Libya ngả hẳn về Nga, phương Tây hối hận lật đổ Gaddafi!

Cả lực lượng được phương Tây chống lưng-LHQ hậu thuẫn lẫn lực lượng chính trị được người dân Libya bầu chọn, đã gửi gắm kỳ vọng Moscow...

Mỹ-phương Tây vẫn bó tay trước tình trạng hỗn loạn tại Libya

Bangkok Post ngày 10/11 dẫn tin từ truyền thông Pháp cho hay các cuộc bầu cử tại Libya không thể diễn ra vào tháng 12/2018 như dự kiến, điều đó đồng nghĩa kết quả của Hội nghị Paris hồi tháng 5/2018 về Libya đã tan thành mây khói.

"LHQ phải thừa nhận tình hình chính trị hỗn loạn kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011 đã khiến cho các cuộc bầu cử tại Libya không thể thực hiện được, ít nhất là trước mùa xuân năm 2019", theo Bangkok Post.

Trước bối cảnh đó, dự kiến ngày 12-13/11, ở Palermo, Italy, lãnh đạo các cường quốc phương Tây phải gặp lãnh đạo các phe phái ở Libya nhằm nỗ lực tái khởi động quá trình chính trị và kích hoạt tổng tuyển cử cho quốc gia Bắc Phi này.

Libya vẫn chưa thể thế có hòa bình sau 7 năm Tổng thống Gaddafi bị lật đổ

Libya vẫn chưa thể thế có hòa bình sau 7 năm Tổng thống Gaddafi bị lật đổ

Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya (GNA) - được phương Tây nặn ra - Fayez al-Sarraj đã kêu gọi các cường quốc phương Tây hãy cố gắng có "chung tầm nhìn" để giúp đất nước của ông sớm thoát ra khỏi sự hỗn loạn.

Người đứng đầu GNA cho biết sẽ tận dụng các cuộc đàm phán ở Palermo để vận động cho cải cách an ninh, thống nhất quân đội, cải cách kinh tế và tiến hành tổng tuyển cử để chấm dứt tình trạng tồn tại song các thể chế.

Ngày 9/11, Đặc sứ LHQ về Libya Ghassan Salame đã thông báo với Hội đồng Bảo an rằng một Hội nghị Đối thoại Quốc gia Libya sẽ được tổ chức vào đầu năm 2019 để tạo "một nền tảng" cho người Libya tự quyết định tương lai cho đất nước họ.

Tuy nhiên, theo Đại diện đặc biệt của LHQ, những bất đồng giữa các cường quốc phương Tây, nhất là giữa Ý- Pháp- Mỹ đã dập tắt hy vọng đó. Pháp luôn ủng hộ tổng tuyển cử cho Libya vào tháng 12/2018, trong khi Ý thì phản đối.

Còn Mỹ thì đi nước đôi. "Chúng tôi ủng hộ tổng tuyển cử càng sớm càng tốt, nhưng thời điểm thì cần cân nhắc vì sự vội vã sẽ phản tác dụng", ông David Hale, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Vì vậy, theo giới chức ngoại giao Ý, khó có thể ấn định được ngày diễn ra tổng tuyển cử cho Libya trong Hội nghị Palermo sắp tới, thậm chí có thể hội nghị kết thúc mà sẽ chẳng có một tuyên bố cuối cùng nào được đưa ra.

Chuyên gia về Libya Emad Badi cho rằng mâu thuẫn giữa các cường quốc phương Tây chỉ khiến bàn cờ chính trị Libya thêm phân cực và Hội nghị Palermo chỉ để dàn xếp bất đồng giữa các nước phương Tây chứ không phải giải quyết chính trị Libya.

Dư luận từng phẫn nộ về hậu quả mà Mỹ và đồng minh để lại cho người dân và đất nước Libya sau công cuộc "xóa độc tài-gieo dân chủ" tại quốc gia Bắc Phi này, nay lại giật mình trước mâu thuẫn giữa những tác giả thực hiện cuộc "khai sáng" ấy.

Công cuộc khai sáng của Mỹ-phương Tây đã biến Libya thành đất sống và đất diễn của khủng bố

Washington và các đồng minh thực sự hối hận vì đã ủng hộ lật đổ Gaddafi?

Theo giới phân tích, sau hơn 7 năm "xóa độc tài-gieo dân chủ" mà tình hình Libya vẫn như mớ bòng bong, có lẽ Washington và đồng minh đã thực sự hối hận vì ủng hộ lật đổ chế độ của Tổng thống Gaddafi, nhằm sắp đặt một ván cờ chính trị mới tại Libya.

Hối hận là phải, vì đến giờ này cái giá mà Mỹ-phương Tây phải trả cho việc thực hiện công cuộc "xóa độc tài-gieo dân chủ" tại Libya là quá đắt và chưa biết khi nào mới có thể chấm dứt, chứ hy vọng gì bù đắp được.

Cựu Tổng thống Mỹ Barak Obama đã phải thừa nhận rằng cho NATO ném Libya, ủng hộ lật đổ Tổng thống Gaddafi là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời làm chính trị của ông, theo The New York Times.

Đau đớn nhất là khi rời nhiệm sở mà ông Obama vẫn không thể trả được món nợ tại Libya, đó là Đại sứ Mỹ tại Libya John Christopher Stevens đã phải chết nhưng đổi lại Mỹ vẫn không nắm được bất cứ điều gì trong một đất nước Libya đầy hỗn loạn.

Cựu Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy thì đã phải đánh đổi sinh mạng chính trị của mình cho việc xóa sổ Tổng thống Gaddafi, sắp đặt bàn cờ chính trị mới cho Libya và rất có thể ông phải gặm nhấm nỗi buồn nơi tù ngục.

Đau đớn là ông Sarkozy bị cho là "lừa thầy phản bạn", "ăn cháo đái bát" khi bị nhìn nhận là quyết gạt bỏ ông Gaddafi sau khi nhận sự giúp đỡ của nhà lãnh đạo Libya để có chiếc ghế quyền lực và muốn giấu nhẹm chuyện này nên "giết người diệt khẩu".

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair thì luôn ám ảnh bởi cái chết của Tổng thống Gaddafi, ám ảnh bởi cái chết của Đại sứ Mỹ tại tại Libya John Christopher Stevens và đặc biệt là ám ảnh bởi đất nước Libya trở thành đất sống và đất diễn cho khủng bố.

Cho đến nay ông Blair được cho là luôn né tránh những câu hỏi về việc NATO ném bom Libya, song theo giới truyền thông phương Tây thì dường như vấn đề lao lý vẫn chưa buông tha nhà chính trị Anh cho đến lúc này.

Lật đổ Gaddafi là sai lầm lớn nhất của Obama

Hối hận là đương nhiên, bởi sự ứng nghiệm của lời nguyền Gaddafi khi dòng người di cư xuất phát từ Libya vượt Địa Trung Hải, tràn vào Châu Âu tạo ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại lục địa già kể từ sau Thế chiến II.

Và "lời nguyền của nhà độc tài" ngày càng ứng nghiệm, khiến đời sống chính trị tại EU ngày càng nghiêng ngả, nhiều lực lượng chính trị cầm quyền đã trả giá bằng việc phải rời bỏ vũ đài chính trị, các lực lượng còn lại thì phải trần mình chống chọi.

Đặc biệt hậu quả từ việc "xóa độc tài-gieo dân chủ" cho Libya đã tạo ra mâu thuẫn giữa đồng minh hai bờ Đại Tây Dương - những tác giả của chương trình khai sáng tại Libya - khi Mỹ thì đóng cửa với người nhập cư, để cho EU một mình "lãnh đạn".

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/libya-nga-han-ve-nga-phuong-tay-hoi-han-lat-do-gaddafi-3368974/