Lịch sử lặp lại như Sochi 2014 trước thềm World Cup 2018

Nhà hoạt động chính trị Hà Lan chỉ điểm cuộc điều tra MH17 không xác đáng.

Sputnik mới đây đăng tải cuộc phỏng vấn 2 nhà hoạt động chính trị người Hà Lan là Anneke de Laaf và nhà báo Joost Niemoller bình luận về kết quả điều tra vụ tai nạn máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia do đội điều tra chung quốc tế (JIT) công bố.

JIT công bố điều tra vẫn nhiều điểm mâu thuẫn.

Theo đó, nhà hoạt động chính trị người Hà Lan, Anneke de Laaf vốn đã theo dõi cuộc điều tra này từ năm 2014 đã cho rằng, bằng chứng mới được JIT công bố không phải là những bằng chứng "xác đáng và quan trọng".

Buồng đốt tên lửa nguyên vẹn sau khi va chạm với máy bay?

Nhà hoạt động chính trị và nhà báo Hà Lan đã cùng đồng ý với việc các bằng chứng được JIT công bố có nhiều điểm khó hiểu.

Theo đó, nhà báo Joost cho rằng, các bộ phận của tổ hợp BUK vừa được JIT công bố đều nguyên vẹn. Trong khi nếu như tên lửa thực sự đã va chạm cực mạnh với một máy bay, buồng đốt của tên lửa phải bị hư hại nặng hơn, thay vì còn nguyên vẹn khi được trưng ra trong buổi công bố mới đây của JIT.

Ngoài ra, vị trí mà JIT phát hiện ra những bằng chứng về tên lửa nói trên lại không được miêu tả rõ ràng. Công bố của JIT chỉ nói rằng, họ đã phát hiện các mảnh vỡ tên lửa BUK ở một nơi thuộc Đông Ukraine.

Vị trí mơ hồ này càng khiến các công bố bằng chứng rồi cáo buộc của JIT trở nên thiếu sức thuyết phục.

Buồng đốt tên lửa nguyên vẹn sau va chạm với máy bay MH17?

Còn nhà hoạt động chính trị Anneke thì chú ý tới chi tiết JIT phát hiện ra các bộ phận của tổ hợp BUK gần nơi được cho là đặt bệ phóng.

Điều này chẳng có gì bất thường khi cả hai nước Nga và Ukraine đều đã sử dụng BUK.

"Thông qua các đoạn video, JIT muốn mọi người tin rằng Nga đã di chuyển những tổ hợp BUK đi loanh quanh trong khu vực, rồi sau đó bí mật trao một trong 4 bộ phận của BUK cho mấy tay lính phiến quân Ukraine nghiệp dư (điều kì lạ là vệ tinh của Mỹ lại không thể phát hiện ra)..." - bà Anneke nói.

Tấm hình duy nhất chụp được bức ảnh tổ hợp BUK xuất hiện trên đất Ukraine lại được đưa ra bởi Tổ chức điều tra phi chính phủ của Anh - Bellingcat. Bằng chứng này và các thông tin chưa đủ xác thực đang khiến vụ điều tra tai nạn MH17 đi theo hướng chính trị hóa khi quan hệ Nga và Anh đang căng thẳng từ sau cuộc đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal.

Nhà hoạt động chính trị cũng cho rằng, Nga không có động cơ để giao bất cứ bộ phận nào thuộc tổ hợp BUK (bao gồm xe chỉ huy, xe radar, hệ thống chỉ dẫn và hệ thống tên lửa) cho lực lượng phiến quân ở miền Đông Ukraine.

"Nga không có động cơ để thực hiện điều đó" - bà Anneke nói với Sputnik.

Bên cạnh đó, nhà hoạt động chính trị Hà Lan còn cho hay, ban đầu, chính phủ Hà Lan đã từ chối bảo vệ hiện trường vụ tai nạn. Như vậy, quy trình điều tra của JIT sẽ không còn đúng quy tắc.

Đặc biệt là với hiện trường mở, những kẻ có ý đồ mờ ám có thể lợi dụng cơ hội để ngụy tạo bằng chứng.

Châu Âu muốn biến World Cup 2018 thành "Sochi 2014 thứ hai"?

Thời điểm công bố cuộc điều tra của JIT cũng được Sputnik chú ý là gần với sự kiện Giải bóng đá vô địch thế giới 2018.

Theo nhà hoạt động chính trị Hà Lan - Anneke de Laaf, JIT đã không hề chọn thời điểm ngẫu nhiên để công bố kết quả điều tra.

Một chi tiết là chỉ có các nước Hà Lan và Australia đã lên tiếng quy trách nhiệm cho Nga, yêu cầu Nga phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Trong khi hãng hàng không Malaysia Airlines cũng như Malaysia không lên tiếng sau công bố kết quả điều tra này.

Theo bà Anneke, rất có thể các nước này sẽ tiến hành bước tiếp theo là triệu tập đại sứ Nga, và kêu gọi công dân nước họ tẩy chay World Cup 2018 sắp được khai mạc ở Nga.

Kịch bản này cũng dễ hiểu khi trong vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal trước đó, giữa lúc quan hệ ngoại giao Nga-Anh căng thẳng, London đã phát đi tuyên bố tẩy chay Giải bóng đá lớn nhất hành tinh này.

Hồi giữa tháng 3, chính phủ Anh tuyên bố, không thành viên Hoàng gia hay bộ trưởng nào của nước này tham dự World Cup 2018 diễn ra tại Nga từ 14/6- 15/7.

Ảnh biếm họa World Cup Nga bị tẩy chay

Nối gót Anh, Iceland, Thụy Điển, Đan Mạch, Australia và Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ có động thái tương tự để gây sức ép với Nga.

"Ngày tưởng nhớ các nạn nhân vụ tai nạn máy bay MH17 là ngày 17/7, nếu như JIT công bố kết quả điều tra vào ngày đó thì sẽ có ý nghĩa hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu đợi đến lúc đó thì World Cup đã kết thúc rồi. Tôi không nghĩ đây là chuyện trùng hợp" - bà Anneke nhận định.

Theo nhà hoạt động chính trị Hà Lan, bà đã từng chứng kiến việc Nga bị "đối xử" bằng cách tẩy chay như vậy và cho rằng, lịch sử đang lặp lại với Nga sau kỳ Thế vận hội mùa đông Sochi 2014.

Theo công bố kết quả điều tra của nhóm JIT, tên lửa Buk bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 thuộc Lữ đoàn tên lửa phòng không 53 của Quân đội Nga đóng ở khu vực Kursk (thuộc lãnh thổ Nga). Kết luận này được đưa ra dựa trên phân tích hình ảnh video.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga chính thức bác bỏ mọi cáo buộc từ phía Ukraine cho rằng quân đội Nga có liên quan tới sự vụ và đã đưa bằng chứng xác thực cho đội điều tra Hà Lan. Bộ này khẳng định trong khuôn khổ hợp tác với các cơ quan hành luật Hà Lan, phía Nga không được tham gia điều tra chung và đã cung cấp bằng chứng xác đáng... bao gồm cả các cuộc thực nghiệm cho thấy rõ sự tham gia của các hệ thống BUK thuộc về Ukraine trong vụ bắn hạ máy bay chở khách Boeing từ Hà Lan trên bầu trời Ukraine.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/lich-su-lap-lai-nhu-sochi-2014-truoc-them-world-cup-2018-3358969/