Lịch sử hình thành và phát triển Liên hiệp Hữu nghị (phần 2)

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975): Hoạt động động đối ngoại nhân dân phát triển mạnh mẽ.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954). Ở miền Nam, Mỹ thay chân Pháp dựng lên chế độ tay sai nhằm phá hoại Hiệp định Giơne-vơ, kéo dài chia cắt Việt Nam. Việt Nam đứng trước hai nhiệm vụ: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh nhằm hòa bình thống nhất nước nhà.

Nhiệm vụ công tác đối ngoại thời kỳ này được xác định là “tích cực tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của nhân dân các nước trên toàn thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoạt động động đối ngoại nhân dân phát triển mạnh mẽ ở cả hai miền Nam Bắc và được sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng.

Ở miền Bắc, các hoạt động hữu nghị song phương tiếp tục được đẩy mạnh với trọng tâm củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị nhân dân với Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Cuba, đồng thời mở rộng quan hệ nhân dân với các nước độc lập dân tộc, các phong trào giải phóng dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ đoàn kết của các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình công lý ở các nước tư bản chủ nghĩa. Các Hội hữu nghị Việt – Xô và Hội hữu nghị Việt – Trung vốn được thành lập trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tiếp tục hoạt động và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào rộng lớn của nhân dân Liên Xô và nhân dân Trung Quốc ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ ngay cả trong thời kỳ bất đồng Liên Xô – Trung Quốc.

Truyền thống hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia vốn đã nảy nở và phát triển trong cuộc đấu tranh chung chống thực dân Pháp lại càng được củng cố trong thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hội nghị nhân dân Đông Dương tại Phnom Penh tháng 8/1965 đã thông qua “Nghị quyết về vấn đề Việt Nam” biểu thị tình cảm hữu nghị, đoàn kết và sự ủng hộ của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia đối với nhân dân Việt Nam…

Tháng 1/1975, Hội hữu nghị Việt Nam – Lào và Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia được thành lập đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị nhân dân giữa Việt Nam với các nước cùng trên bán đảo Đông Dương.

Năm 1965, Hội hữu nghị Việt Nam – Cuba được thành lập. Phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam phát triển mạnh ở Cuba và được biểu thị cô đọng trong câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Fidel Castro: “Máu của Việt Nam cũng là máu của Cuba. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.

Các nước đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, các phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh coi cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam là tấm gương sáng đã sớm dấy lên phong trào đoàn kết, hữu nghị với Việt Nam, với nhiều hình thức phong phú, sôi nổi, đặc biệt ở Ấn Độ, các nước Mỹ Latinh.

Ở các nước tư bản chủ nghĩa, phong trào đoàn kết, hữu nghị với nhân dân Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ và lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Tháng 5/1961, Hội hữu nghị Việt - Pháp chính thức ra mắt.

Hơn 1000 người dân Phần Lan mang theo khẩu hiệu “Việt Nam chiến thắng” biểu tình tại Hensinki đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam, Lào, Campuchia, ngày 15/02/1970

Hơn 1000 người dân Phần Lan mang theo khẩu hiệu “Việt Nam chiến thắng” biểu tình tại Hensinki đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam, Lào, Campuchia, ngày 15/02/1970

Hàng trăm tổ chức đoàn kết với Việt Nam ở các nước tư bản chủ nghĩa khác cũng đã được hình thành với nhiều hoạt động phong phú (như ở Italia, Thụy Điển, Đan Mạch, Vương quốc Anh, Nhật Bản…). Đặc biệt, phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam đã hình thành và phát triển ngay trong lòng nước Mỹ, thu hút hàng triệu người Mỹ thuộc đủ mọi thành phần tham gia.

Trên cơ sở đó, tháng 7/1968, Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân tiến bộ Mỹ được thành lập, do Giáo sư Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, làm Chủ tịch. Từ thời điểm đó cho đến khi nhân dân ta giành thắng lợi hoàn toàn (năm 1975), Ủy ban đã làm đầu mối quan hệ với tất cả các tổ chức và cá nhân của phong trào phản chiến ở Mỹ. Cuộc gặp gỡ Việt-Mỹ tại Bratislava (Tiệp Khắc) tháng 9/1967 là một sự kiện quan trọng trong quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Có thể nói phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng, buộc chính quyền Mỹ phải xuống thang chiến tranh và đi vào đàm phán dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta năm 1975.

Trên 1 vạn nhân dân Mỹ gồm sinh viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân tham gia biểu tình đi bộ từ Ba-cô-li đến Úc-den đòi Tổng thống Giôn-xơn phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, ngày 20/11/1965

Ngoài các hoạt động song phương, hoạt động đối ngoại nhân dân đa phương trong thời kỳ này cũng được đẩy mạnh. Điển hình hoạt động của Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy ban đoàn kết với nhân dân Á - Phi của Việt Nam, Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình của Việt Nam . Việt Nam trở thành một trong những thành viên sáng lập của Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á - Phi (AAPSO), Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC), các tổ chức này đều coi đoàn kết với Việt Nam là nhiệm vụ hàng đầu của phong trào hòa bình thế giới.

Đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Hòa bình Thế giới, tổ chức tại Hensinki, năm 1955

Ở miền Nam, sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960) và nhiều tổ chức nhân dân thành viên Mặt trận đã mở ra một thời kỳ hoạt động sôi nổi, sâu rộng của đối ngoại nhân dân. Bên cạnh các tổ chức phụ nữ, thanh niên, sinh viên, lao động, nông dân, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, Phật giáo, Công giáo... – mà mỗi tổ chức đều có những hoạt động đối ngoại – có một số tổ chức chuyên làm công tác đối ngoại nhân dân: Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của miền Nam Việt Nam ,Ủy ban đoàn kết Á-Phi của miền Nam Việt Nam, Ủy ban nhân dân miền Nam Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ Latinh, Ủy ban nhân dân miền Nam Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và các tổ chức thành viên đã cử hàng trăm đoàn đi hàng chục nước châu Á, châu Âu, châu Phi, Mỹ Latinh và Bắc Mỹ, đến cả thủ đô nhiều nước đồng minh và sân sau của Mỹ. Các đoàn đều tận dụng mọi cơ hội mở rộng tiếp xúc, gặp gỡ các tổ chức quốc gia và quốc tế, tham gia rộng rãi các hội nghị, đại hội, diễn đàn và tòa án quốc tế. Qua đó, các đoàn đã cung cấp thông tin, nhân chứng, tư liệu về tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giới thiệu đường lối, chính sách của Mặt trận và Chính phủ Cách mạng Lâm thời cùng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân miền Nam Việt Nam, đồng thời bày tỏ đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Tóm lại, trong suốt hai thập niên chiến tranh ác liệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Đảng, hoạt động đối ngoại nhân dân của cả hai miền Nam-Bắc đã được tiến hành liên tục, đa dạng, vừa có trọng điểm vừa luôn được mở rộng, với sự phối hợp nhịp nhàng “tuy hai mà một” giữa các tổ chức và lực lượng của hai miền, với hiệu quả ngày càng tăng, góp phần cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước hình thành một mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng.

Trong thời kỳ này, có thêm nhiều tổ chức hữu nghị song phương và đa phương được thành lập như: Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình của Việt Nam (thành lập năm 1956, theo Điều lệ đầu tiên là thành viên của Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam), năm 1988, Hội tách ra thành một tổ chức độc lập; Ủy ban Đoàn kết Nhân dân Á-Phi (thành lập năm 1956), năm 1994 đổi tên thành Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á -Phi-Mỹ Latinh; Hội hữu nghị Việt-Pháp (thành lập năm 1961); Hội hữu nghị Việt Nam – Cuba (thành lập năm 1965); Ủy ban đoàn kết với nhân dân Mỹ thành lập năm 1968 ở cả hai miền Nam, Bắc; năm 1976 hợp nhất thành Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ về sau đổi tên là Hội Việt-Mỹ; Ủy ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước (thành lập năm 1974); Hội hữu nghị Việt Nam – Lào (thành lập năm 1975); Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia (thành lập năm 1975) …

Q.Hoa (biên tập theo sách lịch sử Liên hiệp Hữu nghị)

Theo Q.Hoa/VUFO

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/lich-su-hinh-thanh-va-phat-trien-lien-hiep-huu-nghi-phan-2-122009.html