Li-bi bắt đầu 'một chương mới'?

Ngày 20-10, báo chí nước ngoài đều đồng loạt đưa tin, nhà lãnh đạo bị lật đổ của Li-bi, ông M.Ca-đa-phi đã bị giết chết sau khi bị các tay súng Li-bi bắt giữ tại thành trì cuối cùng của ông ở thành phố quê hương Xơ-tê.

Đại tá Ca-đa-phi

Hình ảnh của ông Ca-đa-phi được nhìn thấy trong bộ dạng toàn thân đầy máu. Cái chết của ông Ca-đa-phi được coi là đã chấm dứt 8 tháng xung đột giữa lực lượng chống đối được phương Tây hậu thuẫn và một bên là lực lượng trung thành với ông Ca-đa-phi. Tuy cái chết của ông Ca-đa-phi vẫn còn gây nghi ngờ về tính xác thực, nhưng các nước phương Tây đã cho rằng đây là bước khởi đầu cho việc xây dựng đất nước Li-bi mới. Tuy nhiên, cái chết của ông cũng là một trở ngại trong việc tìm kiếm sự thật hoàn toàn trong vụ nổ bom Lốc-cơ-bai năm 1988 tại Xcốt-len làm 270 người thiệt mạng (trong đó chủ yếu là người Mỹ).

Hiện tại thông tin về cái chết của ông Ca-đa-phi mới chỉ được duy nhất Hội đồng dân tộc chuyển tiếp Li-bi (gọi tắt là NTC) xác nhận, song nhiều quốc gia phương Tây đã lên tiếng cho rằng sự kiện này đánh dấu "một chương mới" tại quốc gia Bắc Phi sau nhiều tháng xung đột. Phát biểu trong cuộc họp cấp cao tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) tại Niu Yoóc, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun cho rằng cái chết của ông Ca-đa-phi đã "đánh dấu một sự chuyển tiếp lịch sử tại Li-bi" và hối thúc tất cả các bên liên quan "hạ vũ khí trong hòa bình”. Ông cho rằng, giờ đây là thời điểm để chữa lành vết thương và tái thiết đất nước, với sự rộng lượng bao dung, chứ không phải trả thù.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tuyên bố Oa-sinh-tơn sẽ trở thành đối tác của Li-bi và sứ mệnh của NATO tại quốc gia Bắc Phi "sẽ sớm kết thúc". Tuy nhiên thách thức phía trước đối với chính quyền mới ở đây là công cuộc tái thiết đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh này sẽ rất "nặng nề" theo như lời cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã kêu gọi NTC đảm bảm bảo về một quá trình chuyển tiếp dân chủ và hòa bình tại Li-bi. Theo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, bà Ca-thơ-rin A-stôn, tôn trọng nhân quyền nên là một ưu tiên hàng đầu của NTC và chính phủ các nước châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ NTC trong nỗ lực tái thiết Li-bi. Chính phủ nhiều quốc gia khác trên thế giới như Anh, Đức, Ai Cập... cũng đưa ra các cam kết tương tự.

Các tay súng thuộc phe nổi dậy vui mừng trước tin ông Ca-đa-phi bị giết chết.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép bày tỏ hy vọng hòa bình sẽ trở lại với Li-bi. Ông bày tỏ tin tưởng rằng ban lãnh đạo lâm thời tại Li-bi, với đại diện nhiều bộ tộc tại Li-bi, sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng về cơ cấu quyền lực và Li-bi sẽ trở thành một nhà nước dân chủ hiện đại."

Liên minh châu Phi (AU) cùng ngày tuyên bố đã dỡ bỏ quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Li-bi. AU cũng đã quyết định sẽ cho phép chính quyền hiện thời ở Li-bi được giữ vị trí của chính quyền cũ ở Li-bi tại AU và các cơ quan khác của khối này, đồng thời sẽ thiết lập văn phòng liên lạc ở Tơ-ri-pô-li và do một đại diện đặc biệt đứng đầu.

Đại tá Mu-a-mơ Ca-đa-phi sinh năm 1942 tại Xơ-te, thành phố duyên hải nằm cách thủ đô Tơ-ri-pô-li 300 km. Năm 1969, ông Ca-đa-phi trở thành nhà lãnh đạo mới của Li-bi, sau khi tiến hành cuộc đảo chính quân sự không đổ máu để lật đổ vua Idris đệ nhất. Li-bi dưới thời ông Ca-đa-phi đã cắt đứt các quan hệ ngoại giao với phương Tây.

Tới thập niên 1980, quan hệ giữa Li-bi với Mỹ và các nước phương Tây trở nên hết sức căng thẳng. Cũng trong giai đoạn này, Phương Tây buộc tội người Li-bi gây ra hai vụ tai nạn máy bay làm hàng trăm người thiệt mạng. Năm 1992, LHQ ra nghị quyết trừng phạt Li-bi với lý do không hợp tác điều tra hai nghi án này, khiến Li-bi thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm, đời sống khó khăn, chính trị mất ổn định.

Cho tới cuối năm ngoái và đầu năm nay, khi làn sóng biểu tình chống chính phủ từ Tuy-ni-di và Ai Cập lan sang Li-bi, người dân nước này đã nổi dậy chống lại Ca-đa-phi. Đến cuối tháng 6-2011, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt nhà lãnh đạo này vì những tội ác chống lại loài người. Dưới sự bảo trợ của một số nước phương Tây, lực lượng chống chính phủ đã lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Ca-đa-phi, đồng thời đẩy nhà lãnh đạo quyền lực một thời này vào cảnh trốn chạy đến khi bị bắn chết.

Bảo Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/li-bi-bat-dau-mot-chuong-moi/