Lịch sử phải chính xác

Sau khi Hải Phòng xây dựng một khu di tích tại Tràng Kênh, huyện Thủy Nguyên, trong đó có dựng mô hình bãi cọc trận đánh Bạch Đằng năm 1288 và giới thiệu đây chính là nơi có trận địa cọc 1288 tiêu diệt quân Nguyên Mông thì dấy lên những cuộc tranh luận, phản biện về vấn đề này, bởi lâu nay chỉ có những bãi cọc cổ được tìm thấy bên Quảng Yên, Quảng Ninh.

 Các chuyên gia Nhật Bản và Viện khảo cổ học khai quật Bãi cọc Đồng Má Ngựa năm 2009. Ảnh: NGÔ ĐÌNH DŨNG

Các chuyên gia Nhật Bản và Viện khảo cổ học khai quật Bãi cọc Đồng Má Ngựa năm 2009. Ảnh: NGÔ ĐÌNH DŨNG

Dư luận cho rằng, lịch sử thì phải chính xác, chứ không thể vì mục tiêu thu hút du khách mà bịa, suy đoán thiếu căn cứ khoa học, thực tiễn…

Chưa tìm thấy bãi cọc cổ nào bên Hải Phòng

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân Đại Việt không chỉ phá vỡ hoàn toàn âm mưu xâm lược Đại Việt, mà còn chặn đứng đường tiến công chinh phục Châu Á của đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Trận chiến Bạch Đằng 1288 được coi là một trong những trận thủy chiến vĩ đại nhất của lịch sử chiến tranh thế giới.

Trận thủy chiến đó kéo dài suốt 20km trên sông Bạch Đằng, với các thế trận mai phục được bố trí ở nhiều vị trí - mà hiện nay thuộc về cả Hải Phòng và Quảng Ninh, nhằm đưa quân địch vào bãi cọc ngầm ở cửa sông Bạch Đằng.

Qua hàng chục cuộc khảo sát, thám sát, khai quật khảo cổ học và các cuộc hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước suốt từ năm 1958 đến nay, các bãi cọc cổ của trận đánh 1288 chỉ được tìm thấy ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Đó là các bãi cọc cổ: Yên Giang, Đồng Má Ngựa, Đồng Vạn Muối với tổng cộng trên 800 cọc cổ nằm sâu dưới bùn.

Đại Việt sử ký toàn thư cũng như sơ đồ trận thủy chiến 1288 đều ghi nhận trận đánh diễn ra ở Yên Hưng, nay là Quảng Yên.

Theo “nhà Quảng Yên học” Lê Đồng Sơn - nguyên Trưởng phòng Văn hóa thị xã Quảng Yên - các đoàn khảo sát đã tìm kiếm sang cả địa phận của Hải Phòng nhưng cũng không tìm thấy bãi cọc nào. Về 2 chiếc cọc cổ đang được trưng bày tại Khu di tích Bạch Đằng giang ở Tràng Kênh, huyện Thủy Nguyên, ông Sơn cho biết, là “xin” từ bãi cọc cổ Yên Giang của Quảng Yên.

Ông Ngô Đình Dũng - Phó phòng Văn hóa - Thể thao thị xã Quảng Yên - người từng trực tiếp tham gia 5 cuộc thám sát, khai quật trận địa cọc cổ Bạch Đằng - cho biết, các nhà khảo cổ học Nhật, Mỹ, Anh, Australia đã dùng các thiết bị viễn thám, siêu âm ngầm để khảo sát hết sông Bạch Đằng (dài khoảng 20km, bắt đầu từ sông Giá, sông Đá Bạc thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đến Quảng Yên), ra cả Vân Đồn - nơi đoàn thuyền của quân địch bị đốt cháy - nhưng cũng chỉ tìm thấy những bãi cọc cổ ở Quảng Yên.

Không thể tùy tiện với lịch sử

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á - trong trận thủy chiến 1288, vị trí nơi đặt Di tích Bạch Đằng giang tại Tràng Kênh, Hải Phòng hiện nay chỉ là nơi quân Đại Việt ém quân, chứ không phải nơi Trần Hưng Đạo đặt thế trận cọc và càng không phải là trận cọc chính góp phần đánh tan quân Nguyên Mông.

Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - cũng cho rằng, không có chuyện quân Đại Việt cắm thế trận cọc ở vị trí Di tích Bạch Đằng Giang hiện nay.

“Trận Bạch Đằng 1288 đã đi vào thơ ca: “Bạch Đằng Giang là sông cửa ải. Tổng Hà Nam là bãi chiến trường”. Tổng Hà Nam nằm ở Quảng Yên hiện nay là nơi diễn ra trận đánh chính. Bãi cọc quyết định thắng lợi là nằm ở cửa sông Chanh. Trần Hưng Đạo cho đặt thế trận cọc ở phía Quảng Yên bởi có vị trí tối kỵ hiểm yếu do thủy triều tạo nên, với biên độ chênh nhau khi thủy triều lên xuống khoảng 4m. Nhờ đó, khi nước thủy triều lên, có thể giấu được thế trận cọc, nhưng khi nước xuống cạn, cọc có thể nhô cao lên 2m, cản các chiến thuyền của đích thoát ra biển và quân Đại Việt dùng hỏa công tiêu diệt quân địch tại đây” - ông Ngọc phân tích.

Theo giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, để bảo đảm cho thế trận bao vây địch thật hoàn chỉnh, ngoài việc dựa vào địa thế thiên nhiên hiểm yếu và lợi dụng ghềnh Cốc như một chướng ngại tự nhiên, Trần Hưng Đạo còn xây dựng ở các cửa sông những trận địa cọc vững vàng, quy mô lớn. Một bộ phận thủy quân mạnh lợi dụng ghềnh Cốc và các bãi cọc nhọn được bố trí ở cửa sông Chanh, sông Kênh, sông Rút làm nhiệm vụ chặn đầu, bịt kín mọi đường địch có thể chạy ra biển. Một bộ phận khác giấu quân trong các nhánh sông đổ ra thượng lưu sông Bạch Đằng và hạ lưu sông Đá Bạc làm nhiệm vụ khóa đuôi, dồn cả đoàn thuyền của địch vào trận địa quyết chiến - là những bãi cọc cổ đã được tìm thấy ở Quảng Yên.

Trong khi đó ông Lê Đồng Sơn cho rằng, lịch sử từ lâu đã rất rõ ràng về trận địa cọc chỉ nằm bên Quảng Yên, việc du khách đến Khu di tích Bạch Đằng Giang ở Tràng Kênh được giới thiệu nơi bãi cọc mô hình chính là một trong những trận địa cọc cổ sẽ khiến dư luận hoang mang, hiểu nhầm về lịch sử. “Hơn nữa, khu “Di tích Bạch Đằng Giang” nằm bên cuối sông Đá Bạc chứ không phải cửa sông Bạch Đằng như nhiều thông tin đã nêu. Các sử cũ đều ghi “sông Bạch Đằng do sông Giá và sông Đá Bạc hợp lại mà thành” đổ ra biển bằng hai cửa, cửa Bạch Đằng (Nam Triệu) và cửa Lạch Huyện (bến Gót)” - ông Sơn chia sẻ.

Chia sẻ với Lao Động, một số du khách cho rằng, chỉ những bãi cọc thì không thể làm nên chiến thắng Bạch Đằng 1288, bởi thế trận thiên la địa võng bố trí khắp nơi - cả ở Hải Phòng và Quảng Ninh - mới dồn quân địch vào tử huyệt. Tuy nhiên, lịch sử phải chân thật, chính xác. “Lâu nay chúng tôi chỉ biết trận cọc nằm bên Quảng Ninh, giờ lại thấy có thêm bên Hải Phòng. Có lẽ giới chuyên môn cần có một tiếng nói chính thức làm sáng tỏ về vấn đề này” - ông Trần Đức Trường (Hà Nội) đề nghị.

NGUYỄN HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/lich-su-phai-chinh-xac-730124.ldo