Lịch sử cuộc xung đột Nagorno-Karabakh

Ngày 27/9/2020, cuộc xung đột vũ trang ở Nagorno-Karabakh lại bùng nổ dữ dội sau khi hiệp ước đình chiến ký năm 1994 giữa một bên là nước Cộng hòa Armenia và bên kia là nước Cộng hòa Azerbaijan. Và mặc dù trên lý thuyết, chiến tranh đã chấm dứt nhưng từ tháng 5-1994 đến nay, hai bên vẫn xảy ra những vụ đụng độ mà nguyên nhân là cả Armenia lẫn Azerbaijan đều muốn Nagorno-Karabakh thuộc về mình…

1. Nằm về phía tây nam thuộc lãnh thổ Azerbaijan, Nagorno-Karabakh rộng khoảng 4.400 km2 nhưng tuyệt đại đa số dân cư ở đây lại là người Armenia, được hỗ trợ bởi chính quyền Armenia, chống lại Azerbaijan.

Ngày 20/2/1988, Quốc hội Nagorno-Karabakh bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập Armenia đồng thời tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan. Đến tháng 5, xung đột vũ trang nổ ra. Và bởi vì cả hai đều nằm trong Liên bang Xôviết nên những cuộc chạm súng chỉ ở mức độ lẻ tẻ. Tuy nhiên, khi Liên Xô tan rã năm 1991, cùng với các phong trào đòi độc lập ở các nước cộng hòa Baltic gồm Estonia, Latvia, Litva, chính quyền Azerbaijan cũng tuyên bố độc lập đồng thời không thừa nhận sự lãnh đạo của người Armenia ở Karabakh. Phản ứng lại, cộng đồng Armenia ở Nagorno-Karabakh tổ chức trưng cầu dân ý, tách khỏi Azerbaijan và thành lập nhà nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh.

Quân đội Armenia tiến đánh thị trấn Lachin, ngày 18/5/1992.

Quân đội Armenia tiến đánh thị trấn Lachin, ngày 18/5/1992.

Việc Liên bang Xôviết tan rã vô hình trung đã dỡ bỏ những rào cản cuối cùng ngăn cản hai phía Armenia và Azerbaijan tiến hành một cuộc chiến tổng lực, đồng thời cũng là cơ hội để cả hai tìm kiếm vũ khí do Liên Xô bỏ lại.

Thoạt đầu Azerbaijan có ưu thế hơn bởi lẽ trong cuộc chiến tranh Lạnh, học thuyết quân sự của Liên Xô về việc phòng thủ vùng Caucasus đã biến Armenia thành tuyến đầu nếu quốc gia thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược từ hướng tây. Vì vậy, chịu trách nhiệm chính trong việc phòng thủ đều nằm trong tay các lực lượng thuộc Bộ Nội Vụ Liên Xô, Armenia chỉ có 3 sư đoàn bộ binh và không có sân bay nào trong khi Azerbaijan có tới 5 sư đoàn, 5 sân bay. Hơn nữa, trang thiết bị phục vụ chiến tranh của Azerbaijan gấp 20 lần Armenia.

Khi Liên Xô tan rã, Bộ Nội vụ Nga rút quân khỏi khu vực, bỏ lại Armenia và Azerbaijan hàng hà sa số những xe quân sự, vũ khí, đạn dược, cộng với đó là những người lính được chính quyền Gorbachev gửi đến Armenia và Azerbaijan từ 3 năm trước có nguồn gốc từ nhiều nước cộng hòa khác nhau thuộc Liên Xô, phần đông là lính nghĩa vụ trẻ và nghèo nên nhiều người trong số họ bán vũ khí cho bất kỳ phe nào để lấy tiền, hay chỉ đơn giản là đổi lấy rượu vodka, một số thậm chí bán cả xe tăng và xe bọc thép.

Kết quả là người Azerbaijan mua được 286 xe tăng, 842 xe bọc thép và 386 khẩu pháo. Một số những ông trùm kinh doanh vũ khí chợ đen cũng bắt đầu hoạt động, bán súng đạn xuất xứ từ phương Tây. Chưa hết, nhiều bằng chứng cho thấy phía Azerbaijan còn nhận được viện trợ quân sự từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và vài quốc gia Arab.

2. Tháng 2/1992, một số nước thuộc Liên Xô cũ thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Trong khi Azerbaijan đứng ngoài cuộc thì Armenia, do lo ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể can thiệp quân sự vào cuộc xung đột giữa họ và Azerbaijan nên họ gia nhập SNG vì nó sẽ đóng vai trò “lá chắn bảo vệ”. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, lực lượng SNG tiến vào Armenia, bộ chỉ huy đặt tại thành phố Stepanakert, làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, các cuộc xung đột lẻ tẻ giữa người Armenia và Azerbaijan ngày càng trở nên quyết liệt, thu hút hàng nghìn tay súng tình nguyện gia nhập quân đội của cả hai phía.

Súng cối của Azerbaijan nã vào phòng tuyến Armenia.

Tại Armenia, chính phủ ban bố lệnh tổng động viên với tất cả nam giới tuổi từ 18 đến 45. Thoạt đầu, những người này được lựa chọn thời gian và địa điểm mà họ muốn tham chiến nhưng do không được huấn luyện chu đáo, việc không tuân lệnh cấp trên xảy ra như cơm bữa.

Hiện tượng lấy quần áo, tư trang của những người tử trận hoặc lấy cắp xăng dầu từ các xe quân sự đem bán chợ đen không phải là cá biệt. Tình hình trong quân đội Azerbaijan cũng tương tự nhưng họ tổ chức tốt hơn. Bên cạnh 30.000 binh sĩ và 10.000 quân đặc nhiệm, Chính phủ Azerbaijan còn bỏ ra một khoản tiền lớn từ nguồn lợi dầu mỏ trên biển Caspi để tuyển mộ lính đánh thuê.

Mùa đông năm 1992, giao tranh nổ ra trên quy mô lớn. Các nỗ lực hòa giải quốc tế bao gồm cảTổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đều thất bại trong việc tìm kiếm một giải pháp được cả hai bên chấp nhận. Armenia phải đối mặt với sự phong tỏa nặng nề từ phía Azerbaijan cũng như sức ép từ Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cùng nguồn gốc dân tộc và có mối liên hệ lịch sử với Azerbaijan.

Con đường bộ duy nhất nối liền Armenia với Karabakh phải xuyên qua núi Lachin. Sân bay duy nhất trong vùng này nằm ở thị trấn Khojaly, dân cư xấp xỉ 10 ngàn người, cách Stepanakert 7km về phía bắc, dưới quyền kiểm soát của Azerbaijan.

Nhằm mở thông đường đến Karabakh, giữa tháng 2, thị trấn Khojaly bị quân Armenia phong tỏa. Ngày 26/2, các lực lượng Armenia được xe bọc thép của trung đoàn 366 Nga hỗ trợ, tấn công Khojaly. Khi đã làm chủ thị trấn, quân Armenia thảm sát hàng trăm dân thường lẫn lính Azerbaijan bỏ chạy về thành phố Agdam ở phía bắc, do Azerbaijan kiểm soát. Không có con số chính xác về người thiệt mạng nhưng ước tính tối thiểu có 485 người chết, trong đó gồm 106 phụ nữ và 83 trẻ em.

Theo báo cáo của tổ chức Quyền con người Helsinki Watch, quân đặc nhiệm Azerbaijan và dân quân mang theo vũ khí chạy lẫn với dân thường. Có lẽ đó là nguyên nhân khiến lực lượng Armenia nổ súng vào họ.

Sau sự kiện Khojaly, ngày 6/3/1992, ông Ayaz Mutalibov, tổng thống Azerbaijan buộc phải từ chức dưới sức ép cho rằng ông đã thất bại trong việc bảo vệ và di tản dân cư ở Khojaly. Thay thế ông là Mamedov. 2 tháng sau, Mamedov ra lệnh cho các chỉ huy người Azerbaijan bằng mọi giá cố thủ ở Shusha, thành lũy cuối cùng của Azerbaijan trong vùng Karabakh.

Ngày 8/5, một lực lượng gồm hàng nghìn quân Armenia được hỗ trợ bởi xe tăng và máy bay trực thăng, tiến công pháo đài Shusha. Giao tranh quyết liệt diễn ra trên đường phố thị trấn khiến hàng trăm người thuộc cả hai phía thiệt mạng. Chỉ 1 ngày sau đó, không chống nổi lực lượng áp đảo, chỉ huy Azerbaijan tại Shusha hạ lệnh rút lui. Việc Shusha thất thủ đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ rúng động. Quan hệ giữa quốc gia này và Armenia vốn đã trở nên tốt hơn sau khi Armenia giành độc lập, nhưng xấu đi từ khi Armenia chiếm được ưu thế tại Nagorno-Karabakh.

Và mặc dù không gửi quân tham chiến nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi cố vấn đồng thời viện trợ một số lượng lớn trang thiết bị quân sự cho Azerbaijan. Việc Shusha thất thủ khiến quốc hội Azerbaijan buộc tổng thống Mamedov phải chịu trách nhiệm rồi phế truất ông ta, đồng thời tái bổ nhiệm cựu Tổng thống Mutalibov.

Tình hình đã rối lại càng thêm rối, ngày 18/5 quân đội Armenia tiếp tục tung ra cuộc tấn công đánh chiếm thị trấn Lachin, nằm trên hành lang chiến lược ngăn cách Armenia và Nagorno-Karabakh. Cũng chỉ trong 1 ngày, Armenia chiếm được Lachin, mở thông con đường cho phép các đoàn xe tiếp viện từ Armenia tiến vào Karabakh.

3. Việc Lachin thất thủ là đòn cuối cùng giáng vào chế độ Mutalibov. Các cuộc biểu tình diễn ra bất chấp lệnh cấm, tiếp theo là cuộc đảo chính của những đảng viên đảng Mặt trận bình dân. Giao tranh giữa quân chính phủ và người của đảng Mặt trận bình dân ngày càng ác liệt. Cuối cùng phe đối lập chiếm được tòa nhà quốc hội Baku, sân bay cùng phủ tổng thống.

Lính đánh thuê Syria ở Nagorno-Karabakh.

Ngày16/6/1992,ông Abulfaz Elchibey lên làm tổng thống Azerbaijan, nhiều thủ lĩnh của đảng Mặt trận bình dân cũng được bầu vào nghị viện. Ngay sau đó, quân đội Azerbaijan sử dụng một số lớn xe tăng, xe bọc thép và trực thăng chiến đấu, mở chiến dịch Goranboy nhằm vào Shahumyan, nằm ở phía bắc Nagorno-Karabakh.

Các lực lượng Azerbaijan nhanh chóng chiếm được hàng chục làng mạc ở Shahumyan từ tay người Armenia khiến họ phải rút lui về Stepanakert. Tuy nhiên, mũi đột kích của quân Azerbaijan bị chặn lại bởi Sư đoàn 104 cận vệ Dù, Nga.

Điều nghịch lý là sư đoàn này đóng quân tại Ganja, Azerbaijan với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Theo một quan chức chính phủ Armenia, họ đã thuyết phục Sư đoàn 104 bắn phá, chặn đứng cuộc tấn công của phía Azerbaijan, tạo điều kiện cho chính quyền Armenia phục hồi tổn thất, đồng thời mở cuộc phản công để tái lập phòng tuyến.

Từ đó đến năm 1994, chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan liên tục nổ ra, trong đó có những trận đánh lớn như trận Kelbajar - là một tỉnh của Azerbaijan, nằm trên biên giới với Armenia. Chỉ chưa đầy 1 tuần, Kelbajar rơi vào tay Armenia. Cuộc tấn công đã khiến cộng đồng quốc tế tức giận và cũng là lần đầu tiên lực lượng Armenia vượt qua biên giới, tràn vào lãnh thổ Azerbaijan.

Điều này đã khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 822, đồng bảo trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, xác nhận Nagorno-Karabakh là một phần không thể tách rời của Azerbaijan và yêu cầu lực lượng Armenia rút khỏi Kelbajar.

Thế nhưng 4 tháng sau, sự rối loạn chính trị ở Azerbaijan đã giúp Armenia giành thêm quyền kiểm soát 5 tỉnh lân cận, cũng như phần phía bắc Nagorno Karabakh. Quân Azerbaijani phải bỏ hầu hết các vị trí vì không có khả năng kháng cự. Đến cuối tháng 6, Martakert thất thủ, Azerbaijani mất đi bàn đạp cuối cùng ở vùng lãnh thổ này. Bước sang tháng 7, lực lượng Armenia đánh chiếm khu vực Agdam nhằm mục đích củng cố vùng đệm an ninh để vô hiệu hóa tầm tác xạ của pháo binh Azerbaijan.

Sau 6 năm chiến tranh khốc liệt, cả Armenia lẫn Azerbaijan đều rơi vào kiệt quệ. Ngày 15/5/1994, lãnh đạo Armenia, Azerbaijan, Nagorno-Karabakh và Nga gặp nhau tại Moscow để ký hiệp định ngừng bắn. Theo đó, người Armenia tại Nagorno-Karabakh kiểm soát 9% lãnh thổ Azerbaijan nằm ngoài Nagorno Karabakh. Phía Azerbaijan kiểm soát Shahumian và các phần phía đông của Martakert và Martuni.

Năm 1995, Nga cùng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tiếp tục đàm phám với hai chính phủ Armenia, Azerbaijan. Nhiều đề nghị được đưa ra, chủ yếu tập trung vào việc thuyết phục mỗi bên nhân nhượng một số điểm, chẳng hạn như Armenia rút quân ra khỏi 7 khu vực xung quanh Karabakh.

Đổi lại, Azerbaijan sẽ chia sẻ nguồn lợi kinh tế, bao gồm cả lợi nhuận từ đường ống dẫn dầu Baku, trung chuyển qua Armenia đến Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời trao quyền tự trị rộng rãi cho Nagorno-Karabakh. Phần lớn đề xuất tự trị đều bị Armenia bác bỏ, xem đó là vấn đề không thể đặt lên bàn đàm phán. Cũng như vậy, Azerbaijan cương quyết không buông tay khỏi Nagorno-Karabakh. Đến giữa năm 2020, hai bên vẫn thường xuyên đe dọa tái sử dụng vũ lực.

Và điều gì sẽ đến ắt phải đến. Ngày 27/9/2020, xung đột Armenia, Azerbaijan bùng phát nhưng lần này khốc liệt hơn nhiều so với những gì đã xảy ra từ 1988 đến 1994 khi có sự tham gia trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ qua việc gửi lính đánh thuê Syria đến Nagorno-Karabakh để ủng hộ Azerbaijan. Theo các nhà phân tích, cuộc chiến Nagorno-Karabakh khó có thể diễn ra một cách quy mô bởi nó đòi hỏi quá nhiều nhân, vật lực ở cả hai phía. Nhưng dù diễn ra ở mức độ nào chăng nữa, gánh chịu thống khổ vẫn là người dân Armenia, Azerbaijan…

Vũ Cao (theo World Politic Review)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/lich-su-cuoc-xung-dot-nagorno-karabakh-614742/