'Lịch sử Quốc hội chưa từng có tiền lệ đại biểu mang 2 quốc tịch'

Theo ông Đinh Xuân Thảo, lịch sử Quốc hội chưa từng có việc đại biểu mang hai quốc tịch. Kể cả Việt kiều khi làm đại biểu cũng chỉ giữ quốc tịch Việt Nam.

Trao đổi với Zing, ông Đinh Xuân Thảo (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp) cho rằng trường hợp đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP.HCM) có quốc tịch Cyprus tương tự bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường hồi năm 2016. Khi đó, bà Hường đã bị bác tư cách đại biểu Quốc hội.

Theo ông Thảo, đại biểu Phạm Phú Quốc đã không trung thực trong kê khai hồ sơ. Nếu đúng là năm 2018 (hai năm sau ứng cử đại biểu Quốc hội), ông Quốc mới nhập quốc tịch Cyprus, thì việc một đại biểu đương nhiệm nhập quốc tịch khác vẫn phải được báo cáo các cơ quan của Quốc hội.

“Nếu đại biểu báo cáo, việc này chắc chắn không được chấp thuận”, ông Thảo nói.

 Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo. Ảnh: quochoi.vn.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo. Ảnh: quochoi.vn.

Ông Thảo khẳng định lịch sử Quốc hội Việt Nam chưa từng có tiền lệ đại biểu Quốc hội mang 2 quốc tịch.

“Ngay cả những Việt kiều về nước tham gia Quốc hội như ông Nguyễn Ngọc Trân (đại biểu Quốc hội 3 khóa IX, X, XII, thuộc đoàn đại biểu An Giang), hay ông Trần Hà Anh (Quảng Bình) khi làm đại biểu Quốc hội, đều chỉ lấy một quốc tịch Việt Nam chứ không có chuyện có hai quốc tịch”, ông Thảo dẫn chứng.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết đại biểu Quốc hội còn phải chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ công chức. Trong đó, một điều kiện bắt buộc là chỉ mang quốc tịch Việt Nam.

Vì thế, việc đại biểu Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch Cyprus khi đương nhiệm là không đúng quy định.

“Là đảng viên và cán bộ, công chức thì chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”, ông Thảo nói.

Đại biểu Phạm Phú Quốc nói ông có quốc tịch Syprus do gia đình bảo lãnh. Ảnh: quochoi.vn.

Phân tích thêm về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định Luật Quốc tịch Việt Nam không cho phép công dân sở tại mang hai quốc tịch, trừ một số trường hợp đặc biệt như: Người được Chủ tịch nước cho phép; người xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam…

Với đại biểu được xác định gian dối, không còn đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội nhưng không xin thôi thì có thể bị bãi nhiệm theo quy định tại Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014.

Cùng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định nếu kết quả xác minh cho thấy đại biểu Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus từ năm 2018 thì chứng tỏ vị này đã khai báo gian dối với Quốc hội.

Hoài Thu - Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lich-su-quoc-hoi-chua-tung-co-tien-le-dai-bieu-mang-2-quoc-tich-post1124432.html