Lí do 'sát thủ' R-77 vẫn được Nga trọng dụng trên tiêm kích Su-57

Tên lửa không đối không R-77 được coi là đối trọng với tên lửa AIM-120 do Mỹ sản xuất ở thời điểm nó được tạo ra vào năm 1984, tuy nhiên, nó lại không có một số phận suôn sẻ khi bị ảnh hưởng nhiều bởi việc Liên-xô sụp đổ. Tuy nhiên, đến nay, Nga vẫn tin tưởng mẫu tên lửa này và trang bị nó như vũ khí đối không tiêu chuẩn trên tiêm kích thế hệ mới Su-57.

 Tập đoàn sản xuất tên lửa chiến thuật Nga sẽ nâng cấp R-77 trước khi đưa nó lên Su-57.

Tập đoàn sản xuất tên lửa chiến thuật Nga sẽ nâng cấp R-77 trước khi đưa nó lên Su-57.

Theo nhà sản xuất này, điều đáng chú ý nhất của phiên bản mới là việc nó được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA).

Thế hệ R-77 cũ được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và radar chủ động, tuy nhiên, nó không có khả năng thay đổi tần suất, phạm vi và mục tiêu tập trung theo dõi để tăng cường độ chính xác như AESA.

R-77 được thiết kế với 4 cánh lưới dưới đuôi nhằm tăng khả năng chuyển hướng khi cần thiết, đồng thời khiến góc tấn công cao hơn là khi dùng kiểu cánh đặc.

Loại tên lửa này cũng được đánh giá tốt hơn AIM-120 của Mỹ ở việc nó sử dụng ngòi nổ laser thay vì radar nên miễn nhiễm với các hệ thống tác chiến điện tử.

Mặc dù có khả năng làm việc và thiết kế tốt nhưng R-77 lại kém nổi tiếng hơn so với AIM-120 vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Đầu tiên là việc Liên-xô có rất ít mẫu máy bay có thể sử dụng tên lửa này. Tiêm kích hàng đầu của Liên-xô trước kia là Su-27S không thể mang theo R-77, chỉ có MiG-29S có khả năng sử dụng, tuy nhiên, mẫu máy bay này lại có khả năng chiến đấu kém hơn Su-27 và mang nhiều hạn chế trong tác chiến không đối không.

Chỉ đến năm 2004, khi quân đội Nga bắt đầu nâng cấp Su-27S lên tiêu chuẩn Su-27SM, nó mới mang được R-77 và từ đó trở nên phổ biến hơn.

Số lượng đặt hàng R-77 từ không quân Nga vẫn ở mức thấp cho tới năm 2009 và một hợp đồng lớn hơn vào năm 2012.

Tiêm kích Su-35S gần đây cũng đã được nhìn thấy mang theo R-77.

Những điểm đáng chú ý khác của thế hệ R-77 mới còn đến từ việc Nga có thể phát triển phiên bản sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet), điều sẽ đưa tầm bắn của nó lên 180km và tốc độ lớn hơn Mach 5.

Loại tên lửa mới nhiều khả năng cũng nhẹ hơn để mang bên trong bụng máy bay Su-57, từ đó bảo toàn được khả năng tàng hình trong điều kiện tác chiến bí mật.

Đặng Vũ (Theo National Interest)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/li-do-sat-thu-r77-van-duoc-nga-trong-dung-tren-tiem-kich-su57/750874.antd