Libya kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác trong việc rút các lực lượng nước ngoài

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 3/5, chính phủ lâm thời mới ở Libya kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác trong việc các lực lượng nước ngoài rút khỏi quốc gia Bắc Phi này, nhằm giúp thúc đẩy lệnh ngừng bắn kéo dài 7 tháng qua.

Ngoại trưởng Libya Najla al-Mangoush đưa ra lời kêu gọi trên trong cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đang thăm Tripoli.

Lực lượng thuộc Chính phủ đoàn kết dân tộc GNA do LHQ bảo trợ trong cuộc xung đột với các tay súng đối lập thuộc Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) tại mặt trận Al-Ramla ở Tripoli. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Lực lượng thuộc Chính phủ đoàn kết dân tộc GNA do LHQ bảo trợ trong cuộc xung đột với các tay súng đối lập thuộc Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) tại mặt trận Al-Ramla ở Tripoli. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Tuyên bố của Chính phủ Libya cho biết Ngoại trưởng Mangoush "kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn và các kết quả của Hội nghị Berlin, bao gồm việc rút các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê khỏi lãnh thổ Libya để ủng hộ chủ quyền của Libya".

Ngoại trưởng Libya nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp vào quá trình chấm dứt giao tranh và giúp lệnh ngừng bắn được thực thi.

Về phần mình, ông Cavusoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Chính phủ Libya duy trì an ninh và ổn định của đất nước. Ông nêu rõ hợp tác giữa Ankara và Tripoli trong khuôn khổ một hiệp định quân sự được ký kết cuối năm 2019 đã giúp Libya "tránh rơi vào nội chiến" và sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đã mở đường cho một lệnh ngừng bắn cũng như việc thành lập một chính phủ thống nhất tại Libya.

Chính phủ lâm thời Libya ra đời tháng 3 vừa qua, thay thế 2 chính quyền tồn tại song song gồm Chính phủ Hòa hợp dân tộc (GNA) có trụ sở ở Tripoli được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận và chính quyền ở miền Đông được lực lượng của Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn. GNA trước đây phụ thuộc nhiều vào sự hậu thuẫn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để đẩy lùi cuộc tấn công kéo dài gần 2 năm của lực lượng miền Đông dưới sự lãnh đạo của Tướng Haftar.

Chính phủ lâm thời có nhiệm vụ lãnh đạo Libya tiến hành cuộc bầu cử vào tháng 12/2021. Chính phủ mới được kỳ vọng đưa Libya thoát khỏi xung đột và hỗn loạn bao trùm đất nước kể từ sau chính biến 2011. Tuy nhiên, sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài - theo ước tính của Liên hợp quốc lên đến khoảng 20.000 người - được cho là mối đe dọa lớn đối với tiến trình chuyển tiếp tại Libya.

Lê Quang Trường (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/libya-keu-goi-tho-nhi-ky-hop-tac-trong-viec-rut-cac-luc-luong-nuoc-ngoai-20210504111210697.htm