Lì xì đầu năm có bị bóp méo, sai lệch ý nghĩa?

Dịp Tết đến Xuân về, tục mừng tuổi (lì xì) mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, bình an cho mọi người.

Không biết từ bao giờ, người Việt truyền nhau tục mừng tuổi (lì xì) đầu năm mới. Bắt đầu từ thời khắc giao thừa thiêng liêng, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi người lại cùng quây quần bên nhau, người lớn lì xì cho trẻ nhỏ mong cho hay ăn, chóng lớn, học giỏi.

Ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa-Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa-Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bên cạnh đó, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ thể hiện lòng thành kính biết ơn, cầu chúc năm mới nhiều phước an.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, ngày Tết có tục lì xì. Ở đây, người trên lì xì người dưới và người dưới kính biếu người trên.

Ông Chức kể, từ xưa, có những cụ buôn bán nhỏ, khi bán hàng nhận được 1 hào mới thì vuốt thật phẳng và cất giữ kĩ lưỡng, để đến Tết, họ đem lì xì cho con cháu hoặc kính biếu ông bà cha mẹ.

Trước đây, mọi người thường lấy đồng tiền 500 đồng màu đỏ để lì xì. Đây là màu của thành công, vui tươi. Người ta dùng đồng tiền tượng trưng chứ không phải là mệnh giá bao nhiêu.

Theo Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ý nghĩa tiền bạc thời xưa khác với đồng tiền ngày nay. Hiện nay, việc đổi tiền lẻ mới diễn ra tràn lan. Đồng tiền dùng để lì xì nhiều khi bị bóp méo, làm sai lệch ý nghĩa của mừng tuổi đầu năm.

"Mừng tuổi, lì xì là biếu, thể hiện tấm lòng con cháu với cha mẹ hay những lời chúc tốt lành của người lớn với trẻ nhỏ chứ không phải hối lộ"- ông Chức nói.

Trao đổi về vấn đề Tết xưa và nay, ông Chức cho rằng, những phong tục xưa mà hay nên bảo tồn và những văn minh mới nên tiếp nhận. Ở từng lứa tuổi khác nhau sẽ đón Tết cũng khác nhau, như khi còn nhỏ, rất thích Tết, đến lúc trưởng thành đôi khi lại sợ Tết.

Ông Chức nói: "Tôi cho rằng chẳng bao giờ có thể phai nhạt văn hóa của Tết truyền thống. Những gì đã là đẹp sẽ rất khó mất đi. Con người đủ thông minh, nhất là con người của dân tộc ta trải qua bao khó khăn không chỉ là giao thoa văn hóa mà cả cưỡng bức văn hóa, nhưng cuối cùng văn hóa Việt Nam vẫn là văn hóa Việt Nam".

Một số người hoài cổ cho rằng Tết đang phai nhạt dần. Tuy nhiên, theo ông Chức, Tết xưa vẫn đang tồn tại trong mỗi gia đình. Đó là tình cảm, suy nghĩ cách đón Tết, người đi xa về gần vẫn giữ được nét truyền thống sum vầy, Tết hướng nội, tập trung vào chuyện gia đình.

"Mỗi nhà có bánh chưng, bánh tét, cành đào, mai vàng, lọ hoa… nhưng tất cả đều có ý nghĩa Tết sum vầy ai cũng muốn trang hoàng cho làng quê, phố phường đẹp hơn. Tất cả đều mang tình cảm tốt đẹp về cái tết, đó là nét xưa" - ông Chức nói.

Theo Lao động

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/doi-song/352660/li-xi-dau-nam-co-bi-bop-meo-sai-lech-y-nghia-.html