Lịch sử không quên…

Một trăm năm Pháp thuộc đã để lại dấu ấn trong nhiều địa danh trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Nhưng trong khi rất nhiều địa danh khác không còn mấy ai nhớ đến nữa, thì ở Thủ đô vẫn đang tồn tại ít nhất 4 cái tên 'Tây' được sử dụng hàng ngày. Đó là bệnh viện Saint Paul (Xanh Pôn), phố Yersin (Yec Xanh), vườn hoa Pasteur và dốc Laforge (La Pho).

Phố Yec Xanh nằm tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), đặt theo tên một bác sĩ người Pháp, ông Alexandre Émile Jean Yersin (1863 - 1943). Ông là người đã tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch và có công lao rất lớn đối với nền Y học Việt Nam với tư cách là người thành lập và cũng là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương (tiền thân của Đại học Y Hà Nội). Không chỉ là một bác sĩ, Yersin còn là một nhà thám hiểm lỗi lạc, đã khám phá Cao nguyên Lâm Viên và vạch ra con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên… Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh hiện nay đều có những con đường được đặt theo tên ông như một sự ghi ơn.

Vườn hoa Pasteur nằm ngay trên đường Yersin tại Hà Nội. Dù không trực tiếp gắn bó cuộc đời mình với Việt Nam, nhưng Louis Pasteur người được coi là cha đẻ của ngành vi sinh vật học, một trong những nhà bác học có cống hiến to lớn nhất cho nhân loại. Những nghiên cứu về vi sinh vật, vi trùng của ông đã đặt cơ sở nền tảng cho hàng loạt công trình khoa học khác về vi trùng. Ông đã tìm được vắcxin để chủng ngừa các bệnh bệnh dịch tả gà, bệnh than và đặc biệt là bệnh chó dại. Ngày 14/11/1888, Viện Pasteur đầu tiên đã được thành lập tại Paris, chuyên nghiên cứu và chế tạo vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm. Sau đó, các viện Pasteur lần lượt ra đời ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Dốc Laforge dài khoảng 300m nối từ đường Hoàng Hoa Thám xuống đường Thụy Khuê, thuộc địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội được đặt tên theo vị Giám đốc đầu tiên của vườn ươm cây thuộc Công viên Bách Thảo, người đã có công lớn trong việc phát triển các loại cây xanh đô thị cho Hà Nội cũng như “nội địa hóa” nhiều loại cây trồng du nhập từ xứ lạnh vào Việt Nam. Sau này, người dân đọc chệch ra thành La Pho. Dù trong hệ thống hành chính thức của Hà Nội hiện nay, dường như tên gọi này đã không còn tồn tại, nhưng nó vẫn đang được người dân sử dụng rất phổ biến.

Bệnh viện Saint Paul (trong tiếng Pháp, Saint Paul nghĩa là Thánh Phaolô), được xây dựng từ thời Pháp thuộc (cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20) vốn là một nhà thương Công giáo, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội. Chính giữa sân bệnh viện cho đến nay vẫn còn đó bức tượng Thánh Phaolô, như một chứng nhân lịch sử về cái tên và nguồn gốc của bệnh viện…

Trải bao biến cố thăng trầm, lịch sử vẫn luôn công tâm là thế. Những người có công luôn được ghi công!

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/lich-su-khong-quen-102510.html