Lịch mùa Tết: Hoài niệm một thời vàng son

Vài thập niên trước, vào mùa Tết âm lịch, người ta không chỉ háo hức mua sắm quần áo mới, bánh mứt, trái cây, thịt trứng, hoa kiểng… mà còn săn lùng những cuốn lịch treo tường có ảnh nghệ sĩ và lịch bloc để trưng cho ngôi nhà mình dịp đầu xuân mới.

Vậy nhưng nhiều năm trở lại đây, thói quen chưa đủ thâm niên để trở thành phong tục ấy, đã phai nhạt dần theo sự biến chuyển của xã hội.

Môi trường công việc của tôi tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc lứa U70 và U60 chuyên chụp ảnh chân dung nghệ sĩ. Có thể quanh năm, thu nhập của họ chỉ đủ sống, nhưng vào mùa tết thu nhập của họ có thể tăng 100%, vì các bức ảnh của họ được nhà sản xuất lịch ảnh đặt hàng. Các bức ảnh chụp Diễm My, Diễm Hương, Lý Thu Thảo, Việt Trinh, Y Phụng, Thu Hà thậm chí cả ảnh của các nam tài tử, cũng được thiết kế thành ảnh lịch và được công chúng ưa chuộng.

Những "nữ hoàng ảnh lịch" một thời ở Việt Nam - Ảnh: Internet

Những "nữ hoàng ảnh lịch" một thời ở Việt Nam - Ảnh: Internet

Có lẽ thời đó, điều kiện để tiếp cận các thần tượng còn hạn chế, internet và mạng xã hội chưa phát triển nên việc mua lịch có ảnh những ngôi sao mình yêu thích là nhu cầu. Vừa được xem ngày tháng, vừa được thấy thần tượng, vừa có thể trang trí nhà cửa (có những gia đình nghèo nông thôn mua hình lịch về dán khắp căn nhà đơn sơ của họ) nên tiện lợi đủ đường. Nhờ vậy, các nhiếp ảnh gia sống khỏe, còn những nhà sản xuất lịch thì làm một mùa, ăn một năm. Các ngôi sao thì có một nguồn thu lớn từ việc làm mẫu và đồng thời hình ảnh lan tỏa rộng đến công chúng.

Nhưng khoảng gần 2 thập kỷ trở lại đây, ảnh lịch nghệ sĩ biến mất, hoặc chỉ còn xuất hiện lác đác. Nhu cầu của công chúng không còn vì mỗi ngày họ mở tivi, mở YouTube, lên mạng xã hội là đã được gặp thần tượng của mình. Thậm chí, trên facebook, instagram, tiktok, twitter các nghệ sĩ đăng những tấm hình được chọn lọc đẹp và hấp dẫn. Nguồn cung đã thừa nên chẳng ai còn thiết tha mua ảnh lịch nghệ sĩ về treo trong nhà.

Cùng cảnh ngộ như thế là lịch bloc treo tường. Tại Sài Gòn có nhiều nơi bán lịch bloc mùa tết, nhưng tôi ở khu vực Q.Bình Thạnh đã lâu nên quen thuộc nơi này hơn. Ở đường Phan Đăng Lưu, đoạn giữa trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và Lăng Ông Lê Văn Duyệt, cứ tầm đầu tháng Chạp (12 âm lịch) hoặc sớm hơn, nhiều người bán lịch bloc vỉa hè xuất hiện.

Họ bán tất cả các loại lịch của các nhà sản xuất nổi tiếng trong nước, và người mua luôn xôn xao, tấp nập. Bởi vì, ai cũng cần lịch để xem ngày, tháng (cả ngày dương và ngày âm cho sinh hoạt hàng ngày và cả những ngày lễ lớn của quốc gia, giỗ chạp, cưới hỏi, ma chay). Các quyển lịch được thiết kế đẹp mắt, tương tự như một bức tranh vẽ trang trí cho căn phòng nhưng trong ngắn hạn – 1 năm.

Hình ảnh những sạp bán lịch bloc ở khu vực Q.Bình Thạnh treo bảng giảm giá ngay vào đầu tháng 1.2023 - Ảnh: PV

Thế nhưng, ngày nay lịch block cũng thoái trào. Khu vực bán lịch bloc tại Q.Bình Thạnh vẫn duy trì hàng năm nhưng ngày càng teo tóp về số lượng người bán. Năm 2023, mới chỉ đầu tháng Giêng mà những người còn trụ lại đã đăng bảng giảm giá. Tình hình này không phải chỉ mới xuất hiện ở năm Quý Mão mà còn rất nhiều năm trước. Nhiều nhà sản xuất lịch bloc đã bỏ cuộc chơi, chỉ còn lại ít cái tên mà một trong số vẫn còn giữ vững, đó là Lịch Xuân Phương Nam. Việc mua cuốn lịch về, để đó, chờ đến sau giao thừa xé tờ lịch đầu tiên từng là một khoảnh khắc rất đặc biệt, có thể gọi là thiêng liêng. Nhưng cảm xúc ấy đã dần bị lãng quên.

Có lẽ, không ai có thể giải thích tường tận vì sao việc mua lịch vào cuối năm cũ dành sử dụng cho đầu năm mới đã phai nhạt dần. Người ta cho rằng, sự phát triển của công nghệ mang đến sự tiện lợi đã góp phần xóa bỏ nhu cầu mua lịch. Lý giải này có lẽ hợp lý, bởi bây giờ, chỉ cần một chiếc điện thoại, một máy tính, một laptop người ta đã dễ dàng biết rõ ngày, tháng, năm cả dương lẫn âm. Thậm chí, nếu muốn biết ngày âm của nhiều tháng sau vẫn tra được, vậy thì mua cuốn lịch về để làm gì? Muốn trang trí nhà cửa ư, ghé qua phố ông đồ mua một bức thư pháp, hay vào một tiệm chép tranh, hoặc lên trang bán tranh online tha hồ lựa chọn một tác phẩm ưng ý.

Bất giác tôi liên tưởng và so sánh sự xuất hiện của internet mà cụ thể là Google đã đẩy sách in (sách giấy) vào cảnh "khốn cùng". Chỉ cần một điện thoại trong lòng bàn tay thì người ta có thể đọc từ sách văn học đến triết học, tôn giáo, chính trị, kinh doanh và tất cả mọi thứ. Thế thì mua sách in làm gì cho tốn tiền, tốn công sức.

Những cuốn lịch bloc đang dần mai một bởi sự phát triển của internet, mạng xã hội và công nghệ... Thế nhưng, vẫn có những người thích hoài niệm, vẫn trung thành với lich bloc - Ảnh: LXPN

Vậy đấy, khi cuộc sống có những phát triển và đổi thay sẽ có những thứ bị xóa mất hoặc chỉ tồn tại nhạt nhòa. Thật khó để nói một cách chính xác đó là đúng và sai, hay tốt và xấu mà chỉ biết chấp nhận vì đó là quy luật tự nhiên.

Dẫu vậy, có một số ít người thích hoài niệm với cái cũ, họ vẫn trung thành với thói quen lâu năm. Đến hẹn lại lên, họ vẫn săn lùng những cuốn lịch đẹp. Khi tìm được một quyển lịch hay từ nội dung (những câu châm ngôn, ca dao, tục ngữ) và trình bày đẹp, họ cảm thấy hạnh phúc, cho dù họ vẫn có thể xem ngày tháng trên điện thoại cầm tay.

Tương tự như thế, vẫn còn nhiều người thích mua sách giấy về đọc hơn là chỉ lướt trên ebook. Bởi một quyển sách có nội dung hay và trình bày đẹp cũng là một tác phẩm trưng bày thú vị và mang giá trị tinh thần cho chủ nhân, lẫn không gian nơi họ ở.

Nguyễn Huy

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lich-mua-tet-hoai-niem-mot-thoi-vang-son-192371.html