'Lì xì' truyền thống đang dần biến mất ở Trung Quốc

Thế kỷ XXI, lì xì được cập nhật theo phương thức mới: Thay vì 'trao tay', số tiền mừng tuổi được chuyển từ smartphone này sang smartphone khác.

Lì xì hàng triệu đồng có phải văn minh, sành điệu? Nhiều người được nhận lì xì chỉ quan tâm tiền bên trong mà không biết rằng phong bao đỏ mới là phần chính, mang ý nghĩa của việc mở hàng đầu năm.

Người phương Tây thích tặng những món quà hữu ích, thể hiện sự chu đáo cho người thân, bạn bè trong dịp lễ. Với người dân các nước ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, họ có truyền thống tặng lì xì - tiền mặt cho nhau.

Lì xì (hay hồng bao trong tiếng Quan Thoại) là nét đẹp truyền thống để dành tặng những lời chúc tốt lành cho năm mới, tuổi mới. Phong tục này thường xảy ra trong thời gian Tết Nguyên đán.

Những đồng tiền mừng tuổi nằm gói gọn trong phong bao lì xì trao tay đã tồn tại lâu đời. Ở thế kỷ XXI, nó đã được cập nhật theo phương thức mới: Thay vì "trao tay", lì xì được chuyển từ smartphone này sang smartphone khác.

Từ lì xì trực tuyến...

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2014, khi ứng dụng Wechat của Tencent ra mắt chức năng lì xì trực tuyến, liên kết với Wechat Pay. Số tiền lì xì trực tuyến không đáng là bao. Trên thực tế, người nhận cũng không đặt nặng tiền nhận được thông qua hình thức này.

Theo nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, lì xì trực tuyến được đánh giá cao nhờ chuyển tải thông điệp, gắn kết các mối quan hệ trong xã hội.

Ngày nay người ta có thể lì xì mà không cần dùng đến bao lì xì. Ảnh: Beijing Review.

Ngày nay người ta có thể lì xì mà không cần dùng đến bao lì xì. Ảnh: Beijing Review.

Người dùng thường gửi số tiền mà khi phát âm, thể hiện được ý nghĩa lời chúc. Ví dụ, số 8 trong tiếng Trung đồng nghĩa từ may mắn, nên số tiền 8,88 Nhân dân tệ (khoảng 1,32 USD) thường được đề xuất gửi nhất. Đứng thứ 2 là 6,66 Nhân dân tệ với ý nghĩa "tuyệt vời", 5,2 tệ cho cụm từ "Tôi yêu bạn".

Theo Wechat, tại Hong Kong, lì xì truyền thống vẫn còn rõ nét khi chỉ có 2% lì xì trực tuyến diễn ra. Trong khi đó tại Trung Quốc, có đến 68% lì xì được thực hiện theo phương pháp mới.

Tết 2018, khoảng 768 triệu người đã sử dụng Wechat để lì xì. Điều này có lẽ không mấy bất ngờ bởi tại quốc gia tỷ dân, ngay cả người ăn xin từ lâu cũng đã sử dụng QR code để tiện việc bố thí.

Bên cạnh lì xì trực tuyến, Wechat cũng giới thiệu tính năng rút thăm may mắn trong nhóm người dùng. Ví dụ, khi một người gửi lì xì 3 USD cho nhóm 5 người, họ có thể biến nó thành 3 bì với số tiền ngẫu nhiên. Ba người đầu tiên mở bao sẽ nhận được số tiền bất kỳ, có thể là 2,5 USD, 1 hoặc 0,01 USD ngẫu nhiên.

Phương thức lì xì mới này đã trở thành hoạt động trực tuyến rất được yêu thích tại Trung Quốc trong thời gian Tết 2014. Theo Sina, 8 triệu người dùng tham gia với hơn 40 triệu "lì xì" đã được gửi đi.

Trong năm 2019, người dùng Wechat còn được gửi đi những phong bao điện tử có thể dán nhãn hoạt hình. Đây là điều không thể có trên những bao lì xì truyền thống.

...đến nửa trực tuyến, nửa truyền thống

Khi không ít người dùng đã quen với cách lì xì trực tuyến trên, họ tiếp tục "đối mặt" với hình thức mừng tuổi mới. Nhằm giữ được văn hóa truyền thống, trong khi vẫn tích hợp tinh hoa thời đại công nghệ, lì xì bao không đang là xu hướng của Tết 2019.

Cụ thể, các bao lì xì sẽ được tích hợp mã QR code, cho phép người dùng vẫn tặng nhau các bao truyền thống, trong khi số tiền sẽ chuyển qua ví điện tử.

Những chiếc bao lì xì chứa mã QR code của ngân hàng DBS. Ảnh: DBS.

Tại Việt Nam, hình thức lì xì này đã được thấy qua một số đám cưới nổi tiếng trên mạng xã hội cách đây không lâu. Cách này được cho là thuận tiện với những người không thể dự đám, vừa "hợp thời".

Các ngân hàng nổi tiếng trên thế giới như Standard Chartered và Citibank đã bắt đầu cung cấp những bao lì xì không tiền mặt tích hợp QR code cho khách hàng trong năm nay. Trong khi DBS Bank chứng kiến lượt sử dụng tính năng tương tự tăng gấp 6 lần trong năm vừa qua.

Một cách khác khi ứng dụng công nghệ vào truyền thống trong năm 2019, là việc ra đời các bao lì xì được thiết kế để thể hiện hình ảnh chuyển động khi quét dưới ứng dụng di động.

Chuỗi khách sạn Hotel Jen ở Tanglin, Singapore kết hợp cùng The Little Arts Academy đã cho ra mắt các bao lì xì như trên. Khi quét qua ứng dụng hỗ trợ, hình ảnh thiết kế bằng công nghệ AR sẽ khiến cho những chú chim bình thường trở nên sống động.

Truyền thống có dần mai một?

Sự phát triển chóng mặt của công nghệ, với nhiều hình thức lì xì sẽ thay thế cho những phong bao truyền thống? Điều này không phải không thể xảy ra.

Hãng in Caston đã hoạt động được 30 năm cho biết trong thời hoàng kim, công ty đã in gần 70 triệu bao lì xì trong mùa Tết, cũng như chứng kiến nhiều xu hướng thiết kế phong bì theo thời gian.

"Hai ba mươi năm về trước, bao lì xì được thiết kế rất đơn giản, chỉ là giấy và vàng mạ dập bình thường. Hai màu chủ đạo chỉ gồm vàng và đỏ", Alvin Tan, Giám đốc sáng tạo Caston cho biết.

Những chiếc bao lì xì ngày nay còn được thiết kế để biến thành nhân vật hoạt hình chuyển động được khi quét qua ứng dụng di động. Ảnh: Mediacorp.

Sau đó, Caston bắt đầu thử nghiệm các thiết mới với nhiều màu sắc, chất liệu giấy khác nhau. Thị trường sản xuất bao lì xì cũng dần tiến bộ, các kỹ thuận in cắt phát triển cho ra đời những mẫu bao cầu kỳ, phức tạp. Đến 2019, Caston đã giảm một nửa sản lượng bao lì xì do sự cạnh tranh khốc liệt không chỉ từ các công ty khác, mà cả từ những hình thức kể trên.

Tuy nhiên, Alvin Tan cho rằng cách lì xì truyền thống vẫn là vô giá. "Cá nhân tôi nghĩ rằng dù công nghệ có tiên tiến đến đâu, lì xì truyền thống vẫn là hình thức biểu trưng đắt giá nhất cho năm mới", ông Tan cho biết.

Đại Việt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/li-xi-truyen-thong-dang-dan-bien-mat-o-trung-quoc-post914755.html