Libra - một thực tế không thể né tránh

Trao đổi với DĐDN, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nếu được chấp nhận và công nhận, đồng Libra sẽ cạnh tranh, thậm chí thay thế một số đồng tiền pháp định hiện nay.

Đây cũng là xu thế tất yếu mà các nhà quản lý của các quốc gia trên thế giới cần lưu tâm theo dõi.

- Libra ra đời sẽ thay đổi hệ thống thanh toán toàn cầu như thế nào, thưa ông?

Đồng Libra ra đời hứa hẹn thay đổi phương thức thanh toán toàn cầu hiện nay, nhờ các đặc tính của một đồng tiền kỹ thuật số nói chung và đồng Libra nói riêng. Về cơ bản, sự phát triển tiền số tạo ra đồng tiền thanh toán trên nền tảng công nghệ cao, qua đó góp phần giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, tăng vòng quay của đồng tiền…

Tuy nhiên, ưu điểm này chỉ có thể phát huy nếu tiền số và công nghệ đi kèm là sản phẩm, dịch vụ đáng tin cậy và được Chính phủ các nước và đại đa số người sử dụng chấp nhận. Những thất bại liên quan đến đồng Libra có thể làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng vào các hệ thống thanh toán điện tử nói chung và đồng Libra nói riêng, trong khi khả năng chuyển đổi trở lại các phương tiện thanh toán truyền thống khó có thể thực hiện được ngay. Dù vậy, tác động của Libra đến hệ thống thanh toán toàn cầu của hệ thống thanh toán toàn cầu không hề nhỏ, đòi hỏi các cơ quan quản lý, NHTW các nước vào cuộc và có phương án tiếp cận, quản lý phù hợp.

- Libra được nhận định có thể sẽ thách thức các đồng tiền pháp định của các quốc gia. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ngày 2/7 vừa qua, Hạ viện Mỹ chính thức yêu cầu Facebook dừng dự án tiền kỹ thuật số Libra cho đến khi Quốc hội và các nhà quản lý Mỹ có thời gian để điều tra những rủi ro với hệ thống tài chính toàn cầu. Phản ứng này của Hạ viện Mỹ cho thấy lo ngại của các quốc gia lớn đối với sự xuất hiện và lớn mạnh của đồng tiền mới này.

Các giao dịch thanh toán bằng Libra và sau này là hệ sinh thái Libra chưa được quản lý, nên có thể gây ra một số hệ lụy, thậm chí bị cấm đoán.

Libra sẽ khó trở thành một đồng tiền pháp định bởi nó không phải đồng tiền của một quốc gia nào, không phải do một NHTW phát hành và không được đảm bảo bởi một Chính phủ. Tuy nhiên, đồng tiền này được công bố là có bảo đảm bởi các tài sản thực như chứng chỉ tiền gửi, chứng khoán chính phủ… Bởi vậy, nếu được chấp nhận và công nhận, đồng Libra sẽ cạnh tranh, thậm chí có thể bổ sung, thay thế một số đồng tiền pháp định hiện nay, nhất là những quốc gia có đồng nội tệ yếu và tình hình kinh tế vĩ mô kém ổn định (như Venezuela, Colombia…). Đây cũng là điều mà các nhà quản lý đang lưu tâm theo dõi.

- Các quy định pháp lý áp dụng cho tiền kỹ thuật số nhìn chung còn chưa đầy đủ, kể cả ở các quốc gia có thể cho phép giao dịch Libra. Điều này sẽ đặt ra thách thức gì với Libra, thưa ông?

Đây sẽ là thách thức lớn với Facebook và các thành viên sáng lập trong việc mở rộng và phát triển hệ thống thanh toán của mình. Các giao dịch và hoạt động thanh toán bằng Libra và sau này là hệ sinh thái Libra chưa được quản lý và có thể gây ra một số hệ lụy tiêu cực; thậm chí có khả năng sẽ gặp phải sự cấm đoán, mặc dù rủi ro này có thể không xảy ra trong giai đoạn đầu nhưng ở các giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, đặc điểm của hệ thống khung pháp lý, trong nhiều lĩnh vực thường đi sau sự phát triển, đòi hỏi của thực tiễn… Do đó, nếu các quốc gia có một khung pháp lý tổng quát (rõ ràng về mặt quan điểm và định hướng) hay dạng thí điểm (sand box), thì các quy định cụ thể có thể dần được hoàn thiện và đây sẽ không còn là vấn đề quá lớn đối với Facebook và các thành viên sáng lập.

- Tiền kỹ thuật số là xu thế khó đảo ngược, Việt Nam nên ứng xử lý thế nào với đồng tiền này, thưa ông?

Theo quan điểm của tôi, không thể ngăn cấm hoàn toàn tiền số, mà vấn đề là nên quản lý, kiểm soát đồng tiền này như thế nào?. Theo đó, Chính phủ cần có phương thức quản lý phù hợp. Cụ thể, việc chấp nhận đồng tiền số trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp, nhưng cũng không thể đi ngược lại xu thế.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc quản lý tiền số nói chung và Libra nói riêng (nếu đồng tiền này đi vào hoạt động) của Việt Nam nên theo hướng thận trọng, có quan sát và vận dụng. Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền số cần phải được cấp phép theo tiêu chuẩn nhất định và phải thường xuyên được giám sát chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch. Thứ hai, cần có những quy chế đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số như quy định về việc phân tách giữa tài sản của khách hàng với tài sản của công ty, phải đáp ứng các yêu cầu về tài chính, chuyên gia, công nghệ thông tin.

Các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng và nhất quán thực thi chiến lược tổng thể về hệ thống thanh toán quốc gia, trong đó thanh toán không tiền mặt cần có đột phá. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp quản lý các giao dịch thanh toán, chuyển tiền (gồm cả tiền kỹ thuật số) xuyên biên giới.

Các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc xuất hiện đồng Libra; từ đó có phương án về cách tiếp cận, ứng xử và kịch bản quản lý, giám sát phù hợp.

- Xin cảm ơn ông.

Nguyễn Long thực hiện

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/libra-mot-thuc-te-khong-the-ne-tranh-153711.html