Lịch sử hình thành và phát triển của bóng đá

Trò chơi với trái bóng đã xuất hiện từ thời cổ đại, nhưng lịch sử của bóng đá hiện đại mới chỉ hình thành cách đây hơn 100 năm. Tất cả bắt đầu vào năm 1863, khi môn bóng bầu dục và bóng đá tách ra thành hai nhánh khác nhau, đồng thời Liên đoàn bóng đá Anh (FA) - tổ chức quản lý bóng đá đầu tiên trên thế giới - được thành lập.

Bóng đá trong thời cổ đại

Một số người cho rằng, bóng đá xuất hiện từ năm 2500 trước Công nguyên. Trong thời gian này, người Hy Lạp, Ai Cập và Trung Quốc cổ đại dường như đã tham gia vào các trò chơi liên quan đến bóng và bàn chân. Hầu hết những trò chơi này được sử dụng bàn tay, bàn chân và thậm chí cả gậy để kiểm soát bóng. Ví dụ, trò chơi Harpastum của người La Mã và trò chơi Episkyros của người Ai Cập cổ đại.

Trò chơi cổ đại gần giống nhất với bóng đá hiện đại là trò Tsu’Chu của người Trung Quốc (Tsu’Chu mang nghĩa là “đá bóng”). Các ghi chép lịch sử cho thấy, Tsu’Chu bắt đầu xuất hiện trong thời nhà Hán, giai đoạn từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên, và nó có thể là một bài tập huấn luyện cho binh lính. Để ghi bàn, hai đội phải đá quả bóng da vào trong một tấm lưới nhỏ treo giữa hai cọc tre dài bên phần sân của đối thủ. Người chơi không được phép sử dụng tay nhưng có thể dùng đôi chân và các bộ phận khác của cơ thể. Sự khác biệt chính giữa Tsu’Chu và bóng đá hiện đại là chiều cao cầu môn. Khung thành của trò Tsu’Chu được treo cách mặt đất khoảng 9 m.

Sau khi Tsu’Chu xuất hiện, các trò chơi giống bóng đá đã lan tỏa khắp thế giới. Nhiều nền văn hóa có những trò chơi tập trung vào việc sử dụng đôi chân, chẳng hạn như trò Kemari của người Nhật Bản (vẫn còn tồn tại đến ngày nay), trò Pahsaherman của người Mỹ bản địa, trò Marn Grook của thổ dân Australia và trò Ki-o-rahi của người Moari.

Anh là quê hương của bóng đá

Bóng đá bắt đầu phát triển tại châu Âu từ thời kỳ Trung cổ dưới hình thức “bóng đá dân gian” hay “bóng đá đám đông” vào khoảng thế kỷ 9. Tại các thị trấn của Anh, hai đội chơi với số lượng người không giới hạn sẽ đá bàng quang của một con lợn bị thổi phồng từ đầu đến cuối thị trấn. Kết quả trận đấu thường có ít bàn thắng, các luật lệ tiêu chuẩn không được ban hành nên trò chơi khá bạo lực. Trò chơi này thường được xem là mối phiền toái, và thậm chí bị cấm trong một số thời kỳ lịch sử của nước Anh.

Nguồn: Getty Images

Đến đầu thế kỷ 19, các luật bóng đá đầu tiên xuất hiện tại trường học của Anh. Năm 1848, trong khuôn viênTrinity Collegethuộc Đại học Cambridge, đại diện của năm trường Eton, Harrow, Rugby,Winchester và Shrewsbury đã họp mặt để thống nhất luật chơi cho môn bóng đá gọi là Bộ luật Cambridge. Nhưng bộ luật này chưa đạt tới sự hoàn chỉnh, và không phải đội bóng nào cũng tuân theo. Trong hệ thống trường học tư nhân, bóng đá là môn thể thao được phép dùng bàn tay kiểm soát bóng, dùng chân đá và rê bóng, cầu thủ có thể vật lộn với nhau. Luật chơi giống như sự kết hợp của cả hai môn bóng bầu dục và bóng đá. Thời kỳ này đã có thủ môn trấn giữ khung thành, lỗi xoạc bóng vào chân của cầu thủ khác bị cấm.

Trong thập niên 1850, nhiều đội bóng nghiệp dư bắt đầu được thành lập tại các trường học và mỗi đội thường xây dựng cho riêng mình những luật chơi mới của môn bóng đá. Qua nhiều năm, các trường bắt đầu thi đấu với nhau. Trong thời gian này, người chơi vẫn điều khiển bóng bằng cả bàn tay, nhưng chỉ được phép chuyền bóng về phía sau giống như môn bóng bầu dục. Người chơi thường xuyên ngáng chân nhau hoặc đá vào cẳng chân đối thủ để giành bóng. Do mỗi đội bóng có luật chơi khác nhau khiến việc điều hành các trận đấu giữa họ diễn ra rất khó khăn.

Bóng đá trở thành môn thể thao chuyên nghiệp

Nỗ lực đáng kể nhất trong việc chuẩn hóa luật chơi môn bóng đá là việc thành lậpLiên đoàn bóng đá Anh (FA) vào ngày 26/10/1863. FA cố gắng tập hợp các luật chơi trên khắp nước Anh để tạo thành một tập hợp quy tắc bóng đá được chấp nhận rộng rãi. Hành động ôm quả bóng, ngáng chân, đá vào cẳng chân cầu thủ khác bị cấm. Điều này dẫn đến sự tan rã của câu lạc bộ Blackheath - đội bóng thích lối chơi bạo lực theo kiểu bóng bầu dục – và chỉ còn lại 11 câu lạc bộ khác tiếp tục hoạt động.

Qua nhiều năm, các câu lạc bộ bóng đá gia nhập FA cho đến khi số lượng đạt đến 128 câu lạc bộ vào năm 1887. Nước Anh cuối cùng đã có quy tắc đá bóng gần như thống nhất. Giải thi đấu bóng đá đầu tiên,Cúp FA(FA Cup), được tổ chức lần đầu cho các câu lạc bộ bóng đá Anh vào năm1872. Nước Anh cũng là quê hương của giải đấu liên đoàn đầu tiên, Football League. Giải đấu này bao gồm 12 câu lạc bộ thuộc miền Trung vàmiền Bắc nước Anh.

Theo quy định ban đầu của FA, người chơi bóng phải duy trì tính nghiệp dư và không được nhận lương. Điều này đã trở thành một vấn đề trong thập niên 1870 khi nhiều câu lạc bộ tính phí đến xem trận đấu của khán giả. Các cầu thủ cảm thấy không hài lòng, yêu cầu trả tiền cho thời gian tập luyện và chơi bóng của họ. Vì sự phổ biến của môn thể thao này tăng lên, khán giả và doanh thu cũng vậy. Cuối cùng các câu lạc bộ quyết định bắt đầu trả lương cho cầu thủ và bóng đá trở thành môn thể thao chuyên nghiệp.

Bóng đá lan rộng khắp thế giới

Không mất nhiều thời gian để các quốc gia khác ở châu Âu đón nhận và phổ biến luật chơi bóng đá của người Anh. Liên đoàn bóng đá của các quốc gia khác bắt đầu xuất hiện trên khắp thế giới: Hà Lan và Đan Mạch năm 1889, Argentina năm 1893, Chile năm 1895, Thụy Sĩ và Bỉ năm 1895, Italy năm 1898, Đức và Uruguay năm 1900, Hungary năm 1901 và Phần Lan năm 1907. Mãi đến năm 1903, Pháp mới thành lập liên đoàn bóng đá, mặc dù họ đã chơi đá bóng từ rất lâu trước đó.

Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) được thành lập tại Paris (Pháp) vào năm 1904 với bảy thành viên bao gồm: Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Năm 1930, FIFA World Cup đầu tiên được tổ chức tại Uruguay. Đã có 41 thành viên của FIFA vào thời điểm đó. Hiện nay, FIFA có hơn 200 thành viên, và World Cup là một trong những sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức 4 năm một lần. World Cup 2018 đang diễn ra là giải vô địch bóng đá thế giơílần thứ 21 được tổ chức tại Nga.

Quốc Hùng (theo FIFA, ThoughtCo.)

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/kham-pha/lich-su-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-bong-da/20180621084127282p1c879.htm