Libya: Chiến sự căng thẳng

Liên hợp quốc hôm 19/4 cho hay họ đã sơ tán được 163 người tị nạn từ Libya - đất nước đang có chiến sự căng thẳng - sang quốc gia láng giềng Niger. Tuy nhiên, hơn 3.000 người khác vẫn đang bị mắc kẹt tại các trung tâm tạm giữ, bị ảnh hưởng bởi các cuộc đụng độ.

Chiến sự bùng phát căng thẳng ở thủ đô Tripoli trong suốt 2 tuần qua. (Nguồn: AP).

Chiến sự bùng phát căng thẳng ở thủ đô Tripoli trong suốt 2 tuần qua. (Nguồn: AP).

Chiến dịch nhân đạo

Đây là lần đầu tiên mà LHQ thực hiện chiến dịch sơ tán người tị nạn và người nhập cư khỏi Libya kể từ khi chiến sự bùng phát căng thẳng ở thủ đô Tripoli cách đây 2 tuần. “Theo tình hình hiện tại ở Libya, thực hiện các chiến dịch nhân đạo là điều cần thiết để cứu những người tị nạn đang chịu ảnh hưởng từ chiến sự ở Libya” - Trưởng Cơ quan phụ trách vấn đề người tị nạn của LHQ Filippo Grandi cho biết.

Chiến dịch sơ tán được thực hiện trong lúc chiến sự căng thẳng tiếp diễn giữa một bên là các lực lượng trung thành với tướng Khalifa Haftar và một bên là những lực lượng ủng hộ Chính phủ được quốc tế công nhận ở Libya (GNA). Chiến sự gia tăng đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và hơn 900 người khác bị thương. Cùng với đó là hơn 25.000 người đã bị mất nhà cửa- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18/4 cho biết. .

Sáng 19/4, hàng chục phụ nữ và trẻ em nằm trong số những người được sơ tán trên chuyến bay của Ủy ban Vấn đề người tị nạn LHQ (UNHCR), hạ cánh tại một sân bay ở Niger. Tất cả những người này trước đó bị mắc kẹt trong các trung tâm tạm giam, ở vị trí sát các khu vực xảy ra xung đột.

UNHCR cho hay, trước đó họ đã chuyển rất nhiều người tị nạn, người di cư từ 2 trung tâm Abu Selim và Ain Zara tới Cơ sở tập trung và sơ tán (GDF) ở trung tâm thủ đô Tripoli của Libya. Tính đến thời điểm này, cơ quan trên đã sơ tán được khoảng 539 người tị nạn đến từ các trung tâm tạm giữ gần khu vực có chiến sự.

Tuy nhiên, UNHCR cho hay vẫn còn hơn 3.000 người tị nạn và di cư vẫn đang bị mắc kẹt trong các trại tạm giữ, nơi chiến sự đang gia tăng. Cơ quan này cho hay, họ “đặc biệt quan ngại” về sự an toàn của những người “bị mắc kẹt bên trong các trung tâm tạm giữ, vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng bạo lực”.

Ông Grandi, người đứng đầu UNHCR hoan nghênh Niger vì tiếp nhận người tị nạn, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác có động thái tương tự. “Tinh thần của Niger trong việc tiếp nhận người tị nạn đáng được noi theo, nhưng Niger không thể làm việc này một cách đơn độc” - vị quan chức trên nói.

UNHCR đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp trước cộng đồng quốc tế để tìm ra giải pháp cho những người tị nạn bị mắc kẹt ở Libya. Ngoài ra, cơ quan này cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải thiết lập các hành lang nhân đạo để cho phép người tị nạn ở Tripoli tìm đường sơ tán ra nước ngoài một cách an toàn.

Chiến sự căng thẳng

Chiến dịch sơ tán được thực hiện trong bối cảnh cuộc chiến giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli gia tăng đáng kể trong tuần, các lực lượng dân quân của GNA và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Haftar dẫn đầu giao chiến dữ dội trên vùng ngoại vi phía Nam thủ đô.

Trong suốt 72 giờ qua, các đơn vị vũ trang GNA và LNA liên tục chiến đấu giành quyền kiểm soát thị trấn Aziziyah và Căn cứ doanh trại sư đoàn 4. Các binh sĩ của LNA cố gắng đánh bật các nhóm dân quân vũ trang GNA trên khu vực hai thị trấn Swami và Zahraa, nhưng lực lượng GNA quyết liệt đánh trả, cuộc chiến rơi vào thế giằng co.

Lực lượng dân quân GNA triển khai tiến công vào chiến tuyến của lực lượng LNA tại thị trấn Swami, nỗ lực đẩy lùi các đơn vị quân đội của nguyên soái Khalifa Haftar ra khỏi vùng phía Nam Tripoli. Đáp trả, lực lượng không quân LNA yểm trợ lực lượng mặt đất, ngăn chặn đòn tiến công của GNA tại thị trấn Swami bằng hàng loạt cuộc không kích trên tuyến đường vận từ Tripoli.

Trong 2 tuần qua, cuộc chiến giành thủ đô Libya này đã khiến ít nhất 47 người chết, trong đó có 9 thường dân. LNA, lực lượng kiểm soát vùng nông thôn miền Đông Libya, đặt mục tiêu chiếm toàn bộ lãnh thổ từ GNA và thủ đô Tripoli, do quốc gia này bị chia rẽ thành vùng quản lý của hai Chính phủ đối nghịch kể từ năm 2014.

Cuộc chiến đã khiến 4.500 cư dân Tripoli phải di tản và có nguy cơ biến thành chiến trường Syria thứ 2 - theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (UNOCHA) của LHQ.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/libya-chien-su-cang-thang-tintuc435000