Libya: Liệu Tướng Khalifa Haftar sẽ ca khúc khải hoàn tại Tripoli?

Ngày 5/4, Tướng Khalifa Haftar cùng lực lượng tự phong Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã bất ngờ tiến quân đánh chiếm Thủ đô Tripoli đang dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ. Liệu ông có thành công và được người dân Tripoli chào đón? Bình luận của Thế Giới & Việt Nam về sự kiện đang nước sôi lửa bỏng này của khu vực.

MINH QUÂN

Ngày 5/4, Tướng Khalifa Haftar cùng lực lượng tự phong Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã bất ngờ tiến quân đánh chiếm Thủ đô Tripoli đang dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ.

Đáng chú ý, động thái này đã khiến LHQ “không kịp trở tay”, khi lãnh đạo tổ chức này là Tổng Thư ký Antonio Guterres đang có mặt tại Tripoli để chuẩn bị cho một Hội nghị Hòa bình vào cuối tháng này. Nước đi của ông Haftar đã phá tan triển vọng về thỏa thuận ngừng bắn và tổ chức Tổng tuyển cử, tưởng chừng đã đạt được giữa ông và Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj.

Ngay lập tức, ông Sarraj đã chỉ trích LNA có hành động “leo thang” căng thẳng, đồng thời chỉ thị cho các lực lượng thân chính phủ đối phó với các “mối nguy hiểm”. Xung đột tại Libya cũng là trọng tâm trong cuộc họp của Ngoại trưởng các nước G7 (trừ Mỹ) tại Brittany (Pháp) và cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 5 và 6/4. Cá nhân ông Antonio Guterres đã bay tới thành phố Benghazi ở miền Đông để gặp gỡ ông Haftar.

Tuy nhiên, những chỉ trích của cộng đồng quốc tế hay nỗ lực hòa giải của LHQ cũng khó có thể đảo ngược đà chiến thắng của LNA do Tướng Khalifa Haftar cầm đầu vì ba lý do sau.

LNA đã làm cả thế giới sửng sốt khi triển khai chiến dịch tấn công thủ phủ Tripoli của Libya. (Nguồn: RTE)

Ưu thế tuyệt đối

Thứ nhất, xét về tương quan lực lượng, LNA có ưu thế vượt trội so với GNA. Giáo sư tại Đại học Texas (Mỹ) Mansour El-Kikhia cho rằng chiến thắng giành cho LNA trong chiến dịch Tripoli, chấm dứt chế độ dân quân đã được dự báo từ trước. Theo ông, ngay cả người dân Tripoli đã chán với cảnh bom rơi đạn lạc và mong muốn có một Chính phủ đủ mạnh và ổn định để lập lại hòa bình, tái thiết nền kinh tế, ổn định cuộc sống.

Trong bối cảnh đó, LNA là cứu cánh duy nhất của họ. Ông El-Kikhia cho rằng với 25.000 lính LNA thiện chiến, dày dặn kinh nghiệm sau 4 năm chiến đấu chống ‘khủng bố’ cùng nhiều vũ khí, trang thiết bị hiện đại, lực lượng dân quân của GNA chỉ là “những đứa trẻ cầm súng”.

Kiên trì một mục tiêu

Thứ hai, LHQ đã quá lạc quan về triển vọng hòa bình tại Libya và bước đi của LNA đã khiến tổ chức này không kịp trở tay. Bằng chứng là Tổng Thư ký Antonio Guterres đã không có bất kỳ thông tin gì về chiến dịch này cho đến khi nó diễn ra. Theo chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Clingendael (Hà Lan) Jadel Harchaoui, mục tiêu cuối cùng của LNA luôn là nắm quyền kiểm soát Tripoli. Chiếm được đầu mối về kinh tế - chính trị - ngoại giao này, LNA mới có thể nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Libya.

Đồng ý về triển vọng ngừng bắn và tổ chức Tổng tuyển cử với GNA và LHQ chỉ là cách Tướng Khalifa Haftar kéo dài thời gian, nhằm chuẩn bị cho chiến dịch quân sự tấn công Tripoli. LNA sẽ không dừng lại cho đến khi giành được ưu thế tuyệt đối hoặc quét sách hoàn toàn GNA ra khỏi Libya. Trong bối cảnh đó, LHQ khó có thể thuyết phục LNA ngồi lại vào bàn đàm phán hòa bình, chừng nào lực lượng này còn trên đà chiến thắng.

Tổng Thư ký Antonio Guterres chưa thể tìm ra được giải pháp cho bài toán khó mang tên Libya. (Nguồn: Reuters)

Nước lớn hờ hững

Cuối cùng, đối mặt với động thái nhanh và quyết liệt đến từ phía LNA, song các nước lớn trong cộng đồng quốc tế vẫn chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về can thiệp quân sự, nhằm đảo chiều cuộc nội chiến dai dẳng này và mọi động thái của các nước lớn ở thời điểm này đều dừng lại ở tuyên bố mang tính hòa hoãn.

Mỹ, quốc gia đã trực tiếp can thiệp quân sự và lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, đã phải trả một cái giá rất đắt cho chiến dịch của mình tại Libya. Trong bối cảnh lợi ích của Washington tại đây đã vơi dần, Nhà Trắng gần như chắc chắn sẽ không lặp lại sai lầm một lần nữa. Thêm vào đó, ông Khalifa Haftar từng có thời gian sống lưu vong và hiện đang giữ quốc tịch Mỹ; Tổng thống Donald Trump thậm chí có thể xây dựng quan hệ với vị Tướng này, “kết nạp” thêm đồng minh cho Mỹ trong khuôn khổ “Chiến lược châu Phi mới” cạnh tranh với Trung Quốc.

Nga từng nhiều lần thể hiện lập trường ủng hộ Tướng Khalifa Haftar và trong bối cảnh LNA đang trên đà chiến thắng, chẳng có lý do gì để Moscow tiêu tốn thêm tiền của tại Libya. Một trong những sai lầm chết người của Mỹ trong 20 năm trở lại đây chính là khởi mào để rồi sa lầy vào quá nhiều cuộc chiến cùng một lúc và Nga rõ ràng muốn tránh mắc phải sai lầm này. Moscow hiện vẫn đang vướng bận cuộc chiến tại Syria và nền kinh tế, dù đã ít nhiều khởi sắc, tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt cấm vận từ Washington và phương Tây. Trong bối cảnh đó, điều duy nhất Nga cần làm ở thời điểm hiện tại là “chờ thời”, xem xét tình hình chiến sự tại Libya trước khi đưa ra những nước cờ mới.

LHQ bất lực, các nước lớn không mặn mà cùng ưu thế quân sự khiến LNA được cho là sẽ giành chiến thắng trước GNA. (Nguồn: Reuters)

Trung Quốc, một người chơi lớn khác trong HĐBA LHQ, có thể nhận thấy lợi ích trong thiết lập quan hệ với Tướng Khalifa Haftar, người nhiều khả năng sẽ chiến thắng tại Tripoli, qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này tại Bắc Phi. Tuy nhiên, trong 40 năm trở lại đây, Bắc Kinh không tham dự vào bất kỳ cuộc chiến tranh ủy nhiệm nào tại khu vực Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung. Lần này nhiều khả năng cũng không phải là ngoại lệ, khi lợi ích của Trung Quốc tại Libya là chưa rõ ràng và Bắc Kinh đang muốn xây dựng hình ảnh một cường quốc yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Xét trong bối cảnh đó, thiếu vắng sự can thiệp trực tiếp của LHQ và các nước lớn trong HĐBA LHQ, LNA với ưu thế về mặt quân sự nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trước GNA. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng chỉ có ngoại giao mới có thể mang lại hòa bình lâu dài và chiến thắng về mặt quân sự của Tướng Khalifa Haftar chưa chắc có thể mang lại điều mà người dân Libya hằng mong muốn – hòa bình, ổn định và phát triển cho quốc gia đã hứng chịu quá nhiều thương đau từ chiến tranh.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/libya-lieu-tuong-khalifa-haftar-se-ca-khuc-khai-hoan-tai-tripoli-91451.html