này của Thủ tướng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 18/11 thực ra không mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thực tế, đây là phương châm xuyên suốt khi ngay từ đầu nhiệm kỳ Thủ tướng đã phát đi tuyên ngôn chính trị xây dựng Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ”.

Trước đó, phát biểu tại lễ phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” hôm 7/11, Thủ tướng đã gợi ý cho các doanh nghiệp những yếu tố cốt lõi để xây dựng văn hóa doanh nghiệp như: không trốn thuế, chuyển giá, nói không với đưa hối lộ, lãng phí…

Thực ra, chắc chắn không có một doanh nghiệp nào muốn đưa hối lộ. Bởi nói gì thì nói, ngoài việc ảnh hưởng tới văn hóa, liêm sỉ, thì đưa hối lộ còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực đầu tư, giá thành sản phẩm và sự bền vững của thương hiệu. Một khi việc đưa hối lộ bị lộ, thì có lẽ bên chịu thiệt thòi lâu dài nhất vẫn là doanh nghiệp.

Nhưng khổ nỗi, dường như tâm lý “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã ăn sâu vào não trạng và văn hóa. Thậm chí có những sự thực trong “tháp ngà tư pháp”, nơi đến nữ thần công lý cũng phải bịt mắt, thì vẫn có câu thành ngữ cho thấy điều trái ngược: “nén bạc đâm toạc tờ giấy”.

Còn hiện nay, việc đưa hối lộ, cay đắng thay, lại trở thành một… nét văn hóa. Ai cũng hiểu đưa hối lộ là xấu, là không nên, là ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp, nhưng dường như không ai không phải làm nếu muốn yên ổn làm ăn, kinh doanh. Thậm chí như một bị cáo trong một đại án mới được đưa ra xét xử gần đây còn nói: “Được đến thăm, biếu quà cho lãnh đạo đã là điều may mắn”.

Cái “gọi là văn hóa” ấy thực sự còn được đẩy mạnh khi kinh tế thị trường được đẩy mạnh trong môi trường kinh tế chưa thể thoát thai khỏi bao cấp, tập trung, chỉ huy. Quan hệ thân hữu trong kinh tế nói riêng và xã hội nói chung khiến cho hối lộ khó có thể bị chặt đứt một sớm một chiều. Nguyên tắc “hòn đất ném đi hòn chì ném lại” len lỏi vào cả những lĩnh vực lẽ ra cần sự minh bạch, công khai.

Nhưng như đã khẳng định, thực ra chẳng có ai, chẳng có doanh nghiệp nào muốn đưa hối lộ. Vậy chỉ có một lý do duy nhất là những người nhận hối lộ rất thích… được hối hộ.

Thủ tướng đã có những phát biểu thể hiện quyết tâm rất cao như: loại khỏi bộ máy những người chống lại cải cách; áp dụng tiêu chuẩn OECD để cắt bỏ các điều kiện kinh doanh vô lý, vi hiến. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng chỉ cần hai điều này thôi thì vấn đề liêm chính của bộ máy hành chính đã cơ bản được giải quyết.

Đại Dương

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/liem-chinh-bat-dau-tu-doanh-nghiep-120727.html