Libya: Bất ngờ đề nghị đàm phán với LNA, Thổ ngán Nga?

'Yếu tố Nga' có ảnh hưởng ngày càng đậm nét hơn trong ván cờ Libya mới khiến Erdogan-Ankara hoảng sợ và yêu cầu đàm phán với LNA...

Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ đề nghị đàm phán với Quân đội Quốc gia Libya

Sau khi quân đội Nga được cho là đưa các tiêm kích MiG-29, Su-35 và máy bay ném bom Su-24 sang Libya, Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ đề nghị đàm phán với Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Nguyên soái Khalifa Haftar, theo Avia-pro ngày 2/6.

Thổ Nhĩ Kỳ từng đe dọa sẽ phá hủy ngay lập tức tất cả máy bay chiến đấu của Nga, nếu nó xuất hiện ở Libya. Tuy nhiên, khi MiG-29, Su-35 và Su-24 được cho là đã xuất hiện tại Libya thì dường như Ankara lại hoảng loạn.

Trong khi đó, LNA cho biết đã sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công tổng lực vào lực lượng của Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya (GNA) cũng như quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng đồng minh, bao gồm cả việc sử dụng máy bay chiến đấu.

Đây là một viễn cảnh cực kỳ nguy hiểm với Thổ. Chính vì vậy, Ankara đã vội vã yêu cầu đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn với Quân đội Quốc gia Libya của tướng Khalifa Haftar, lực lượng đang nắm quyền kiểm soát miền đông Libya.

Chiến đầu cơ của Nga bị cho là đã xuất hiện tại Libya

Chiến đầu cơ của Nga bị cho là đã xuất hiện tại Libya

Tuy nhiên, LNA chưa chấp nhận yêu cầu đàm phán về một giải pháp hòa bình. Đàm phán chỉ được quan tâm đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ và GNA. Rõ ràng, Ankara đã cảm nhận được mình đang đứng trước nguy cơ.

Đáng nói là Ankara chưa thể biết xác về số lượng máy bay chiến đấu Nga xuất hiện tại các căn cứ không quân của LNA. Ban đầu có thông tin rằng chỉ có 4 máy bay chiến đấu MiG-29, tuy nhiên, căn cứ hình ảnh vệ tinh thì không hẳn như vậy.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, không quân Nga đã điều động tới 14 chiến đấu cơ sang Libya, bao gồm Su-35, MiG-29 và Su-24, vì trong khi hành quân từ Syria sang đất Libya, các máy bay quân sự của Nga đã bị phía Mỹ phát hiện.

Nếu thông tin trên là chính xác, thì số lượng chiến đấu cơ Nga tại Libya đã vượt xa so với thống kê ban đầu, đồng thời lớn hơn cả quy mô lực lượng đang trực chiến tại căn cứ Hmeimim ở Syria.

Tướng Steven Townsend, Chỉ huy Bộ Tư lệnh của Mỹ ở châu Phi (AFRICOM) cho biết: "Nga đã điều động máy bay chiến đấu tới Libya để hỗ trợ các hỗ trợ phe LNA chiến đấu chống lại GNA.

Phi đội chiến đấu cơ đã xuất phát từ một căn cứ không quân ở Nga, quá cảnh Syria và bổ sung lực lượng trước khi bay tới Libya. Những chiếc máy bay này đều được sơn lại nhằm che giấu nguồn gốc thực sự".

Theo tướng Townsend : "Moscow đang mở rộng sự can dự vào tình hình tại Libya và khu vực Bắc Phi bằng cách sử dụng những nhóm lính đánh thuê được chính phủ hậu thuẫn, tương tự như cách họ đã làm tại Syria".

Thông tin báo chí của AFRICOM cảnh báo: "Từ lâu Nga vẫn phủ nhận sự liên quan đến cuộc xung đột Libya. Nhưng bây giờ Moscow không thể bác bỏ. Chúng tôi theo dõi sát sao khi Nga gửi máy bay chiến đấu đến Libya và đã có đầy đủ bằng chứng".

Trước cáo buộc trên, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Andrei Krasnov cho rằng : "Một câu chuyện giật gân khác từ phía Mỹ. Đây là sự giả mạo và thông tin được tuyên truyền hoàn toàn sai lệch".

Trong khi đó lại có thông tin trong phi đội tiêm kích hạ cánh xuống lãnh thổ Libya, 6 chiếc MiG-29 của Belarus bán cho LNA. Tuy nhiên, Minsk chưa đưa ra bình luận, còn LNA cho biết đây chỉ là các chiến đấu cơ của họ được mang đi sửa chữa.

Chưa rõ thực hư ra sao, nhưng rõ ràng ảnh hưởng của "yếu tố Nga" ngày càng đậm nét trong ván cờ Libya và đã bắt đầu làm thay đổi cục diện cuộc chiến giữa "người của Mỹ" và "người thân Mỹ", và tạo ra sự e ngại với Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Ảnh hưởng của "yếu tố Nga" ngày càng đậm nét trong ván cờ Libya

Thổ đã thực sự ngán Nga

Theo giới phân tích, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị đàm phán với LNA về thỏa thuận ngừng bắn không hẳn là lo sợ trước những chiếc đấu cơ Nga được cho là đã xuất hiện tại Libya, mà thực ra là Ankara ngán nước cờ của Putin sau động thái này.

Thứ nhất, Libya không phải là Syria - nơi Erdogan-Ankara nghiễm nhiên trở thành một thực thể có ảnh hưởng mang tính mặc định, mà các nước cờ, thế cờ của Tổng thống Putin không thể không tính đến.

Điều đó thể hiện ở 2 điểm chính. Một làđịa chính trị-địa chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ luôn có trong hệ quy chiếu cho lựa chọn hành động của tất cả các bên, khi Thổ Nhĩ Kỳ là nước láng giềng của Syria.

Hai làĐảng Công nhân người Kurd chưa được Mỹ thanh tẩy khỏi danh sách các tồ chức khủng bố quốc tế, khiến Erdogan-Ankara có cái cớ để tấn công người Kurd ở bắc Syria, nên Thổ Nhĩ Kỳ luôn có vị thế nhất định trong ván cờ Syria.

Tuy nhiên, với Libya thì hoàn toàn khác. Muốn tạo vị thế, Erdogan-Ankara phải hành động với mức độ rủi ro cao, nhất là khi đất nước Libya thời hậu Gaddafi luôn ở trong vòng xoáy vô định, mà các tác giả công cuộc xóa độc tài-gieo dân chủ cũng bất lực.

Điều đó đặt ra yêu cầu là khi can thiệp vào Libya, Erdogan-Ankara phải có nước cờ hiểm, tạo dựng được thế cờ độc, từ đó mới hy vọng hiệu chỉnh được ván cờ. Song đây lại là điểm yếu nhất của Ankara vì thế cờ mang tính mặc định trong ván cờ Syria.

Ngược lại, từ khi can thiệp vào Syria, Tổng thống Putin đã phải chắt chiu từng nước cờ, từng thế cờ và rồi dần đạo diễn ván cờ. Với thực tế này, rõ ràng trong cuộc đối trọng tại Libya, Erdogan chưa thể là đối thủ xứng tầm của Putin.

Cụ thể, trong ván cờ Libya, Nga nắm nhiều quân cờ chủ lực hơn Thổ, mà thể hiện rõ nhất là Nga được cả "người của Mỹ - LNA" và "người thân Mỹ - GNA" đặt niềm tin và gieo hy vọng, còn Thổ thì chỉ kết nối với GNA.

Thứ hai, những động thái gần đây của Nga có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ hổng chân tại Libya, nếu chỉ đứng sau Chính phủ Đoàn kết Quốc gia mà không kết nối với lực lượng đang kiểm soát miền đông Libya.

Đó là việc Nga bỏ phiếu trắng các nghị quyết của HĐBA về Libya, từ đó đặt ra vấn đề về vai trò và địa vị pháp lý của các lực lượng đang kiểm soát Libya, điều GNA và các thế lực đứng sau thực thể này luôn ái ngại.

Bởi lẽ GNA, là thực thể nắm giữ quyền lực ở phía Tây Libya, nhưng không thể giành được sự ủng hộ của Quốc hội Libya - điều kiện tiên quyết để Tòa án tối cao Libya ra quyết định công nhận tính hợp pháp đối với GNA.

Putin nắm nhiều quân cờ chủ lực trong ván cờ Libya

Mà khi Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya không được Tòa án Tối cao Libya công nhận tính hợp pháp, thì thực thể chính trị này không thể tham gia các điều ước quốc tế nhân danh Libya, theo The Guardian.

Vì vậy, chỉ cần Moscow soi địa vị pháp lý của GNA là Ankara "không thể ngồi yên đứng yên". Điều này khiến việc Nga trợ giúp LNA luôn có hiệu quả kép, từ đó đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào thế bất lợi.

Chính vì vậy, "yếu tố Nga" có ảnh hưởng ngày càng đậm nét hơn trong ván cờ Libya mới là lý do khiến Erdogan-Ankara hoảng sợ và yêu cầu đàm phán với LNA nhằm hóa giải nguy cơ, chứ không hẳn vì những chiến đấu cơ Nga được cho là vừa xuất hiện tại Libya.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/libya-bat-ngo-de-nghi-dam-phan-voi-lna-tho-ngan-nga-3404172/