Libya sa lầy trong cuộc chiến một mất một còn

2 tháng sau khi phát động cuộc tấn công bất ngờ nhằm đánh chiếm thủ đô Tripoli, lực lượng quân đội miền Đông của Tướng Khalifa Haftar đang bị mắc kẹt trong cuộc giao tranh với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận ở miền Tây. Tình thế này cho thấy Libya thực sự đã bị sa lầy trong 'cuộc chiến một mất một còn' mà phe miền Đông và miền Tây quyết dốc toàn lực để đánh bại đối phương.

Kẻ tám lạng, người nửa cân

Chiến dịch tấn công chớp nhoáng của lực lượng miền Đông ban đầu đã thu được một số thành công nhất định, song không lâu sau đó đã bị chặn đứng và vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ các lực lượng dân quân ủng hộ GNA nhằm ngăn chặn Tướng Haftar thiết lập cái mà họ coi là một chế độ độc tài quân sự mới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cuộc chiến tại Tripoli đã đến nay đã khiến hơn 600 người thiệt mạng và hơn 3.200 người bị thương. Con số thương vong này chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng trong bối cảnh cả hai bên đã từ chối đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn do lo ngại về sự tồn vong của chính mình.

Theo chuyên gia về vấn đề Libya tại Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG) Claudia Gazzini, khi lực lượng của Tướng Haftar phát động đợt tấn công đánh chiếm thủ đô Tripoli, phe miền Đông đã tin rằng họ có thể giành được một chiến thắng nhanh chóng và nhận được sự ủng hộ đáng kể từ một số thế lực bên ngoài. Do đó, họ không hề nghĩ các nhóm vũ trang từ 2 trung tâm quân sự lớn gần thủ đô Tripoli là Zintan và Misrata sẽ đứng ra “cản đường” cuộc tấn công này. Thời gian càng kéo dài, các tay súng trung thành với GNA từ khắp các tỉnh miền Tây càng có thêm thời gian để huy động lực lượng ngăn cản bước tiến của lực lượng dưới quyền Tướng Haftar.

Về tương quan lực lượng, phe miền Đông và miền Tây hiện đang trong tình trạng “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Hai bên dường như đã ngang bằng về quân số và cũng được trang bị vũ khí có sức mạnh tương đương nhau. Tình thế này khiến giới phân tích quân sự nhận định rằng cuộc giao tranh tại vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Tripoli sẽ tiếp tục lâm vào bế tắc và không bên nào có thể tạo được bước đột phá.

Trong bối cảnh hiện nay, rất khó để phe miền Đông của Tướng Haftar hay lực lượng miền Tây của Chính phủ GNA giành thắng lợi rõ rệt. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu một bên bắt đầu nhận được nguồn viện trợ quân sự đáng kể, hoặc có thể triển khai thêm nhiều lực lượng được vũ trang tốt hơn.

Chiến sự đang bao trùm khu vực thủ đô Tripoli. Ảnh tư liệu

Chiến sự đang bao trùm khu vực thủ đô Tripoli. Ảnh tư liệu

Những kịch bản cho tương lai

Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu tình trạng bế tắc này tiếp tục kéo dài, tương lai của Libya sẽ như thế nào? Trong kịch bản thông thường, một khi bế tắc quân sự xảy ra, đây cũng có thể coi là cơ hội để các bên chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, kịch bản này sẽ không xảy ra khi cả hai bên đều không chấp nhận nhượng bộ.

Đối với Tướng Haftar, việc không thể giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli đồng nghĩa với một thất bại quân sự và điều này có thể làm lu mờ vị thế của chính viên tướng này ở miền Đông Libya, nơi đặt trụ sở lực lượng quân đội quốc gia Libya (LNA) tự xưng. Bên cạnh đó, thất bại này cũng sẽ hủy hoại tham vọng chính trị của Tướng Haftar nhằm thống nhất Libya dưới quyền kiểm soát của mình.

Trong khi đó, đối với GNA, việc không thể đẩy lùi hoàn toàn LNA và các lực lượng đồng minh của Tướng Haftar ra ngoài vùng ngoại ô của thủ đô Tripoli cũng là một rủi ro quân sự đáng kể, khi điều này sẽ cho phép phe miền Đông cơ hội tái vũ trang lực lượng và phát động các cuộc tấn công trở lại, đe dọa tới sự tồn vong của chính GNA và các lực lượng quân sự trung thành với chính phủ.

Theo giới phân tích, việc GNA và LNA đều từ chối ngừng bắn là do cả hai bên đều nghĩ rằng họ có thể giành chiến thắng và tin rằng sẽ tiếp tục được các thế lực quốc tế hậu thuẫn. Với phe miền Đông của Tướng Haftar, họ nhận được sự ủng hộ từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Saudi Arabia, trong khi Qatar đứng về phía chính quyền Tripoli.

Điều này có nghĩa là thay vì chấm dứt chiến sự, cuộc chiến tại Tripoli trong tương lai gần có thể sẽ chứng kiến sự leo thang hơn nữa với sự hậu thuẫn từ các thế lực bên ngoài này. Trong kịch bản rộng hơn, cuộc chiến tại Tripoli có thể còn khởi phát một cuộc chiến với sự can dự của các lực lượng ủy nhiệm, vốn đang đối đầu nhau về vị thế địa-chính trị tại khu vực vùng Vịnh. Với người dân Tripoli, chiến sự càng kéo dài thì họ càng phải gánh chịu những hệ quả khốc liệt của chiến tranh và khiến hàng chục nghìn hộ gia đình phải rời bỏ nhà cửa.

Chuyên gia Gazzini cho rằng, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm gây áp lực buộc Tướng Haftar ngừng tấn công Tripoli đến nay đã thất bại. Thay vì lên án Tướng Haftar tìm cách loại bỏ một chính quyền được LHQ công nhận, HĐBA LHQ đã không thể thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn. Điều này cũng khiến nhiều quốc gia phương Tây lưỡng lự trong việc đưa ra tuyên bố chính thức lên án cuộc tấn công của Tướng Haftar, hoặc kêu gọi lực lượng miền Đông rút quân khỏi miền Tây Libya.

Trong bối cảnh trên, cuộc chiến trong và xung quanh thủ đô Tripoli có thể còn kéo dài trong thời gian tới. Bước đầu tiên để đảo ngược xung đột leo thang hiện tại này đòi hỏi cả hai bên và cả những thế lực hậu thuẫn từ bên ngoài cần phải thừa nhận thực tế rằng không bên nào có thể thắng thế về mặt quân sự và ngay lập tức ngừng “đổ thêm dầu vào lửa”. Chỉ có như vậy mới có thể hi vọng mang lại hòa bình cho Libya – điều đã mất từ lâu tại quốc gia châu Phi này.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/libya-sa-lay-trong-cuoc-chien-mot-mat-mot-con-151078.html