Lịch sử báo chí Việt Nam tôn vinh 33 số báo đặc biệt

Trước ngày khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào tháng 6-2020, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc bảo tàng nhận được tin nhắn của một nhà báo nói rằng, trưng bày di sản các thời kỳ của báo chí Việt Nam thì không thể thiếu 33 số báo Quân đội nhân dân đặc biệt xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ...

Thời gian gấp gáp, việc có được 33 số báo đặc biệt để trưng bày trong bảo tàng không hề đơn giản, nhưng bằng sự nỗ lực, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng đã kịp giới thiệu với công chúng bản gốc của một trong 33 số báo này. Ngày khai trương, công chúng đến tham quan bảo tàng đã lần đầu nhìn thấy bản gốc một tờ báo trong 33 số báo được xuất bản cách đây gần 70 năm cùng một số tư liệu, hiện vật và hình ảnh của những người đã trực tiếp làm 33 số báo đặc biệt này.

 Khách tham quan khu trưng bày Báo Quân đội nhân dân tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Khách tham quan khu trưng bày Báo Quân đội nhân dân tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Tham quan bảo tàng, chăm chú tìm hiểu góc trưng bày 33 số báo, bạn Nguyễn Thu Thủy (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ: “Em rất khâm phục những nhà báo đã làm các số báo tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Dưới mưa bom bão đạn, sự sống-chết rất mong manh nhưng các nhà báo vẫn trực tiếp đi lấy tin, viết bài, tổ chức biên tập, trình bày, in ấn... ngay tại mặt trận. Đây là câu chuyện độc đáo, “có một không hai” trong lịch sử báo chí. Nhờ những tờ báo này, chúng em có thể hình dung được các chiến sĩ Điện Biên Phủ đã sống, chiến đấu như thế nào, thậm chí cả việc các chiến sĩ đã đọc báo tại chiến hào ra sao. Đây thực sự là những tư liệu quý về báo chí cách mạng Việt Nam”.

Quan tâm nhiều hơn ở góc độ kỹ thuật, phóng viên Lưu Hiệp (Báo Công an nhân dân) cho rằng: “Xem những bức ảnh cho phép chúng ta hình dung ra chiếc máy in, cách in ấn ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Những tư liệu viết tay của các nhà báo cho thấy giấy, mực thế nào, các câu chuyện, nội dung được họ quan tâm là gì, viết ra sao... Sau đó, khi đối chiếu những nội dung trên mặt báo, tôi lại thấy hồi đó các nhà báo đã làm việc chuyên nghiệp, bài bản văn phong, chữ nghĩa chỉn chu, cẩn thận như thế nào. Họ nghiêm túc trong từng thông tin, bài vở chứ không phải giữa chiến trường, giữa sống-chết mà làm báo một cách đơn giản. Việc triển khai nghiệp vụ để bảo đảm thời gian xuất bản và nội dung báo là những sáng tạo phi thường của các phóng viên tại Mặt trận Điện Biên Phủ”.

Nói về trưng bày các số báo đặc biệt tại bảo tàng, bà Trần Thị Kim Hoa cho biết: “33 số báo đặc biệt của Báo Quân đội nhân dân đã góp phần làm phong phú thêm lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Chỉ tiếc rằng, vì điều kiện khách quan, việc trưng bày hiện nay còn chưa làm rõ được những nỗ lực, hy sinh, sáng tạo của những người làm báo Báo Quân đội nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều lần chúng tôi đã đến gặp các nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp. Các bác giúp chúng tôi ghi âm lại một số câu chuyện làm báo thời điểm đó. Qua các bác, chúng tôi cũng có thêm tư liệu, hiện vật như sổ ghi chép, viết tay ngoài mặt trận được các bác nâng niu và lưu giữ đến giờ. Chúng tôi mong có thêm nhiều tư liệu để giới thiệu kỹ hơn về 33 số báo đặc biệt. Khi điều kiện cho phép, bảo tàng sẽ làm sách, phim chuyên đề về 33 số báo và câu chuyện làm báo ở Tòa soạn tiền phương của Báo Quân đội nhân dân”.

Bài và ảnh: LAN DỊU - CHÍ VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/lich-su-bao-chi-viet-nam-ton-vinh-33-so-bao-dac-biet-640807